Trên tạp chí mạng The First Things ngày 18 tháng 1 năm 2023, George Weigel cho biết đã ở bên cạnh Đức Hồng Y George Pell ít nhất cả hai tuần lễ, từ lúc viếng thi hài Đức Bênêđíctô XVI, dự tang lễ của Đức Giáo Hoàng Hưu trí và sau đó ít nhất dự tang lễ của Đức Hồng Y Pell. Ông thuật lại như sau:



Hôm thứ Ba, ngày 3 tháng 1, khi Đức Hồng Y George Pell và tôi đến kính viếng thi hài Đức Giáo Hoàng Hưu trí Bênêđictô XVI, đang long trọng quàn tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, tôi không thể không chú ý đến sự tôn kính của những người cấp nhỏ của vương cung thánh đường, những Sanpietrini, khi họ chào người Úc cao lớn đang chống gậy đi chậm chạp. Những người chỉ chỗ và canh giữ này đã quen với các vị vọng của giáo hội, nhưng có một điều gì đó khác biệt trong sự tôn trọng và tình cảm rõ ràng của họ dành cho Đức Hồng Y Pell. Đây là một con người từng chịu nhiều đau khổ vì Giáo hội và sự thật. Đây là một "vị tử đạo trắng." Sự chú ý cần được chứng tỏ. Và nó đã được chứng tỏ.

Chúng tôi cầu nguyện mười lăm phút tại quan tài trước bàn thờ cao nơi Đức Giáo Hoàng hưu trí yên nghỉ, và sau đó tại mộ của Thánh Gioan Phaolô II, trước khi rời vương cung thánh đường bằng cửa sau, nơi xe của Đức Hồng Y đang đợi chúng tôi. Tôi chỉ biết việc đi lại khó khăn như thế nào đối với người bạn 55 năm của tôi khi ngài yêu cầu được tựa vào cánh tay tôi khi chúng tôi đi xuống một con dốc nhỏ dẫn đến cửa. Bên ngoài, chúng tôi nhìn thấy Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký lâu năm của Đức Giáo Hoàng Hưu trí đã qua đời, đang đi vào Nhà thờ Thánh Phêrô cùng với một nhóm nhỏ. Chúng tôi trao đổi lời chia buồn, trong khi đó Đức Tổng Giám Mục nói với Đức Hồng Y rằng cuốn sách cuối cùng được Đức Bênêđíctô đọc là tập đầu tiên của Nhật ký Nhà tù của Đức Hồng Y Pell (mà tôi có vinh dự được đóng góp lời nói đầu).

Tối hôm trước, Đức Hồng Y Pell và tôi đã thưởng thức bữa tối với khoảng 50 chủng sinh giáo tỉnh Milwaukee tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, được chủ trì bởi vị đứng đầu Vương cung Thánh đường (và là người gốc Milwaukee), Đức Hồng Y James Harvey. Họ là một nhóm người đầy ấn tượng và theo dõi từng lời mà vị hồng xuất sắc nói trong bài phát biểu ngắn gọn sau bữa tối. Đức Hồng Y Pell nhẹ nhàng nhưng kiên quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng can đảm trong chức linh mục: lòng can đảm truyền giáo, lòng can đảm đối đầu với những cơn gió ngược văn hóa, lòng can đảm đặt niềm tin hoàn toàn vào Chúa.

Và trong những giờ phút ngay sau cái chết bất ngờ, gây sửng sốt của ngài vào ngày 10 tháng 1, qua màn sương mù tinh thần và thiêng liêng của một nỗi đau buồn sâu sắc, tôi chợt nhận ra rằng, trong những nhận xét ngắn gọn đó, George Pell đã vô tình nhưng hoàn toàn chân thực viết văn bia của mình: Ngài là một người can đảm, người đã “làm người khác can đảm [khuyến khích]”—người đã cho người khác lòng can đảm, hoặc có lẽ tốt hơn, rút ra từ người khác lòng can đảm mà họ không biết vốn nằm trong họ.

Tôi biết có rất ít, nếu không muốn nói là không có, những nhân vật công đã biểu lộ lòng dũng cảm đạo đức mà George Pell từng biểu lộ trong nhiều thập niên khi ngài bảo vệ và thúc đẩy chân lý của đức tin Công Giáo trước một chiến dịch truyền thông ác độc và không ngừng của Úc nhằm tiêu diệt ngài. Theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngài đã can đảm bắt tay vào việc làm sạch Kho bạc cực kỳ khó khăn của Vatican và đang đạt được tiến bộ quan trọng trong nhiệm vụ cự kỳ thách đố đó khi sự hỗ trợ mà ngài trông đợi đã tan ra mây khói. Biết rằng mình vô tội trước những cáo buộc vô lý mà lần đầu tiên ngài bị kết án, ngài đã can đảm biến 404 ngày trong tù thành một cuộc tĩnh tâm kéo dài, trong thời gian đó ngài đã viết ba tập suy tư đã mang lại sự an ủi và khích lệ tinh thần cho độc giả trên khắp thế giới. Trở về Rôma sau khi được Tòa án tối cao của Úc minh oan, ngài đóng một vai trò thầm lặng nhưng hữu hiệu ở hậu trường, khuyến khích những người bảo vệ tính chính thống của Công Giáo suy nghĩ thấu đáo những điều kiện cần thiết cho một tương lai Công Giáo sôi động hơn.

Hầu như ngày nào chúng tôi cũng ở Rome trong tuần cuối cùng của cuộc đời ngài. Và trong thời gian đó, chúng tôi đã thảo luận rất lâu về bản chất của cuộc khủng hoảng mà Giáo Hội Công Giáo phải đối đầu vào năm 2023: chắc chắn là ở Đức, nơi mà Con đường Đồng nghị đang hướng tới sự bội giáo, nhưng cũng ở khắp Giáo hội thế giới, khi các việc chuẩn bị cho Thượng hội đồng về tính đồng nghị Tháng 10 năm 2023 có nguy cơ tước bỏ thẩm quyền của các giám mục và biến Giáo hội thành một câu lạc bộ thảo luận của những người cấp tiến (woke). Chúng tôi đồng ý rằng đó là một cuộc khủng hoảng về tính tông truyền: Liệu những lời dạy của Chúa Giêsu, được truyền lại cho chúng ta bởi một truyền thống tông đồ có thẩm quyền, bắt nguồn từ nhóm tông đồ nguyên thủy, có tiếp tục được dạy trong thế kỷ hai mươi mốt không? Liệu các sự thật của mặc khải Thiên Chúa, do truyền thống các sứ đồ truyền bá, có tiếp tục được giảng dạy, gìn giữ, trân trọng và sống không?

Trả lời những câu hỏi đó bằng một tiếng “có” mạnh mẽ đòi hỏi loại can đảm mà Đức Hồng Y George Pell đã biểu lộ trong hơn tám thập niên, cho đến ngày ngài qua đời. Những người khác trong giới lãnh đạo của Giáo hội, những người được phong chức và giáo dân, giờ đây phải biểu lộ cùng sự can đảm đó, củng cố lòng can đảm của nhau trong những tháng hứa hẹn đầy khó khăn, sóng gió sắp tới.