Theo tin Catholic World News ngày 1 tháng 8, một bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc, vừa được công bố, quả quyết rằng “Nhiều vi phạm nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng vẫn là một thực tế tại Việt Nam”.

Phúc trình viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc là Heiner Bielefeldt tuyên bố rằng ông đã thấy một “thái độ nói chung rất khinh bạc và tiêu cực đối với quyền lợi của các nhóm thiểu số và các cá nhân thực hành tôn giáo của họ bên ngoài các ngả định chế”.

Hãng tin Fides thì dựa vào các tường trình của Liên Đới Kitô Giáo Thế Giới cho hay: các người cổ vũ cho tự do tôn giáo đã “ bị cảnh sát đe dọa, xách nhiễu hay ngăn cản” không được tìm cách nói chuyện với Bielefeldt trong khi ông đang thăm viếng Việt Nam.

Cuộc viếng thăm trên kết thúc vào ngày 1 tháng 8, sau khi Bielefeldt gặp các viên chức chính phủ, các viên chức địa phương, cũng như đại diện các cộng đồng tôn giáo. Liên Đới Kitô Giáo Thế Giới cũng cùng đi với Ông để thăm, theo lịch trình, các tỉnh An Giang, Gia Lai và Kon Tum. Chính tại những nơi này, họ thấy một số chứng nhân, đại diện và nhà tranh đấu muốn gặp Phúc Trình Viên của LHQ đã “bị cảnh sát đe dọa, xách nhiễu hay cản trở”.

Tại ba tỉnh nói trên, các vi phạm tự do tôn giáo, trong đó có các vụ tấn công người Công Giáo và Thệ Phản ở Kontum trong các năm 2012 và 2013, đã được ghi chép. Bielefeldt cũng tường trình nhiều “hạn chế trong lãnh vực nhân quyền” và nhiều “công thức mơ hồ trong Luật Hình Sự về việc lạm dụng tự do dân chủ”.
Phúc trình của Bielefeldt sẽ được đệ nạp lên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ vào năm 2015 với nhiều khuyến cáo.

Tập San Jurist thì cho hay: ba trong các cuộc viếng thăm được dự trù trước của Bielefeldt đã bị phá ngang và các nhân viên an ninh của Việt Nam theo dõi sát cuộc viếng thăm của ông: “tôi nhận được thông tin đáng tin cậy cho hay một số cá nhân mà tôi muốn gặp đã hoặc bị cảnh sát theo dõi xít xao, cảnh cáo, đe dọa, xách nhiễu hặc ngăn cản không được tới”.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Cộng Sản là Lê Hải Bình, ra một tuyên bố cho rằng chính phủ đã cố gắng hết sức để hỗ trợ Bielefeldt trong suốt 11 ngày viếng thăm của ông. Điều 70 của Hiến Pháp Việt Nam minh nhiên thừa nhận tự do tôn giáo. Nhưng theo phúc trình năm 2013 về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, các đạo luật khác ở Việt Nam đã hạn chế gắt gao việc thực hành tôn giáo và tín ngưỡng.

Chính Phủ Việt Nam từ trước đến nay vốn bị cộng đồng quốc tế chỉ trích về các chính sách nhân quyền của họ, nhất là liên quan tới việc giam giữ và các án tù. Tháng Ba năm nay, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao của Việt Nam đã kết án “blogger” Phạm Viết Đào 15 tháng tù vì đã đăng tải nhiều bài chỉ trích chính phủ. Một tháng trước đó, Tòa này cũng đã duy trì bản án đối với luật sư được huấn luyện ở Mỹ là Lê Quốc Quân, một nhà tranh đấu nổi tiếng của Việt Nam. Mùa Thu năm 2013, Hội Ân Xá Quốc Tế tố cáo các nhà cầm quyền Việt Nam đã dùng các luật lệ áp chế chống lại các nhà tranh đấu chống chính phủ và Cơ Quan Quan Sát Nhân Quyền đã lên tiếng yêu cầu Quốc Hội Việt Nam phải làm cho hiến pháp của đất nước phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

ABCNews của Úc, ngày 31 tháng 7, cũng cho hay các nhân viên an ninh của Việt Nam theo dõi xít xao hoạt động của Phúc Trình Viên LHQ Heiner Bielefeldt. Chính viên chức này cho hay: “tôi bị các ‘nhân viên an ninh và cảnh sát’ không được báo trước theo dõi sát nút bất cứ đi đâu, trong khi đó, tính tư riêng và bảo mật của một số cuộc gặp gỡ đã bị xâm phạm. Tất cả các biến cố này rõ ràng vi phạm các điều kiện trong bất kỳ cuộc viếng thăm nước nào của tôi”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao, Lê Hải Bình, thì luôn lải nhải rằng chính phủ đã làm hết sức để tạo thuận lợi cho cuộc viếng thăm của Bielefeldt: “Việc tiếp đón Phúc Trình Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo trong cuộc viếng thăm Việt Nam chứng tỏ thiện chí, thái độ hợp tác và cởi mở của chính phủ Việt Nam cũng như sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực thi các cam kết của mình khi nộp đơn tham gia Ủy Ban Nhân Quyền LHQ”.

Tự do tôn giáo được Hiến Pháp VN tôn trọng, nhưng chính phủ chỉ thừa nhận khoảng 12 tôn giáo trên một xứ sở gồm 90 triệu dân. Những tôn giáo hay tín ngưỡng nào không được thừa nhận thì bị cấm. Hà Nội cho rằng chỉ những người phạm luật mới bị bắt hay cầm tù.

Bielefeldt tường trình rằng ông được nghe nhiều lời tố cáo như xách nhiễu, giam tại nhà, cầm tù, phá hủy nơi thờ phượng, đánh đập và ép buộc người ta phải gia nhập các tôn giáo chính thức và từ bỏ tôn giáo của mình.