Như đã biết (1), Cha John Beal, một linh mục thuộc giáo phân Erie, Pensylvania và là giáo sư của Đại Học America, là diễn giả thứ ba trong cuộc hội thảo về giáo luật, kéo dài một ngày, dành cho giới truyền thông, do Hội Giáo Luật Hoa Kỳ và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ bảo trợ, được tổ chức ngày 25 tháng 5 vừa qua tại Washington D.C. Tựa đề bài nói truyện của Cha là: “Tội phạm và hình phạt trong Giáo Hội Công Giáo: Một cái nhìn tổng quát về các khả thể và các vấn đề”.

Trong bài nói truyện trên, Cha Beal nhận định rằng luật Giáo Hội có dự liệu nhiều hình phạt dành cho con cái sai phạm của mình, nhưng trong trường hợp các giáo sĩ lạm dụng tình dục, thì hình phạt nghiêm trọng nhất, theo giáo luật, xem ra không phải lúc nào cũng là phương cách trừng phạt tốt nhất. Vì một lẽ giản dị là nó đã ‘thả hổ về rừng’, nghĩa là đã thả lỏng một kẻ phạm tội vào xã hội. Theo cha, loại một người lạm dụng tình dục ra khỏi hàng giáo sĩ (clerical state) có thể giải quyết vấn đề nội bộ của Giáo Hội, nhưng xét một cách toàn bộ, thì điều ấy chỉ làm vấn đề ra tệ hơn, nhất là khi ít hy vọng có được một vụ sử thành công về dân sự.

Ba mục tiêu

Cha Beal cho rằng, giống thủ tục pháp lý dân sự, các nhà thi hành việc trừng phạt trong Giáo Hội luôn gặp thách thức trong việc làm sao để hình phạt tương xứng với tội phạm, một trách vụ không bao giờ rõ ràng và được mọi người hỗ trợ. Tuy nhiên, Giáo Hội dạy rằng các chế tài hình luật trong bối cảnh Giáo Hội, xét về chủ yếu, có ba mục tiêu: “sửa chữa tai tiếng, tái lập công bình, cải sửa người vi phạm”. Sau đó, Cha trình bày các biện pháp trừng phạt đối với các giáo sĩ vi phạm việc lạm dụng tình dục: “Các biện pháp đó là: hình phạt chữa trị (medicinal), hình phạt thục tội (expiatory) và hình phạt sửa trị. Ngoài ra còn có hai biện pháp phi hình sự tỏ ra cũng có ích trong việc giải quyết các vấn đề này”.

Hình phạt chữa trị là “tước bỏ một số quyền lợi thiêng liêng” mà theo lý thuyết chỉ có tính tạm thời và mục đích trước nhất là để người vi phạm nhận thức rõ tầm nghiêm trọng của tội phạm mà ‘giục lòng ăn năn thống hối’. Bộ giáo luật hiện hành dự liệu 3 hình phạt loại này: vạ tuyệt thông (điều 1331), cấm chế (đ.1332), và huyền chức (suspension, đ.1333). Vạ tuyệt thông không loại người phạm tội ra khỏi Giáo Hội, họ chỉ bị cấm không được “tham dự theo cung cách thừa tác vụ vào Thánh Lễ hay các nghi thức phụng vụ khác, không được cử hành hay nhận lãnh các bí tích và á bí tích, không được thi hành các chức năng của bất cứ chức vụ hay thừa tác vụ nào trong Giáo Hội, và không được thi hành các hành vi cai quản nào trong Giáo Hội”.

Cấm chế (interdict) “cấm người phạm tội không được tham dự theo cung cách thừa tác vụ và lãnh nhận các bí tích và á bí tích”. Còn huyền chức (suspension) là hình phạt chỉ áp dụng cho hàng giáo sĩ. Tùy hoàn cảnh và mức độ, nó cấm vị giáo sĩ “một số hay mọi hành động quyền hành thuộc chức thánh mình” và “quyền cai quản” (như ban bí tích hay quản trị tài sản Giáo Hội), hay “một số hay mọi quyền lợi hay chức năng kèm theo chức vụ của mình” (như làm chứng hôn phối).

Cha Beal nghĩ rằng các hình phạt trên khó có thể là những hình phạt hữu hiệu đối với các giáo sĩ lạm dụng tình dục. Ngài giải thích: “Vì chúng chỉ được áp đặt sau một lời cảnh cáo, nên phải có bằng chứng phạm tội hay ít nhất cũng có hoài nghi là một giáo sĩ nào đó hay có khuynh hướng phạm loại tội này trước khi có thể đe dọa áp dụng hình phạt. Kinh nghiệm đáng buồn của những ngày gần đây cho thấy những cảnh cáo và đe dọa nghiêm khắc nhất cũng tỏ ra không hữu hiệu trong việc ngăn chặn một giáo sĩ khỏi lặp lại tội phạm của ông ta. Cả khi đã áp đặt một hình phạt đi chăng nữa, thì cũng buộc phải tha nó một khi người vi phạm chứng minh được sự ăn năn của mình”. Về điều này, theo Cha Beal, nhiều giám mục đã buồn rầu nhận ra rằng các giáo sĩ lạm dụng tình dục sẵn sàng tỏ ý ăn năn hối lỗi một cách trông thấy, nhưng rồi đâu lại hoàn đó.

Các quyền hành của linh mục

Người lạm dụng cũng có thể bị phạt các hình phạt thục tội (expiatory): bị cấm không được sống ở một nơi nào đó hay nhận lệnh phải sống tại một nơi nào đó mà Cha Beal ví như việc quản thúc tại gia (house arrest); tước đoạt một quyền hành, một chức vụ, một chức năng, một quyền lợi, một đặc ân, một năng quyền, một ân huệ, một danh hiệu hay phù hiệu (những tước đoạt này có phạm vi rất rộng, gồm cả việc cấm không được giảng hay giải tội, hay bị tước mất chức đức ông); cấm không được thi hành các quyền hành, chức vụ, chức năng và quyền lợi; buộc phải thuyên chuyển chức vụ; và cuối cùng, sa thải khỏi hàng giáo sĩ.

Cha Beal nói khá nhiều về hình phạt cuối cùng trên đây. Ngài bảo “với chức thánh, một thay đổi ‘có tính hữu thể’ đã xẩy ra, khiến một linh mục thành linh mục vĩnh viễn. Tuy nhiên, những điều sau đây không có tính vĩnh viễn, đó là các năng quyền (faculties) trong tư cách linh mục như được phép hành động trong tư cách linh mục, cử hành Thánh Lễ, giải tội, v.v…, và “tư cách pháp lý mà giáo luật gọi là hàng giáo sĩ”. Cha cho hay: “Những cử nhiệm và quyền hành này có thể bị mất cũng như chính bậc sống giáo sĩ. Bậc sống giáo sĩ có thể bị mất bởi một công bố cho thấy việc phong chức cho một ai đó vô hiệu, do một phép chuẩn của Tòa Thánh hay do việc áp đặt của một tòa hành chính hay hình sự”. Một giáo sĩ bị mất bậc sống giáo sĩ sẽ bị mất hết chức vụ, thừa tác vụ hay quyền hành thừa ủy nhiệm nào có thể có, cũng như mất hết các quyền lợi dành riêng cho hàng giáo sĩ và được gỡ khỏi mọi trói buộc, ngoại trừ trói buộc độc thân, và bị cấm không được thi hành các quyền hành thuộc chức thánh của mình. Cha Beal thêm rằng: trường hợp ở Hoa Kỳ, người này mất luôn cả hỗ trợ tài chánh như hưu bổng, bảo hiểm sức khỏe.

Các biện pháp khác

Sau đó, Cha Beal đề cập tới các chữa trị có tính hình sự và sám hối. Hình thức thứ nhất là chính thức cảnh cáo khi bị hồ nghi nặng là phạm tội nhưng thiếu bằng chứng đầy đủ cho một diễn trình hình sự. Còn sám hối thì có thể áp dụng khi có chứng cớ hẳn hòi nhưng diễn trình hình sự không thi hành được vì một số hoàn cảnh nào đó, như tuổi già hay đau yếu chẳng hạn. Sám hối kiểu này có thể cấm vị giáo sĩ không được thi hành thừa tác vụ và buộc ông phải lui về một cuộc sống cầu nguyện và đền tội.

Sau cùng, Cha Beal trình bày hai hình phạt chữa trị không có tính hình sự: một là thủ tục hành chánh dẫn tới việc miễn chuẩn một số trói buộc của bậc giáo sĩ, để trở về với bậc giáo dân, hai là lời tuyên bố đương sự mắc ngăn trở (impediment) không thi hành chức thánh của mình được.

Biện pháp chữa trị thứ nhất liên hệ đến đơn yêu cầu Tòa Thánh cho trở về hàng giáo dân, có thể do chính đương sự hay do vị giám mục hoặc bề trên của đương sự đệ nạp. Lời tuyên bố mắc ngăn trở thì liên quan tới các giáo sĩ lạm dụng mắc bệnh tâm thần. Cha Beal cho rằng “Khi một giáo sĩ phạm tội rõ ràng với vị thành niên nhưng được kết đoán là quá mất quân bình về tâm thần đến nỗi không thể bị coi là phạm tội hình sự, thì việc tuyên bố mắc ngăn trở có thể là cách nhanh nhất để tách ông ra khỏi thừa tác vụ công khai và nguy cơ tái phạm sau này”.

Từng bước

Diễn trình xử lý một giáo sĩ bị tố cáo lạm dụng tình dục hiện nay là thẩm quyền của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Diễn trình này như sau: khi một giám mục thấy đơn tố cáo lạm dụng tình dục xem ra có căn bản, ngài sẽ tiến hành một cuộc điều tra sơ khởi rồi chuyển kết quả cùng với các khuyến cáo của mình qua Rôma. Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ quyết định phải tiến hành tiếp theo như thế nào.

Cha Beal cho biết thêm: “Nếu Bộ quyết đoán rằng diễn trình này rất có thể dẫn tới việc đòi phải áp đặt các chế tài hình sự, thì Bộ sẽ có nhiều giải pháp. Thứ nhất, Bộ có thể ra lệnh khởi diễn một phiên hình sự ngay tại Bộ hay tại giáo phận gốc của đương đơn. Phiên xử sẽ diễn ra trong hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất để xác định tội hay không tội, và giai đoạn hai để áp dụng hình phạt thích đáng. Thứ hai, Bộ có thể ra lệnh khởi diễn một tòa hành chánh ở cấp địa phương. Tại tòa này, giám mục hành động như người quyết định và phải dành cho bị cáo các yếu tố căn bản của điều được gọi là ‘diễn trình thích đáng’. Thứ ba, khi chứng cớ về tội của bị cáo đã rõ ràng và có lý do khẩn cấp phải tiến hành nhanh chóng, Bộ có thể đệ trình vụ án lên Đức Giáo Hoàng và yêu cầu sa thải đương sự khỏi hàng giáo sĩ như một hình phạt”.

Không hẳn tuyệt hảo

Về việc kết án, Cha Beal nhận xét rằng: “Để tìm được sự cân bằng đúng đắn cho các mục tiêu của hình sự giáo luật, một cân nhắc quan trọng nhất của người đưa ra quyết định trong Giáo Hội không phải là làm cách nào tốt nhất để trừng phạt người phạm các tội đã qua mà làm cách nào tốt nhất để bảo vệ các người dễ bị thương tổn khỏi bị lạm dụng trong tương lai”. Trong bối cảnh này, việc chủ yếu là giữ cho giáo sĩ lạm dụng xa hẳn thừa tác vụ có thể khiến ông phải tiếp xúc với những người dễ bị thương tổn, tức sa thải ông khỏi hàng giáo sĩ. Cha Beal bảo rằng: “Nói về thừa tác vụ trong Giáo Hội, hình phạt bị sa thải cũng tương tự như án tử hình”. Nó có thể “giúp khử trừ vụ tai tiếng bằng cách cho cả tín hữu lẫn công chúng nói chung hiểu rõ rằng ‘trong hàng ngũ linh mục, không có chỗ đứng cho những người lạm dụng trẻ em’”, như lời Đức Gioan Phaolô II từng nói.

Tuy nhiên, như Cha Beal từng diễn giải thêm trong phần trả lời các câu hỏi, “hình phạt sa thải không góp phần bao nhiêu, nếu có, vào diễn trình cải tạo người vi phạm”. Ngài nhận định: “vì việc sa thải một người khỏi hàng giáo sĩ cũng thả lỏng ông ta khỏi những hệ thống theo dõi và kiểm soát mà Giáo Hội hiện có, dù chúng có bất toàn bao nhiêu đi chăng nữa, và để ông ta mặc tình tự do trong xã hội”. Dù sao, Giáo Hội cũng không thể ngăn cản được người phạm tội khỏi tiếp tục “thi hành thừa tác vụ” dù ông ta không có thẩm quyền của Giáo Hội nữa. Cha Beal đơn cử trường hợp Tổng Giám Mục Emmanuel Milingo hay dịch vụ liên mạng “RentaPriest” (2).

Cha Beal cho hay tiếp: “cái hiểu của chúng ta về tâm động học (psychodynamics) của người lạm dụng tình dục thực ra rất giới hạn, giới hạn hơn ta tưởng, nhưng điều rõ ràng là những người thiên về tác phong mê muội (compulsive) hay nghiện ngập thường sẽ làm bậy khi bị căng thẳng, cô đơn, và bị tách khỏi hệ thống nâng đỡ của xã hội, nhất là tình trạng trong đó các giáo sĩ bị sa thải phải rơi vào. Giáo Hội rất có thể làm lợi cho xã hội bằng cách thuyên chuyển các giáo sĩ lạm dụng ra khỏi thừa tác vụ nhưng đừng sa thải họ khỏi hàng giáo sĩ để ít nhất Giáo Hội còn có thể theo dõi tác phong của họ”. Cha kết luận: “Cân bằng các mục tiêu sửa chữa tai tiếng, tái lập công bình, cải sửa người vi phạm không phải là một trách vụ dễ dàng. Các cố gắng nhằm đạt được sự cân bằng đúng đắn giữa các mục tiêu này sẽ đặt các vị có thẩm quyền trong Giáo Hội vào thế bị đủ mọi loại người phê phán, giống hệt việc đó đã khiến các thẩm phán dân sự bị chỉ trích nặng nề như thế nào, kể cả các thẩm phán tối cao. Nhưng trong một thế giới bất toàn, người ta chỉ còn biết làm những gì mình có thể". Và nếu thế, thì điều hay nhất là phải bảo đảm để hình phạt tương xứng với tội phạm.

Ra tòa án Giáo Hội

Diễn giả sau cùng của cuộc hội thảo tại Washington D.C. về giáo luật kéo dài một ngày, ngày 25 tháng 5 vừa qua, dành cho giới truyền thông là Cha Lawrence DiNardo, thuộc giáo phận Pittsburgh, Pensylvania. Bài nói truyện của Cha nhằm đơn giản hóa ngôn từ của giáo luật và trình bày một cái nhìn tổng quát về một số văn kiện có liên quan hơn cả, những văn kiện cùng với Bộ Giáo Luật, đã đưa ra chính sách và thủ tục để xử lý các giáo sĩ lạm dụng tình dục. Cha cũng minh giải diễn trình các sự kiện xẩy ra từ lúc giám mục nhận được đơn tố cáo.

Tìm sự kiện

Giai đoạn đầu tiên của diễn trình được giải thích trong điều 1717 và được gọi là tiền điều tra, tiền đây có nghĩa trước khi xử. Chính vị giám mục, hay thường là một người được ngài ủy quyền, sẽ khởi sự việc xác định xem liệu lời tố cáo có giá trị hay không, liệu có việc phạm tội thật không và liệu vụ này có thể tiến hành được không. Cha DiNardo cho hay: nhiều vụ bị xếp lại ngay ở bước này. Ngài đơn cử trường hợp trong đó vị linh mục bị tố cáo chưa hề bao giờ làm việc tại giáo xứ nơi xẩy ra việc bị tố cáo, và ngay cuộc điều tra sơ khởi đã cho thấy lời tố cáo ấy không đúng.

Cha cũng đề cập tới hội đồng tái duyệt của giáo phận, tuy không do giáo luật thiết lập ra, nhưng có đóng một vai trò trong diễn trình điều tra ở giai đoạn này. Sau đó, nếu lời tố cáo có giá trị, nghĩa là có đủ mức độ khả tín, thì sẽ được trình lên Bộ Giáo Lý Đức Tin của Tòa Thánh. Bộ này sẽ quyết định phải tiến hành ra sao: hoặc mở một phiên xử hình sự hoặc đưa ra một thủ tục hành chánh, hay, trong một vài vụ (nhất là khi giáo sĩ bị cáo nhận tội hay một tòa dân sự thấy ông có tội, hay trong các hoàn cảnh nghiêm trọng khác), Bộ Giáo Lý có thể thỉnh cầu Đức Thánh Cha dùng quyền để sa thải linh mục ấy khỏi hàng giáo sĩ.

Cha DiNardo cho hay thêm: trong thời gian có cuộc điều tra sơ khởi trên, các năng quyền của lịnh mục bị cáo đều bị tạm thời đình chỉ. Thời gian chính xác của việc đình chỉ này thường lệ thuộc vào các thỏa thuận với nhà cầm quyền dân sự, mục đích là cố gắng tránh không làm trở ngại cuộc điều tra dân sự.

Ra tòa

Theo Cha DiNardo, khi Bộ Giáo Lý Đức Tin quyết định cho mở phiên toà hình sự, thì tòa này thường gồm 3 thẩm phán, một thẩm phán chủ tọa và 2 thẩm phán đồng tọa. Ngoài ra, còn có vị bênh vực công lý, tương tự như công tố viên của hệ thống dân sự, và một trạng sư hay nhiều trạng sư bênh vực cho bị cáo. Cũng có thể có các dự thính viên, nghĩa là những người được thẩm phán ủy quyền nghe các nhân chứng. Dĩ nhiên, cũng có một công chứng viên (notary) để chứng thực mọi hành vi của phiên xử.

Muốn lập một phiên toà cho một vụ đặc thù nào đó, thì bị cáo có quyền chấp nhận các thành viên của tòa. Sau đó, tòa bắt đầu xác định đâu là vấn đề phải thụ lý. Tuyên bố của các bên cũng như của nhân chứng được trình bày, nhưng không theo phương pháp chất và đối chất như kiểu tòa dân sự. Thay vào đó, vị bênh vực công lý khai triển các câu hỏi, còn vị thẩm phán thì ấn định phải hỏi những gì. Đây là một diễn trình tìm hiểu (investigative) chứ không phải diễn trình đối đầu (adversarial), không phải kiểu luật sư này ráng ‘đo ván’ luật sư kia. Nó đúng là diễn trình vị thẩm phán tìm tòi sự thật. Các nhân chứng chuyên môn (như tâm lý gia hay phân tâm gia) và tài liệu làm chứng cũng có thể được trình bày. Rồi tới phiên vị bênh vực công lý cũng như trạng sư của bị cáo phát biểu. Vị sau có dịp bác bỏ lý lẽ của vị trước. Và cuối cùng, tòa ra phán quyết và ấn định hình phạt.

Tốt hơn hay xấu hơn

Ở phần thảo luận, nhiều câu hỏi đã được các tham dự viên nêu ra và được cả bốn diển giả trả lời. Về vấn đề tính bí mật của tòa, các diễn giả cho rằng đây không hẳn là việc “giữ bí mật mọi chuyện” mà chỉ là để tránh cho lời làm chứng không bị ‘ô nhiễm’ bởi các lời chứng khác. Các vị cho rằng ngay trong các phiên toà dân sự, người ta cũng đòi một sự “kín miệng” (secrecy) như thế.

Về khía cạnh rườm rà và cồng kềnh của tòa, Cha DiNardo cho hay nó không tốt hơn mà cũng không xấu hơn gì các phiên tòa dân sự. Theo kinh nghiệm của riêng ngài, thì các phiên tòa giáo luật loại này có thể hoàn tất ít nhất trong vòng 7 tháng và lâu nhất là hơn 18 tháng một chút. Một số thẩm phán có thể kết thúc vụ án nhanh hơn hay chậm hơn thế.

(1) Xem bài Giáo Luật Và Dân Luật, VietcatholicNews ngày 17-06-2010

(2) Tổ chức này nguyên thủy có tên CITI viết tắt bởi “Celibacy Is the Issue" (Độc Thân Là Vấn Đề). Thừa Tác Vụ CITI, được thành lập năm 1992, là một tổ chức phi pháp (theo giáo luật) gồm các cựu giáo sĩ Công Giáo đã lập gia đình. Họ vẫn tự ý thi hành thừa tác vụ linh mục cho những người tìm đến họ. Chủ trương của họ là Chúa Giêsu không bao giờ từ bỏ ai, nên họ mời gọi bất cứ ai bị Giáo Hội “từ bỏ” đến với họ. Trong một quảng cáo, họ cho hay họ sẵn sàng cử hành đủ mọi bí tích: Rửa Tội, Xưng Tội Lần Đầu, Hôn Phối, Xức Dầu, Thăm Bệnh Nhân, An Táng, Hòa Giải (giải tội), Cử Hành Thánh Thể!