Chương trình đào tạo Tông đồ giáo dân - Khoá I.2003

Đề tài 16

Đối tượng của việc truyền giáo
của Giáo hội Việt Nam ngày nay


I. Tiếp cận vấn đề

Khóa bồi dưỡng căn bản này nhằm đào tạo anh chị em giáo dân thiện chí thành những tông đồ hay cán bộ truyền giáo đích thực trong môi trường giáo xứ và xã hội ngày nay. Sau phần mở đầu của chương trình đề cập đến: Lệnh truyền của Đức Giêsu (đề tài 1), Ý thức và nỗ lực Truyền giáo của Hội Thánh (đề tài 2), Thế nào là truyền giáo (đề tài 3), chúng ta đã dành rất nhiều thời gian để ôn lại những điều căn bản của Đạo Kitô: Đức Giêsu nói về Cha (đề tài 4), Đức Giêsu rao giảng về Nước Trời (đề tài 5), Đức Giêsu nói về Cánh Chung (đề tài 6), Đức Giêsu Nadarét là Đấng Cứu độ (đề tài 7), Đức Giêsu thiết lập Giáo hội (đề tài 8), Chúa Thánh Thần trong và ngoài Giáo hội Công giáo (đề tài 9), Mầu nhiệm Giáo hội Công giáo (đề tài 10), Ơn gọi, sứ mạng và các đặc tính của Giáo hội (đề tài 11), Đời sống Bí tích của Kitô hữu (đề tài 12), Đời sống Cầu nguyện của Kitô hữu (đề tài 13), Đời sống Luân lý của Kitô hữu (đề tài 14), Đời sống Tin Cậy Mến của Kitô hữu (đề tài 15). Hy vọng với 12 đề tài vừa nêu, anh chị em đã nắm vững những điều căn bản về Đạo.

Nay đến phần cuối cùng, chúng ta sẽ tìm hiểu về đối tượng (đề tài 15) và phương pháp (đề tài 15) của việc Truyền Giáo của Giáo hội Việt Nam ngày nay.

Vậy các anh chị hãy trao đổi với nhau dựa về 2 câu hỏi sau:

1.1 Theo anh chị thì đối tượng của việc truyền giáo của Giáo hội Việt Nam ngày nay là những ai?
1.2 Trong số những đối tượng ấy thì những hạng người nào đáng được coi là đối tượng ưu tiên của việc truyền giáo của Giáo hội Việt Nam ngày nay tức là những người đáng chúng ta đặc biệt quan tâm? Và tại sao chúng ta cần quan tâm hơn đến những người ấy?

II. Học hiểu Giáo lý

2.1 Ba loại đối tượng của việc truyền giáo -theo nghĩa rộng- của Giáo hội ngày nay:

(1) Lời Đức Gioan Phaolô II:

"Trước hết đó là tình trạng mà hoạt động truyền giáo của Giáo hội nhắm tới: các dân tộc, các khu dân cư, các nhóm người, các bối cảnh văn hóa xã hội chưa biết tới Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Hoặc đó là những nơi không có các cộng đồng Kitô hữu đủ vững mạnh để có thể hội nhập đức tin vào môi trường của mình và loan báo đức tin cho những nhóm người kháx. Đó là "sứ vụ đến với muôn dân" đúng nghĩa.
"Tiếp đến có những cộng đoàn Kitô hữu có một cơ cấu vững mạnh và thích ứng được về đức tin và đời sống nhiệt thành. Những cộng đoàn này làm chứng cho Tin Mừng một cách rạng rỡ trong môi trường của mình. Họ ý thức về nghĩa vụ truyền giáo phổ quát. Trong các công đoàn này có các hoạt động mục vụ của Giáo hội.
"Sau hết là một tình trạng ở giữa hai tình trạng trên: đôi khi ở ngay tại các quốc gia có truyền thống Kitô giáo kỳ cựu, đôi khi tại các Giáo hội trẻ trung hơn: Có người hay có cả từng nhóm người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội, nhưng lại đánh mất cảm thức về một đức tin sống động, hoặc đi đến chỗ không còn nhìn nhận mình là một phần tử của Giáo hội nữa. Họ sống xa rời Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Trong trường hợp này, cần phải có “một cuộc loan báo Tin Mừng mới
" (Tông huấn "Sứ vụ Đấng Cứu Độ", 33).

(2) Ba loại đối tượng của việc truyền giáo -theo nghĩa rộng- của Giáo hội ngày nay:
  • Đối tượng 1: Những người chưa biết, chưa tin Đức Giêsu Kitô. (Hoạt động truyền giáo, theo nghĩa hẹp).
  • Đối tượng 2: Những người tin Đức Giêsu Kitô và đã được rửa tội (Hoạt động mục vụ).
  • Đố tượng 3: Những người đã tin Đức Giêsu Kitô và đã nhận bí tích rửa tội nhưng đã đánh mất niềm tin, rời bỏ Giáo hội, sống như người lương dân (Hoạt động tái truyền giáo).

2.2 Đối tượng của việc truyền Giáo -theo nghĩa hẹp- của Giáo hội Việt Nam ngày nay.

(1) Đối tượng của việc truyền giáo -theo nghĩa hẹp- của Giáo hội Việt Nam ngày nay là tất cả mọi người Việt Nam không Công giáo, không phân biệt có tín ngưỡng hay không có tín ngường (thậm chí cả những người vô thần); cũng không phân biệt giầu nghèo, sang hèn, sắc tộc, ngôn ngữ, trình độ văn hóa, khuynh hướng hay đoàn thể chính trị.
(2) Đối với bất kỳ đối tượng nào chúng ta cần có một hiểu biết tương đối về truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, hoàn cảnh kinh tế, xã hội và nhất là nhu cầu tâm linh của họ. Nói chung đối với đồng bào Việt Nam, chúng ta phải hiểu biết và quí trọng các giá trị văn hóa dân tộc, truyền thống gia đình Nho giáo, tôn giáo và niềm tin dân gian như đạo ông bà và việc thờ cúng tổ tiên. Với các đồng bào thuộc dân tộc ít người, chúng ta phải am hiểu tín ngưỡng và phong tục, tập quán của từng bộ tộc. Với những người không tín ngưỡng và vô thần, chúng ta phải hiểu nguyên nhân lịch sử và thực tế của thái độ và cách sống vô tín ngưỡng hoặc vô thần của họ.
(3) Trong các đối tượng của việc truyền giáo -theo nghĩa hẹp- của Giáo hội Việt Nam ngày nay, chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến một số đối tượng mà chúng ta gọi là đối tượng ưu tiên, hoặc vì những người ấy ở cận kề chúng ta, hoặc vì những người ấy cần đến chúng ta hơn những người khác.
(4) Cụ thể đó là những người nghèo của thời nay. Chúng ta có thể kể ra một vài dạng người nghèo này như sau:
  • Người nghèo ở vùng sâu, vùng xa,
  • Đồng bào các dân tộc thiểu số,
  • Những người sống trong nhà dưỡng lão hay bị bỏ rơi, không nơi nương tựa,
  • Trẻ em của các lớp học tình thương,
  • Trẻ em khuyết tật và người tàng tật,
  • Bệnh nhân nghèo của các phòng khám từ thiện,
  • Bệnh nhân phong, AIDS-HIV,
  • Những người được giáo dục để cải hóa trong các trung tâm xã hội: cai nghiện, mãi dâm, trộm cướp, lừa gạt...

2.3 Đối tượng ưu tiên của việc truyền Giáo của Giáo hội Việt Nam ngày nay.

(1) Những người bị rơi xuống đáy xã hội: bụi đời, mãi dâm, nghiện ma túy, bệnh nhân AIDS, v.v...

Từ ngày xã hội ta mở cửa theo nền kinh tế thị trường, các tệ nạn xã hội như có đất để phát triển, hủy hoại bao cuộc đời và làm ô nghiễm bầu khí đạo đức của xã hội và đe dọa tương lai của dân tộc. Thực tế cho thấy từ bụi đời, đến mãi dâm, đến ma túy và cuối cùng là AIDS có nhiều liên hệ chằng chịt và rất khó phá vỡ. Dù do bất kỳ nguyên nhân nào dẫn tới các tệ nạn kể trên, các nạn nhân vẫn là những người đáng thương nhất, đáng được chúng ta thương yêu, giúp đỡ nhất.

(2) Những người đang cần và đang tìm đức tin:

Trong số này phải kể đến: anh chị em các dân tộc thiểu số; các bạn trẻ, sinh viên, học sinh; những người có gốc công giáo, nhưng đã nhạt đức tin; những người có thành kiến, ác cảm hoặc lãnh đạm với đạo, nhưng sau đổi ý; nạn nhân của các gia đình tan vỡ.

(a) Anh chị em các dân tộc thiểu số:

"Đang có một phong trào đón nhận đức tin rất mạnh nơi các dân tộc thiểu số. Đồng bào thiểu số có thể xếp vào hạng người nghèo nhất trong số các người nghèo. Phải chăng vì thế mà họ là những người được Thiên Chúa ưu đãi? Quả thế, những ai đã sống với đồng bào Thượng trên Tây Nguyện chẳng hạn, đều có ấn tượng đậm nét về đức tin, về sự cầu nguyện hồn nhiên, sâu sắc của họ cũng như về nhiệt tình làm việc tông đồ. Họ không vướng bận về mặt hình thức như nhiều tín hữu người Kinh. Họ chỉ có tấm lòng chân thành. Và ơn Chúa sinh hoa kết quả lạ lùng

"Phải nói rằng con đường đến với đức tin của đồng bào các dân tộc ít người miền Bắc gặp nhiều trắc trở hơn các sắc tộc phía Nam. Trong khi ở phía Nam đã có những thừa sai rải rác trên cao nguyên, một mặt sống nghèo với người nghèo, một mặt giúp thăng tiến phần nào cuộc sống của đồng bào về vật chất lẫn tinh thần, biết tiếng nói và văn hóa dân tộc và tạo nên những cộng đoàn sinh động, thì ở phía Bắc đang thiếu nhân sự trầm trọng, cộng thêm với những khó khăn do địa phương còn tinh thần hẹp hòi, đến độ lo ngại rằng sau một hồi rộ lên, khí thế đến với Tin Mừng có thể suy yếu vì thiếu năng đỡ và hướng dẫn. Cần gấp rút gây dựng một lớp tông đồ giáo dân có khả năng tiếp cận và hòa mình với đồng bào. Tình hình chính trị có những bất ổn, nhưng không thể vì vậy mà buông lơi sứ mạng loan báo Tin Mừng." (Lm Vũ Khởi Phụng, DCCT, bài "Linh mục con nợ đặc biệt của người nghèo và người yếu đuối", trong cuốn BỐN MƯƠI NĂM SAU VATICAN HAI NHÌN LẠI, trang 62-63).

(b) Các bạn trẻ, sinh viên, học sinh:

"... bất chấp hoặc chính vì những trở ngại, đang có nhiều người thao thức đi tìm những giá trị tâm linh, trong số này có nhiều người trẻ. Họ nhậy cảm với tình bạn, tình yêu thương, sự chân thành, tinh thần hướng thượng. Từ đó họ dễ cảm nhận Chúa. Khi đã có đức tin, họ đại độ dâng hiến những khả năng tâm trí của mình cho cộng đoàn tín hữu.
"Thường thường các bạn này phát hiện Giáo hội qua các bạn cùng trang lứa có đạo. Vì vậy cần có những cộng đoàn trẻ năng động, biết diễn tả đức tin của mình, có lòng mến, biết sáng tạo và làm chứng cho Chúa.
"...Họ cần được lắng nghe, thông cảm với những vấn đề và nỗi niềm của họ, giống như những người bạn có thể tâm sự. Thật sự nhiều khi họ rất muốn tìm hiểu về đạo, nhưng lại ngại ngùng vì còn xa lạ....Sự tiếp xúc trực tiếp là rất quan trọng. Chúng ta cần những thừa sai truyền đạo không chỉ ở những vùng núi rừng xa xôi, mà ngay giữa lòng thành phố, và đặc biệt giữa những người trẻ..." (như trên, trang 63-64).

(c) Những người có gốc Công giáo, nhưng đã nhạt đức tin:

"Thành phần này cũng không ít, có ở khắp nơi, nhưng đặc biệt ở phía Bắc. Đức tin đã phai nhạt lâu trước khi họ ngưng đến nhà thờ. Cũng có khi ngừng đi nhà thờ do những bất bình có thể có lý (với các cha chẳng hạn), rồi lâu năm trở nên xa lạ với nhà Chúa. Cũng có thể họ là nạn nhân của một thời đặc biệt khó khăn đối với Giáo hội, nhà thờ vắng vẻ, linh mục cũng vắng luôn, sự đạo thu hẹp lại thành một mớ hình thức mà người ngày nay không hiểu được. Tóm lại, do thiếu hiểu biết, do hiểu lầm, do hoàn cảnh, đã lâu họ coi mình như không có đạo nữa.

"Đức tin có thể sống lại khi cha mẹ già đau ốm đòi mời linh mục đến nhà cử hành các bí tích, hoặc trong một lễ tang, một lễ cưới. Lễ tang và lễ cưới là những dịp rất tốt để rao giảng Tin Mừng. Có nhiều người chỉ có cơ hội tiếp xúc với Giáo hội nhân các lễ nghi đó..." (như trên, trang 64-65).

(d) Những người có thành kiến, ác cảm hoặc lãnh đạm với đạo, nhưng sau đổi ý:
"Trong một hoàn cảnh nhất định nào đấy về chính trị, lịch sử, xã hội, văn hóa, có nhiều ngộ nhận đối với đạo. Hoặc người ta nghĩ rằng hãy gạt chuyện tôn giáo qua một bên, để lo những chuyện phải đấu tranh trước mắt. Nhưng đến một lúc, có lẽ là đã từng trải, đã đứng tuổi, đã về hưu người ta lại nhận ra tất cả các hoạt động của mình đều có những giới hạn, nếu không có một cõi siêu việt. Nếu lúc ấy họ gặp được những tín hữu hoặc một linh mục hiểu biết, cởi mở không thành kiến, có lòng đạo chân chính, thì họ sẵn lòng đến với Chúa" (như trên, trang 65).

(đ) Nạn nhân của các gia đình tan vỡ:

"Các cặp vợ chồng mà đời sống gia đình trục trặc vướng mắc vào rất nhiều khó khăn và mặc cảm. Đối với người Công giáo, sau khi đã thất bại, nếu họ "làm lại cuộc đời" thì có phần nào cảm thấy như mình bị gạt ra bên lề Giáo hội vì không được chịu các bí tích. Người nào không có lỗi trong sự đổ vỡ hôn nhân mà chỉ là nạn nhân của sự phụ bạc có cảm giác như mình bị thua thiệt bất công nếu sống đúng luật Giáo hội. Nếu có Đức tin mạnh, đời sống cầu nguyện thâm sâu thì có thể khắc phục cảm giác ấy, nhưng vẫn bị nó ám ảnh dai dẳng" (như trên, trang 65-66).

Về mục vụ cho những trường hợp ly dị tái hôn, nhiều Giáo hội đang nghiên cứu, thử nghiệm để tìm ra phương cách tốt nhất nhằm nâng đỡ những người lâm vào cảnh này, vì nếu chỉ áp dụng luật một cách máy móc cứng nhắc thì cũng không giúp gì được cho những người thực sự thành tâm thiện chí muốn gắn bó với Giáo hội.

2.4 Lý do những hạng người kể trên được chọn làm đối tượng ưu tiên trong hoạt động truyền Giáo của Giáo hội Việt Nam ngày nay.

(1) Gương sống và lời giảng dạy của Đức Giêsu: Đức Giêsu đã chọn nếp sống nghèo, đã bạn bè với những người nghèo hèn trong xã hội, đã đồng hóa mình với những người bé mọn, đã dạy phải ưu tiên yêu thương người nghèo.
(2) Chọn lựa của Giáo hội Á châu và Việt Nam: Năm 1970 các Giám mục Á châu -trong đó có các Giám mục Việt Nam- đã quyết tâm chọn "Giáo hội Á châu phải là Giáo hội của người nghèo".

III. Ứng dụng thực hành

3.1 Nhận diện các đối tượng của việc truyền giáo theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp của Giáo hội Việt Nam ngày nay:
a) Là hết mọi người Việt Nam Công giáo và không Công giáo.
b) Là những người sống cận kề với chúng ta.
c) Là những người nghèo và những người cần đến chúng ta.
3.2 Quan tâm đến những người sống chung quanh để khám phá ra nhu cầu của họ và tìm cách đáp ứng sự chờ mong của họ.

IV. Trao đồi chia sẻ

4.1 Làm thế nào để giáo dân Việt Nam quan tâm đến việc giới thiệu Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người cho những người không Công giáo?
4.2 Muốn anh chị em lương dân đón nhận Đức Giêsu và Tin Mừng của Người, người Công giáo phải sống như thế nào? phải làm gì?
4.3 Chia sẻ hoạt động truyền giáo của cá nhân và gia đình anh chị.

V. Cầu nguyện truyền giáo

5.1 Cầu nguyện cho cánh đồng truyền giáo của Giáo hội Việt Nam ngày nay: Miền Bắc, Miền Trung và Cao Nguyên, Miền Nam và Thành phố này.
5.2 Cầu nguyện cho các nhà truyền giáo của Giáo hội Việt Nam: các Giám mục và các linh mục, các tu sĩ và giáo dân nam nữ đang phục vụ công cuộc rao giảng Tin Mừng cho đồng bào các nơi.
5.3 Cầu nguyện cho công việc truyền giáo của giáo xứ, cho linh mục chánh xứ, cho Hội đồng mục vụ Giáo xứ, cho Ban Điều hành các Giáo họ và các Hội đoàn, cho các ủy viên truyền giáo, cho các hội viên Legio Mariae và cho các giáo lý viên của giáo xứ.

VI. Quyết tâm cá nhân và cộng đoàn

6.1 Dành nhiều thời gian thăm viếng, tiếp cận, trao đổi với những người không Công giáo, nhất là những người ở gần nhà mình và những người cậy nhờ mình việc này việc khác.
6.2 Quan tâm đến nhu cầu của những người, những gia đình không Công giáo sống gần nhà mình. Cầu nguyện cho họ và giúp đỡ họ khi có dịp.
6.3 Quan tâm đến những người, những gia đình Công giáo nhưng sống xa Giáo hội, không tham dự các sinh hoạt của giáo xứ. Cầu nguyện cho họ và tìm cách kết thân với họ.

Ngày 31 tháng 03 năm 2003