Nói đến người nằm xuống, người ta thường nghĩ tới một chiến sĩ ngoài mặt trận hay một nhà tranh đấu nào đó mệnh chung vì chính nghĩa của mình. Người mà tôi nói tới không thuộc cả hai loại người vừa nói, nhưng thiển nghĩ ta vẫn có thể dùng chữ nằm xuống để nói về cái chết của ông.

Tên ông là Bill, một người sinh trưởng ở Úc. Mãi sau này, nghĩa là lúc ông gần qua đời, tôi mới biết tên đầy đủ của ông, nhưng đối với đa số đồng hương quen biết ông của tôi, thì dù có cho biết tên đầy đủ, họ vẫn nói: “à, Ông Bill”. Nên tôi vẫn gọi ông là Ông Bill.

Đúng ra, tôi không nên viết về ông, vì ông là người rất ít nói về mình, nên tôi hiểu về ông rất ít, ít đến gần như không có gì để viết. So với nhiều đồng hương của tôi, tôi là người biết ông muộn và ít hơn cả. Tôi tới Sydney năm 1981, không có ý niệm gì về ông Bill cả, vì chưa lần nào được gặp ông. Cho mãi tới giữa hay cuối thập niên 1990, mới tình cờ được gặp ông nhân một buổi liên hoan tại nhà người con rể tôi. Và từ đó, tôi được gặp ông luôn, mỗi năm cũng có đến 3, 4 lần: bất cứ dịp nào có tiếp đãi tại nhà con rể tôi, tôi đều được gặp Ông Bill. Ông hơn tôi mấy tuổi, coi như đồng trang đồng lứa, tôi lại lõm bõm chút tiếng Anh, nên chúng tôi hay nói chuyện với nhau, về đủ mọi vấn đề. Nhờ thế biết ông ngày xưa dạy học, có hoạt động cho Hội Thánh Vincent de Paul một thời gian, sau bỏ, không biết vì lý do gì. Nhưng khi đề cập tới Hội, ông hay lắc đầu, như không đồng ý triết lý vận hành của Hội hiện nay. Tôi không dám hỏi thêm, chỉ cho rằng có lẽ “ngày xưa bao giờ cũng là thời vàng son” chăng. Tuy nhiên, nhiệt tâm giúp người của ông thì vẫn như xưa, có khi hơn là đàng khác. Vì thực ra “xưa” kia của ông, nào tôi có biết gì.

Chỉ nghe người khác kể lại, chứ bản thân ông, ít nhắc lại chuyện cũ. Tôi có quen biết với những người gặp ông ngày trước và được ông tận tình giúp đỡ. Ông thuộc nhóm những người Công Giáo Úc đầu tiên chào đón những người Việt tị nạn đầu tiên trên đất Úc, săn sóc, giúp đỡ họ cả sau khi họ đã dọn ra “ở riêng”. Những người đó lúc nào cũng quí mến ông, có người coi ông như anh em, đi lại chuyện trò thân tình, cho đến tận ngày ông qua đời. Sở dĩ tôi viết bài này là để đề cao các đồng hương đầy tình nghĩa của tôi với những người từng giúp đỡ họ hay quen biết họ.

Cho đến ngày các trung tâm di dân (migrant hostels) không còn tiếp nhận ồ ạt các đợt người Việt Nam tị nạn nữa, thì Ông Bill dành căn nhà của ông ở phía nam Sydney cho các người tị nạn lẻ tẻ từ Việt Nam qua. Nhiều gia đình cư ngụ ở nhà ông cả 5,6 năm trời, được ông coi như người nhà, tận tình giúp đỡ, sẵn sàng dùng xe chở họ đi giải quyết mọi việc hàng ngày. Điều này làm tôi nhớ lại một người Úc khác tên David, cư ngụ ở vùng Douglas Park cũng thuộc ngoại ô Sydney: dành trọn căn nhà cho trên 10 thiếu niên Việt Nam hồi đầu thập niên 1980, lo việc ăn học đầy đủ cho các em. Điều oái oăm là 2 đứa con của vợ chồng David, dù cũng trong tuổi thiếu niên, nhưng lại không cư ngụ với bố mẹ. Có lần, David kể: nó (đứa con gái 16 tuổi) đi sống với thằng bồ, bị thằng này đánh, nó về khóc lóc với ông bác. Vốn là một võ sĩ, ông bác đến cho thằng kia một trận. Nhưng chứng nào tật ấy, mấy hôm sau, thằng nhỏ lại dở thói vũ phu với con nhỏ. Hỏi con nhỏ: cả một triệu thằng con trai khác, sao mày lại chọn nó. Con nhỏ chỉ cười và tiếp tục sống với thằng bồ.

Ông Bill cũng vậy. Nhưng số phận ông hẩm hiu hơn David nhiều. Ông mất cả bày con 6 người và cả người vợ nữa, dù họ vẫn còn hiện diện trên trần gian, ngay tại thành phố này. Ông không bao giờ nói đến chuyện vợ con. Nên tôi không rõ nguyên nhân của thảm kịch. Chỉ biết: đã từ lâu, ông không còn liên lạc gì với họ nữa. Thậm chí, từ ngày, sau khi bị đột qụi, phải vào bệnh viện từ đầu năm 2011 cho đến lúc qua đời đầu tháng 6, ông không được một ai trong số họ tới thăm, ngoại trừ người con trai út, nhưng lúc đó, ông đã gần như không biết gì. Một trong những người con gái của ông, khi được thông báo, đã trả lời: “No Way could I see him” (không có cách chi tôi gặp ông ấy được). Có điều, chính Ông Bill dường như cũng muốn thế. Ông không hề mong muốn được nhìn thấy vợ con. Người con rể của tôi, người được ông đề cử giữ “power of attorney” và là “guardian” của ông, còn cho hay: trong di chúc, ông nói rõ: “no provision for my wife and my children” (không có cấp khoản nào cho vợ và các con tôi).Và điều đó, đối với tôi, mới thực sự là thảm kịch. Nhiều người quen biết với ông và coi ông như anh em có cho tôi chi tiết này: vợ con ông cho rằng ông bỏ bê gia đình và hình như sống với các phụ nữ Việt Nam và có con với họ.

Bản thân tôi không tin Ông Bill có khoản sau. Khoản trước thì là nhận định chủ quan. Tôi không dám đụng tới. Nhưng khoản sau, thì không thể đúng được. Trước nhất, tôi vẫn tin Bill là người chính trực, hết sức thẳng thắn. Thấy điều gì không đúng, Bill không làm và không ngần ngại nói ra. Như năm 2008, lúc Sydney có Ngày Giới Trẻ Thế Giới, tôi bảo tôi sẽ tham dự buổi canh thức và thánh lễ bế mạc với Đức Giáo Hoàng tại trường đua Randwick, nên chỉ phải đóng góp rất ít so với những người khác tham dự cả tuần. Bill nói: trả tiền để được cầu nguyện với “Pope”, à, cái đó không bao giờ có đối với tôi! Thứ hai, ông vẫn thực hành đạo một cách tích cực. Sau khi bán căn nhà ở phía nam Sydney, ông dọn về phiá tây nam thành phố, ngụ tại nhà một phụ nữ Việt Nam trước đây từng cư ngụ nhà ông khá lâu. Nhờ thế, những người quen biết ông xưa có dịp gặp lại ông thường xuyên hơn, cùng đi lễ với ông, thấy ông rước lễ sốt sắng. Bill chỉ làm thế từ trong tấm lòng của mình. Tôi tin như vậy. Thứ ba, nếu ông sống như “de facto” với một phụ nữ Việt Nam nào đó và lại có con nữa, thì đây là dịp bằng vàng để họ “đào mỏ” vì thú thực Bill là người, nhiều thì không có, nhưng nửa triệu tiền mặt thì có do tiền bán căn nhà đã nhắc trên đây, chưa kể những khoản có thể có khác như hưu trí, bảo hiểm nhân thọ, cổ phiếu, đầu tư… Ai dại gì mà lại ngậm tăm để thiệt cho mình và cho đứa con? Trên thực tế, không hề có ai xuất hiện để làm việc này. Vả lại, một người công chính như Bill không thể nào lại không nhận đứa con của mình sau khi 6 đứa con kia không nhìn nhận mình nữa.

Không dễ gì thuyết phục được một thái độ quá cương quyết của vợ con Ông Bill. Xét cho cùng cả ông lẫn người nhà đều là những người khó thay đổi. Nói ra thảm kịch của Ông Bill không phải để đổ lỗi bênh vực. Mà chỉ để nói tới một thứ “lateral damage” như kiểu nói của quân sự hiện nay từ ngày có chiến tranh Việt Nam. Vạ lây. Của hoạt động tông đồ. Giúp người mà quên cả giúp mình. Bill nằm xuống, vẫn không ai trong gia đình cận kề của ông tới lo chung sự, ngoài hai người anh nay đã khá cao niên, cao niên đến nỗi, Ông Bill không dám cử giữ “power of attorney” hay làm “guardian”.

Hai vai trò đó “vô tình” do người con rể tôi cáng đáng. Nó có hiệu lực pháp lý cho tới lúc Bill qua đời. Từ lúc đó, người thi hành di chúc đảm nhiệm mọi hậu sự của ông. Tiếc rằng, người đó, một linh mục, lại không có mặt tại Sydney lúc này. Quả là một tình thế khó xử. Hai người anh của Ông Bill gần như không thực hành đạo nữa, nên họ không chú trọng đến lễ nghi tôn giáo. Họ cho hay mọi cử hành sẽ diễn ra ngay tại nghĩa địa với sự tham dự của chừng 12 người thuộc 2 gia đình họ. Tôi thấy xót xa cho Bill.

Rất may, được thông báo, người đồng hương với tôi, vốn coi Bill như anh em, đề nghị sẽ mời các thân hữu Việt Nam tới tham dự một thánh lễ với sự “hiện diện” của Bill để tỏ lòng tôn kính và cầu nguyện đặc biệt cho Bill. Được lời như cởi tấm lòng, tôi mang chuyện thưa với hai người anh của Bill. Họ hoan hỉ đồng ý, tuy không ai trong 2 gia đình họ tới tham dự. Tấm lòng quí hóa của các đồng hương, những người từng gặp gỡ và nhận sự giúp đỡ tinh thần và vật chất của Bill, quả không bỏ rơi ông trong những giờ phút sau cùng và hậu sau cùng này. Tấm lòng quí hóa đó, mấy ngày sau, còn được thể hiện hơn nữa. Không ai “mời” ai, vì không ai có tư cách chi để mời, nhiều thiện nguyện viên từng làm việc với Bill trước đây nói sẽ tới tham dự tang lễ. Ông Chủ Tịch Ban Thường Vụ thuộc Hội Đồng Mục Vụ của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Sydney, khi biết tin, cũng đã tự nguyện gửi một e-mail cho các thành viên kêu gọi tham dự buổi tiễn đưa Bill tại nghĩa trang Woronora, dù lúc sinh thời, Bill không liên hệ với Cộng Đồng này như một tổ chức. Ông tập chú vào việc giúp đỡ người tị nạn Việt Nam. Thậm chí, một nhà chuyên nghiệp Việt Nam thuộc nhóm “Sydney Vietnamese Workers’ Interagency”, có thể chưa bao giờ biết Bill, cũng gửi một e-mail cho các nhóm viên xin họ không những tham dự các lễ nghi tống biệt Bill mà còn vận động người khác tới tham dự, trong tâm tình biết ơn những người Úc nói chung đã tận tình giúp đỡ người Việt tị nạn từ trước đến nay. Nhận thấy nội dung cảm động, xin sao chép lại đây để gửi tới các đồng hương:

“Hi Colleagues, FYI.
Please see to the attachement and I hope this information can reach
people who happen to know this person.
Actually we Vietnamese refugees are in debt to many kind and generous
Australians in various ways.
People come and go and sometimes we lost track of people who did good
things to us.
Some one might want to pay tribute to this person to say good bye”.
SVWI - The Sydney Vietnamese Workers' Interagency group

(Thưa các đồng nghiệp, Để Tường.
Xin xem đính kèm và tôi hy vọng thông tin này có thể tới với những người tình cờ biết
hân vật này.
Người Việt tị nạn chúng ta thực sự mang nợ nhiều người Úc tốt bụng và đại lượng nhiều cách.
Người ta đến rồi đi và đôi khi ta mất tăm hơi những người từng làm điều tốt cho ta.
Một số quí vị có thể muốn tới tỏ lòng tôn kính với nhân vật này để nói lời tạm biệt).


Điều đáng nói: tất cả đều là tự phát của những tấm lòng chân chất Việt Nam, chứng tỏ một văn hóa biết ơn và thiện cảm sâu sắc. Cảm động thay. Bill ở trên thiên đàng chắc cũng ngó xuống mỉm cười.