Việc thương mãi hóa và tình dục hóa trẻ em đã đạt đến chỗ cần phải đưa ra các biện pháp để bảo vệ các em. Đây là kết luận của một bản phúc trình vừa được công bố ngày 6 vừa qua. Tác giả bản phúc trình là Reg Bailey, giám đốc điều hành đàn ông đầu tiên của Hiệp Hội Các Bà Mẹ, do Bộ Giáo Dục Anh đề cử. Ông có nhiệm vụ dẫn đầu một cuộc duyệt xét độc lập về các áp lực đang đè nặng lên trẻ em và đưa ra các khuyến cáo.

Reg Bailey phỏng vấn khá nhiều phụ huynh, tiếp theo là một cuộc nghiên cứu sâu rộng các vấn đề có liên quan. Ông được sự góp ý của 120 cơ sở kinh doanh và nhiều cơ quan khác. Kết quả chính là phúc trình “Hãy Để Trẻ Em Là Trẻ Em: Phúc Trình Cuộc Duyệt Xét Độc Lập Về Việc Thương Mãi Hóa và Tình Dục Hóa Trẻ Em”. Khi cho công bố phúc trình này, Reg Bailey cho hay: “Tôi muốn trao quyền vào tay phụ huynh để họ đương đầu tốt hơn với các áp lực đang đè nặng lên con em họ và giúp họ dưỡng dục con em họ theo ý họ muốn”.

Phúc trình trên đề cập đến 4 chủ đề then chốt vốn được phụ huynh và công chúng đặc biệt quan tâm. Chủ đề thứ nhất nói đến nền văn hóa tình dục hóa trong đó trẻ em đang phải sống. Nhiều phụ huynh nhất trí cho rằng nền văn hóa này không thích hợp cho con cái họ. Chủ đề thứ hai nói đến quần áo, các sản phẩm và dịch vụ dành cho trẻ em. Phúc trình cho rằng các vấn đề này thường không được rõ ràng. Chủ đề thứ ba xoay quanh việc trẻ em bị coi là người tiêu dùng. Các em chịu nhiều áp lực từ nhiều phía buộc phải hành động như người tiêu thụ. Dù không nhằm mục tiêu tách các em hoàn toàn khỏi thế giới thương mãi, phúc trình nhận định rằng phụ huynh thường than phiền việc các công ty đã đẩy quá xa các biên giới của quảng cáo. Chủ đề thứ tư liên quan tới việc phải làm sao cho tiếng nói của phụ huynh được lắng nghe. Đôi khi, phụ huynh thiếu tự tin, không dám lên tiếng về các vấn đề được bản phúc trình này đề cập tới. Có lúc, họ lại cảm thấy giới doanh thương không lưu ý đủ tới các quan tâm của họ.

Giải đáp

Về cách phản ứng đối với các vấn đề trên, Phúc Trình cho rằng có hai phương thức tiếp cận rất khác nhau cần phải lưu ý. Phương thức thứ nhất đòi phải giữ trẻ em hoàn toàn trong trắng cho tới khi thành người trưởng thành bằng cách cô lập các em khỏi bất cứ ảnh hưởng tiêu cực nào hay loại bỏ mọi áp lực một cách triệt để. Phương thức thứ hai có khuynh hướng sau: thế giới có thế nào ta chấp nhận nó như vậy và nên tập trung vào việc giúp các em lèo lái qua thế giới ấy.

Bản phúc trình kết luận rằng cả hai phương thức đều không thực tiễn. Do đó, tốt hơn nên phối hợp cả hai. Điều này có nghĩa: phải đưa ra các biện pháp để giới hạn khuynh hướng mỗi ngày một thương mãi hóa và tình dục hóa trẻ em nhiều hơn, cũng như phải giúp trẻ em hiểu và đương đầu được với các nguy hiểm tiềm ẩn mà chúng rất có thể gặp phải.

Bản phúc trình cũng cho rằng trách nhiệm đầu tiên nằm trong tay phụ huynh. “Đối với chúng ta, muốn trẻ em là trẻ em, ta cần phụ huynh phải là phụ huynh”. Phúc trình sau đó nói tới giới kinh doanh và truyền thông, họ cần có tác phong phò gia đình nhiều hơn.

Thực vậy, phúc trình nhận định rằng một số thành phần trong thế giới kinh doanh và truyền thông hình như đã mất hết nối kết của họ với phụ huynh. “Chúng tôi tin rằng hiện đang có cảm thức mạnh về việc giới truyền thông đôi lúc tích cực chống lại các phụ huynh”. Điển hình là các chương trình truyền hình mà truyền thống vẫn coi là dành cho gia đình thưởng ngoạn, như các chương trình thi thố tài năng hay truyện nhiều tập về đời thường (soaps), hiện đang bắt đầu bị pha phôi với nội dung tình dục càng ngày càng nhiều.

Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn trong các lãnh vực chưa được qui định hay rất ít qui định. Các chất liệu chỉ dành cho người lớn hiện rất dễ có được trên internet, qua các mục “video theo yêu cầu” hay trên điện thoại di động.

Trong số các khuyến cáo chính, ta đọc được các khuyến cáo sau:

-- Đặt giới hạn tuổi trên các videos âm nhạc, để tránh việc trẻ em mua lầm những videos minh nhiên khích dục, và để hướng dẫn các nhà phát tuyết nên trình chiếu khi nào. Các videos âm nhạc được các tác giả phúc trình đặc biệt lưu ý vì bản chất tình dục và bạo động của một số bài ca và những vũ khúc có tính gợi dục cao, minh nhiên.

-- Che các hình ảnh gợi dục trên các trang nhất tập san và báo chí để trẻ em khó thấy. Các tập san và báo chí có hình ảnh minh nhiên gợi dục trên trang nhất nên được che bằng những tờ bià (sleeves) trong sạch hơn, và phải khuyến khích mọi nơi bày bán trình bày thích hợp các thứ ấn phẩm này.

-- Thay vì nhận được một cách tự động, nên mời các khách hàng tự quyết định nên mua các sản phẩm người lớn trên “internet” ở nhà, trên “laptop” hay “smart phone”. Việc này giúp phụ huynh dễ dàng bảo vệ con em họ hơn.

-- Các nhà buôn lẻ nên giới thiệu quần áo thích hợp theo tuổi cho trẻ em và ký nhận các qui định hướng dẫn thực hành liên quan tới việc thiết kế, mua bán, trưng bày và tiếp thị quần áo, các sản phẩm và dịch vụ dành cho trẻ em.

-- Nên giới hạn việc quảng cáo ngoài trời để loại bỏ các hình ảnh gợi dục ở những nơi nhiều trẻ em có thể trông thấy, như gần trường học, nhà mẫu giáo hay sân chơi. Khi cứu xét việc đặt các quảng cáo có hình ảnh gợi dục gần các trường học, cần áp dụng các hạn chế y như đối với các quảng cáo về rượu vậy.

-- Nên coi trọng các quan điểm của phụ huynh hơn là quan điểm của công chúng khi qui định các chương trình truyền hình trước 9 giờ tối (pre-watershed). 9 giờ tối hiện nay được qui định là lúc không được trình chiếu các chương trình có nội dung “người lớn”; qui định này đưa ra để bảo vệ trẻ em. Bởi thế, việc lên chương trình trước 9 giờ tối phải được khai triển và qui định dựa nhiều hơn vào thái độ và quan điểm của phụ huynh, hơn là của khán giả nói chung.

-- Cung cấp cho phụ huynh một trang mạng riêng để họ dễ dàng khiếu nại về bất cứ chương trình, bất cứ quảng cáo, bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào.

-- Cấm việc sử dụng trẻ em dưới 16 tuổi làm đại sứ cho một nhãn hiệu và việc tiếp thị đồng trang đồng lứa nào, và nên làm cha mẹ ý thức nhiều hơn đối với các kỹ thuật quảng cáo và tiếp thị nhằm vào trẻ em.

Phản ứng

Nói chung, phản ứng đối với phúc trình kể là tích cực. Đài BBC, ngày 6 tháng 6, phúc trình rằng Thủ Tướng David Cameron ủng hộ việc lập ra một trang mạng để phụ huynh khiếu nại hoặc nêu vấn đề. Ông cũng ủng hộ khuyến cáo phải làm dễ hơn việc ngăn cản hình ảnh khiêu dâm không xuất hiện trên trang mạng và điện thoại di động. Ông tuyên bố sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10 để xem xem có tiến bộ gì không trong các vấn đề được phúc trình này nhắc đến. Ông sẽ cho mời các nhà buôn lẻ, các nhà quảng cáo và đại diện các cơ sở truyền thông tham dự hội nghị thượng đỉnh này.

Liên quan đến các khiếu nại về áo quần không thích hợp với trẻ em, Đài BBC cho hay: Tổ Hợp Bán Lẻ Anh (British Retail Consortium) đã đưa ra các chỉ dẫn nghiêm ngặt hơn. Giám đốc sự vụ công của Tổ Hợp là Jane Bevis cho hay: các chỉ dẫn này giúp các phụ huynh an tâm biết rằng các công ty có quan tâm tới việc con em họ mặc gì. Cho đến nay, 9 liên hợp bán lẻ tuyên bố là họ sẽ tuân theo các chỉ dẫn này.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng phúc trình này không rốt ráo đủ. Thực vậy, theo nhật báo Telegraph ngày 6 tháng 6, chính cơ quan sử dụng Reg Bailey là Hiệp Hội Các Bà Mẹ tỏ ra không hài lòng. Rosemary Kempsell, chủ tịch Hiệp Hội cho hay: “Chúng tôi không thể nhất trí với cuộc duyệt xét khi cho rằng phương thức dựa hoàn toàn vào đồng thuận là hữu hiệu hơn cả và việc ra qui định hay luật lệ hơn nữa nhất thiết sẽ làm các phụ huynh hết quyền”.

Bà kêu gọi phải có mức độ can thiệp mạnh hơn của chính phủ vì theo bà ta đừng nên sợ phải thách thức kỹ nghệ (truyền thông) khi phúc lợi con em ta bị nguy hiểm. Chỉ có thời gian mới cho ta hay: tự ý giới hạn cộng với áp lực công chúng đã quá đủ để chấm dứt các tệ nạn được phúc trình nhấn mạnh.

Theo cha John Flynn, LC, Zenit 12 tháng 6.