Chúa Nhật Thứ 2 Mùa Phục Sinh, Năm C

Người Cho Các Ông Xem Tay và Cạnh Sườn Đọc Tin-mừng của Chúa Nhật hôm nay, tôi cảm thấy lạ và tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn còn mang những vết thương của cuộc thương khó? Nếu Chúa đã có thể sống lại từ sự chết, tại sao Chúa không xóa đi những vết thương xấu xí trên cơ thể của Ngài? Nếu làm như vậy, Ngài có thể đã làm cho các Tông Đồ kinh ngạc nhiều hơn thế nữa, vì quyền năng và sự hiện hữu siêu việt của Ngài. Dĩ nhiên, Ngài đã có thể làm cho thân xác của Ngài hoàn hảo – như một người mẫu hoàn hảo nhất của nhân loại – nếu như Ngài muốn. Nhưng Chúa đã không làm thế. Những vết thương hằn sâu trên thân thể của Ngài vẫn còn đó - Người cho các ông xem tay và cạnh sườn (Jn 20: 21). Người bảo ông Tô-ma: Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin (Jn 20: 28).

Đây là một bằng chứng sống động, không một người môn đệ nào đã có thể khước từ. Họ đã xác tín. Họ đã trở nên những chứng nhân sống cho sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Một điểm hay tuyệt vời ở đây –những vết thương trên thân thể của Chúa Giêsu đã củng cố một cách vững chắc niềm tin của các Tông Đồ. Bằng chứng sống này đã biến các ông thành những kẻ tin – Tin một cách mãnh liệt – Và trở nên những nhân chứng sống. Chính nhờ những chứng nhân sống này mà hôm nay chúng ta có Đức-tin. Chúng ta cũng được mời gọi trở nên những chứng nhân sống trong thời đại của chúng ta.

Nghĩ đến đây tôi nhớ lại một lời xác quyết của Đức Giáo Hoàng Phao- lô VI (EN, 41), và nó đã được Đức Gioan Phao-lô II nhắc lại (RM, 42; EA, 42) rằng: Những con người thời nay họ đặt tin tưởng vào những chứng nhân nhiều hơn là vào những thầy dậy, vào những kinh nghiệm hơn là những lời dạy dỗ, và nơi chính cuộc sống cũng như hành động hơn là những lý thuyết suông. Chính nơi những nhân chứng và bằng chứng sống động này, cuộc đời của bao nhiêu người đã được biến đổi. Đức Giêsu đã làm điều đó cho các Tông Đồ. Các Tông Đồ cũng đã làm như thế. Như vậy, chúng ta không phải ngạc nhiên khi mà với một bài giảng thánh Phê-rô đã có thể cải hóa được từ ba đến năm ngàn người (Acts 2: 41).

Câu hỏi tôi muốn đặt ra cho chúng ta hôm nay là: Liệu rằng chúng ta có thể nhìn thấy những vết thương của Chúa Giêsu trong thời đại của chúng ta? Đâu là những đau thương của cuộc lữ hành niềm tin mà chúng ta có thể phô bày ra cho anh em của chúng ta?

Những ý tưởng trong cuốn “The Scars” của Whale đưa cho tôi một nhận định như sau. Nếu như chúng ta không thể nhìn thấy những thương tích của thời đại chúng ta, không đụng chạm đến nó…rất có thể chúng ta cần đặt lại vấn đề niềm tin của chúng ta. Nếu như chúng ta không có những cảm nghiệm về những vết thương hằn sâu trong cuộc đời, để làm cho Đức tin của chúng ta thêm vững mạnh – rất có thể chúng ta không có gì để chia sẻ về niềm tin với anh em của chúng ta. Như thế không lạ gì Đức Giêsu đã không thiết lập một Giáo Hội đầy vinh quang và quyền năng của thế gian này. Nhưng Ngài đã thiết lập một Giáo Hội chứng nhân của sự tha thứ và hòa giải. Một Giáo Hội đầy quyền năng – bởi chính những sức mạnh vô biên qua những cuộc bách hại, dưới nhiều hình thức – Nhưng tràn đầy sức sống, tình yêu và sự tha thứ. Lịch sử đã chứng minh cho chúng thấy ta rằng, chính trong những hoàn cảnh này, mà Giáo Hội được phát triển và mở rộng.

Nhìn trong viễn tượng này, nhưng chỉ với tiêu điểm của một bài chia sẻ, tôi mời gọi anh chị em hãy nhìn vào những vết thương của Chúa Giêsu. Không phải những vết thương mà chúng ta có thể nhìn thấy nơi Ngài đang treo trên thánh giá; mà là những vêt thương hằn sâu trong trái tim của chúng ta, và nơi anh chị em của chúng ta. Đây chính là những vết thương mà Đức Giêsu đang phải gánh chịu trong thời đại của chúng ta. Những vết thương của sự thù ghét. Những vết thương của sự nghèo khổ. Những vết thương của những bất công. Những vết thương của những hiểu lầm. Những vết thương của những sự lạm dụng và chà đạp trên sự tự do và nhân phẩm của con người, etc.

Những vết thương hằn sâu và đang rỉ máu này không kêu gọi chúng ta nuôi dưỡng hận thù, nhưng mang đến cho chúng ta niềm vui – vì đơn giản rằng – chúng ở trên thân thể của Đức Kitô Phục Sinh (Jn 20: 21). Chính những vết thương này là bằng chứng của sự hiến thân cho Tình Yêu. Chính những vết thương này là bằng chứng của những Chứng Nhân Tình Yêu. Chính những vết thương này biểu lộ sức mạnh can trường của niềm tin của những cuộc đời hiến dâng cho Sự Thật – Sự Sống – và Tình Yêu; cho phẩm giá của nhân loại; và cho hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Tương lai và cuộc sống tràn đầy Tình Yêu – Tha Thứ - và Hòa Giải. Đây là cốt lõi và làChúa Nhật Thứ 2 Mùa Phục Sinh, Năm CChúa Nhật Thứ 2 Mùa Phục Sinh, Năm C nguồn mạnh Bình An mà Chúa Giêsu trao ban cho các Tông Đồ và cho chúng ta hôm nay: Bình An cho anh em!