Sau phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ tháng Sáu năm 2013 nhằm đảo ngược Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân, hôn nhân đồng tính đã trở thành hợp pháp tại hơn 30 tiểu bang. Sự thay đổi lớn lao này khiến các nhóm tôn giáo, nhất là Do Thái Giáo và Kitô Giáo, lên tiếng bênh vực hôn nhân truyền thống theo nghĩa một cuộc kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà.

Thực vậy, ba hội nghị tôn giáo quan trọng đã được tổ chức liên tiếp trong bốn tuần của tháng Mười và tháng Mười Một năm 2014, chuyên bàn về hôn nhân. Trước nhất, Ủy Ban Đạo Đức và Tự Do Tôn Giáo của Giáo Hội Baptist miền Nam Hoa Kỳ tổ chức một hội nghị với chủ đề The Gospel, Homosexuality, and the Future of Marriage (Tin Mừng, Đồng Tính Luyến Ái, và Tương Lai Hôn Nhân, tháng Mười, 2014). Chỉ ít ngày sau, tức trung tuần tháng Mười Một, Dự Án Cải Cách (Reformation Project), một tổ chức Thệ Phản, đã tổ chức một hội nghị ở Washington D.C. để chứng minh sự tương hợp của đồng tính luyến ái với các niềm tin Thệ Phản.

Và cuối cùng, cũng trong tháng Mười Một, Toà Thánh Vatican tổ chức một nghị hội liên tôn gọi là Hội Thoại Humanum (Colloquium Humanum) bàn về tính bổ túc nam nữ. Đây là một hội nghị thực sự có tính liên tôn, qui tụ các tham dự viên và diễn giả Công Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo, Sikh, Do Thái Giáo, Mormon, Ấn Giáo, và Phật Giáo. Tuy khác nhau về tín ngưỡng, tất cả các tham dự viên và diễn giả này đều đồng thuận với sứ điệp thống nhất của Hội Thoại rằng tính bổ túc nam nữ là gốc rễ của hôn nhân và rất quan trọng để con người phát triển.

Tuy nhiên, nói đến tính bổ túc là nói đến các dị biệt nam nữ, điều mà não trạng hiện đại có khuynh hướng bác bỏ vì cho rằng nhấn mạnh tới dị biệt là nhấn mạnh và duy trì hiện trạng bất bình đẳng nam nữ. Đặc biệt, đó là chủ trương của những người cổ vũ hôn nhân đồng tính. Người cổ vũ tính bổ túc thì cho rằng bổ túc không hề là bất bình đẳng. Lý luận đưa ra để bênh vực luận đề này có khá nhiều sắc thái mà chúng ta cần đào sâu.

Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ tường trình ba đóng góp quan trọng của các đại diện Giáo Hội Baptist miền Nam Hoa Kỳ, Do Thái Giáo và Giáo Hội Công Giáo, ba quan điểm ủng hộ tính bổ túc nam nữ, một bổ túc không bác bỏ tính bình đẳng giữa hai phái tính này.

Như sẽ thấy, khi nói tới cung cách bổ túc cho nhau, mỗi đại diện sẽ cho thấy những sắc thái dị biệt của mình. Lấy đại diện của Giáo Hội Baptist Miền Nam Hoa Kỳ làm điển hình. Dựa vào chân lý: người đàn bà và người đàn ông được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, tác giả cho rằng họ bình đẳng trong yếu tính và do đó, trong phẩm giá, nhưng khác nhau như những biểu thức khác nhau của cùng một bản chất yếu tính.

Tuy nhiên, khi quá nhấn mạnh tới sự khác nhau này, tác giả đã lâm vào thế khó khăn lớn dẫn tới chủ trương cho rằng người đàn ông phải là người lãnh đạo, người đứng đầu, ít nhất trong gia đình và trong Giáo Hội. Ông cho rằng: người nam được dựng nên trước, không cần trung gian; còn người nữ được dựng nên sau, cần trung gian (xương sườn Ađam). Nên trong ý định của Thiên Chúa, đã có một ưu tiên về thời gian đối với nam nữ. Rồi dựa vào 1Tm 2:13 và 1Cor 11:8, ông kết luận: “Quyền lãnh đạo của nam giới dường như đã bắt nguồn từ thứ tự tạo dựng này”.

I. Quan điểm Baptist về tính bổ túc nam nữ

Sau đây là nguyên văn bài “Male and Femal Complementarity and The Image of God” của Bruce A. Bruce A. Ware, Phụ Tá Khoa Trưởng Trường Thần Học và là Giáo Sư Thần Học Kitô Giáo tại Chủng Viện Thần Học Baptist Miền Nam, Louisville, Kentucky, đăng trong Biblical Foundations for Manhood and Womanhood, do Wayne Grudem chủ biên, xuất bản năm 2002. Chúng tôi lược bỏ phần tác giả nói về hình ảnh Thiên Chúa, để đi thẳng vào phần ông nói tới bình đẳng và vị thế “ưu tiên” của người nam trong sự bình đẳng này.

Nam và nữ như là hình ảnh Thiên Chúa

Sự bình đẳng nam nữ như là hình ảnh Thiên Chúa

Các nhà chủ trương bổ túc và các nhà chủ trương bình đẳng đều đồng ý với nhau rằng việc dựng nên nam và nữ như hình ảnh Thiên Chúa cho thấy giá trị người đàn bà bằng với giá trị người đàn ông vì đều trọn vẹn là những con người cả, với phẩm giá, giá trị và tầm quan trọng bằng nhau. Dù St 1:26-27 có nói tới việc Thiên Chúa dựng nên “con người (man)” giống hình ảnh Người, nhưng ở cuối câu 27, đoạn văn này cố ý mở rộng để nói rằng “Người dựng nên chúng có nam có nữ”.

Rõ ràng ý định của bản văn muốn nói rằng cả người đàn ông lẫn người đàn bà đều có một nhân tính chung và có giá trị bằng nhau trước mặt Thiên Chúa (do đó, cả hai đều là người) ấy thế nhưng, không vì thế họ trở thành đồng nhất, y như nhau (do đó, họ là “nam và nữ” khác biệt nhau).

St 5:1-2 chỉ củng cố và tăng cường cái hiểu trên mà thôi. Ở đây, Thánh Kinh viết “Ðây là gia phả ông Ađam: Ngày Thiên Chúa sáng tạo con người, Chúa làm ra con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, Chúa ban phúc lành cho họ và đặt tên cho họ là "người (man)", ngày họ được sáng tạo”. Cũng như ở St 1:26-27, ở đây ta thấy căn tính chung của cả nam lẫn nữ, vì cả hai đều được đặt tên là “người”, thế nhưng nam và nữ vẫn là lối diễn tả khác nhau của cùng một bản tính chung và được chiếm hữu ngang nhau là “người”. Như nhiều người đã nhận định, vì bản văn này được viết trong ngữ cảnh chế độ gia trưởng (patriarchal), nên quả là điều đáng lưu ý khi soạn giả Thánh Kinh quyết định đồng nhất hóa người nữ với người nam, xác nhận họ có cùng tên và bản tính là “người”. Nam và nữ, như thế, quả bình đẳng trong yếu tính và do đó bình đẳng trong phẩm giá, trong giá trị và tầm quan trọng.

Một chứng từ rõ ràng khác của Thánh Kinh đối với sự bình đẳng này tìm thấy nơi vị trí của người đàn ông và người đàn bà được cứu chuộc trong Chúa Kitô. Câu của Thư Galát 3:28 (“không phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, không phân biệt nô lệ hay tự do, không biệt nam hay nữ, vì anh chị em tất cả đều là một trong Chúa Giêsu Kitô”) cho thấy rõ: các phân biệt theo phái tính không có liên hệ gì tới thế đứng và công phúc ta có trong Chúa Kitô (15). Như Thánh Phaolô từng nói trong câu trước đó, tất cả những người chịu phép rửa nơi Chúa Kitô đều được mặc lấy Chúa Kitô” (3:27). Như thế, cả đàn ông và đàn bà, những người trở thành con cái Chúa nhờ đức tin, đều được dự phần vào lời hứa của Người và tất cả những gì do lời hứa này phát sinh (3:29). Thánh Phêrô cũng lặp lại ý tưởng này khi ngài khuyên các người chồng tín hữu phải tỏ lòng kính trọng vợ như những người đồng thừa hưởng ơn thánh của đời sống trong Chúa Kitô với mình (1Pr 3:7). Vợ chồng Kitô hữu có cùng một thế đứng hoàn toàn bình đẳng trong Chúa Kitô: cả hai được đức tin cứu vớt, cả hai được kết hợp trọn vẹn với Chúa Kitô, và cả hai đều là người thừa hưởng mọi kho tàng của Chúa Kitô. Các đoạn Tân Ước này phản ảnh giáo huấn Thánh Kinh dạy rằng: nam nữ bình đẳng trong nhân tính của họ thế nào (St 1:26-27), thì họ cũng bình đẳng như thế trong việc tham dự vào sự viên mãn của Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc họ (Gl 3:28).

Sự dị biệt hóa nam nữ như là hình ảnh Thiên Chúa

Sau khi quả quyết sự bình đẳng hoàn toàn trong yếu tính của người đàn ông và người đàn bà như đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, một nhận xét hiển nhiên cần phải đưa ra vì có hệ luận khá quan trọng, đó là: dù người nam là người hoàn toàn, nhưng họ là người nam, chứ không phải người nữ; và dù người nữ là người hoàn toàn, nhưng họ là người nữ, chứ không phải người nam. Nghĩa là, dù Thiên Chúa có ý định dựng nên người nam và người nữ như những người bình đẳng trong bản chất yếu tính làm người của họ, Người cũng đồng thời có ý định dựng nên họ như những biểu thức khác nhau của cùng bản chất yếu tính ấy, vì nam và nữ quả phản ảnh việc làm người cách khác nhau. Thành thử, câu hỏi đặt ra cho chúng ta ở đây là: các dị biệt nam nữ này có liên hệ ra sao với vấn đề ý nghĩa của việc đàn ông và đàn bà được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.

Một số người có thể nghĩ rằng vì St 1:26-27 và St 5:1-2 đều nói tới việc nam và nữ được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa như nhau, nên bất cứ sự khác nhau nào giữa nam và nữ mà người ta có thể chỉ ra đều không thể liên hệ tới ý nghĩa thống nhất trong đó họ chiếm hữu hình ảnh Thiên Chúa cách bình đẳng và trọn vẹn. Việc cả hai đều là hình ảnh Thiên Chúa một cách bình đẳng và trọn vẹn không chứng tỏ sự dị biệt của họ mà chỉ chứng tỏ sự chung nhau và bình đẳng của họ mà thôi. Đúng, nam và nữ có khác nhau, nhưng, có người cho rằng, họ không khác nhau theo nghĩa là hình ảnh Thiên Chúa; ta phải dựa vào điều khác để xác định căn bản cho các dị biệt của họ.

Thiển nghĩ việc phân biệt này không phản ảnh trọn vẹn giáo huấn của Thánh Kinh. Ở đây, chúng tôi nghĩ: cách tốt nhất nên hiểu việc tạo dựng nguyên thủy người nam và người nữ như một trình thuật trong đó, người nam được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa trước, một cách không cần trung gian, vì Thiên Chúa tạo nên họ từ bụi đất, trong khi người nữ được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa sau đó, một cách cần trung gian, vì Thiên Chúa không chọn đất mà là chọn xương sườn cụt của Ađam để dựng nên Evà cũng trọn vẹn và là hình ảnh Thiên Chúa bằng nhau. Như thế, dù cả hai đều trọn vẹn là hình ảnh Thiên Chúa, và cả hai đều là hình ảnh Thiên Chúa bằng nhau, nhưng có thể cả hai không được cấu tạo giống hình ảnh Thiên Chúa một cách y như nhau. Thánh Kinh cho ta một số chỉ dẫn cho thấy có một sự ưu tiên về thời gian (temporal priority) trong ý định của Thiên Chúa (16): Người muốn cho người nam làm hình ảnh nguyên thủy của Người, qua đó, người nữ được phát sinh, với tư cách là hình ảnh Thiên Chúa nhưng được cấu tạo từ người nam.

Thánh Kinh rõ ràng cho thấy Thiên Chúa dựng nên người đàn ông trước. Đó không phải là dấu chỉ một thứ ưu tiên nào đó ít nhất về thời gian hay sao? Tuy nhiên, có người cho rằng dựng nên đàn ông trước hay đàn bà trước chỉ là việc Thiên Chúa tung lên một đồng tiền hai mặt, không có ý nghĩa thần học gì cả. Nhưng đó không hẳn là nhận định của Thánh Phaolô trong 1Tm 2:13 và 1Cor 11:8 (17). Ngài cho rằng việc dựng nên người nam trước người nữ có một ý nghĩa thần học quan trọng. Quyền lãnh đạo của nam giới dường như đã bắt nguồn từ thứ tự tạo dựng này.

Vả lại, nếu Thiên Chúa cố ý dựng người nam trước người nữ về thời gian, thì ta cũng có thể cho rằng Người cố ý dựng nên Ađam bằng bụi đất và dựng nên Evà bằng chiếc xuơng sườn cụt của Ađam. Việc này cho thấy, tuy cùng dựng nên họ giống hình ảnh Người, Thiên Chúa đã dựng nên họ một cách không như nhau. Bởi nếu không, đáng lẽ, sau khi dựng nên người nam bằng bụi đất rồi, Người cũng sẽ dùng bụi đất mà dựng nên người nữ chứ. Nhưng Người đã không làm thế, Người đã dùng xương sườn cụt của Ađam mà dựng nên Evà. Ở đây, dường như Thiên Chúa muốn chỉ ra hai sự thật thần học, chứ không phải chỉ là một: vì người nữ được lấy ra từ người nam, nên 1) nàng là người một cách trọn vẹn và bình đẳng vì nàng phát sinh từ xương thịt chàng, 2) bản tính người của nàng được cấu tạo, không phải một cách song hành nghĩa là cùng bởi bụi đất như chàng, mà dẫn khởi từ chính bản tính của chàng do đó cho thấy, do Chúa sắp đặt, nàng phải lệ thuộc vào chàng để khởi sinh.

Lối hiểu trên dường như được chính lời lẽ của Thánh Phaolô xác nhận: 1Cor 11:8 quả quyết rằng: “vì người nam không phát sinh từ người nữ, nhưng người nữ phát sinh từ người nam”. Ta thấy ở đây, Thánh Phaolô không chỉ nói: người nam được dựng nên trước người nữ, mà người nữ phát sinh từ người nam.

Thứ hai, trong St 5:2, Thiên Chúa quyết định đặt cho cả người nam và người nữ một cái tên ở giống đực: adam trong tiếng Hípri là một hạn từ giống đực chỉ được dùng cho nam giới, nhất là trong St 1-4, nhưng ở đây được dùng như một hạn từ chủng loại (generic term) chỉ cả nam lẫn nữ. Tại St 5:2, ta đọc thấy rõ ràng rằng Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người, có nam có nữ, và “khi họ (chúng) được dựng nên, Người gọi họ (chúng) là ‘người’”. Xem ra Thiên Chúa muốn cho căn tính của cả hai chứa một yếu tố ưu tiên dành cho người nam, vì Người chọn làm tên chung cho họ một cái tên rõ ràng thuộc giống đực, tức một cái tên cũng có thể chỉ dùng cho người nam, như một người khác với người nữ, nhưng không bao giờ dùng cho một mình người nữ, hiểu như khác với người nam. Vì Thiên Chúa đã quyết định dựng nên con người có nam có nữ như thế, nên do kế sách của Người, căn tính người nữ, trong tư cách nữ, đã nối kết một cách hết sức chặt chẽ và bắt nguồn từ căn tính có trước của người nam (18).

Như thế, việc Thiên Chúa gọi cả nam lẫn nữ là “đàn ông” (tiếng Anh: man) cùng một lúc cho thấy cả sự khác biệt của nữ đối với nam, lẫn sự thống nhất trong bản tính nữ vì nó được đồng hóa với bản tính có trước của người đàn ông đầu tiên được tạo dựng, mà từ đó, nay nàng phát xuất. Vì sự việc như thế, nên ta nên chống lại phong trào phiên dịch Thánh Kinh ngày nay, một phong trào có khuynh hướng dịch các điển hình sử dụng chữ’adam bằng hạn từ hoàn toàn không chỉ phái tính nào chuyên biệt là “hữu thể nhân bản” (human being) (19). Lối dịch này đã không xét gì đến hệ luận do chính Thiên Chúa dự tính, được chuyên chở bởi hạn từ chủng loại chỉ phái nam là “người đàn ông”; hệ luận này là: đàn bà chỉ sở hữu được bản chất chung nhân bản nhờ bản chất có trước của đàn ông. Nói cách khác, nàng là đàn bà giống hình ảnh Thiên Chúa nhờ chia sẻ nơi đàn ông, người trước đó vốn là hình ảnh Thiên Chúa. Như thế, sự ưu tiên của người nam đã được ấn định song song với sự bình đẳng hoàn toàn của nam và nữ, khi Thiên Chúa gọi cả nam lẫn nữ là “đàn ông”.

Thứ ba, hãy xem câu hơi khó hiểu của Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô 11:7: “Người đàn ông không phải che đầu, vì họ là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa; còn người đàn bà là vinh quang của người đàn ông”. Ta hãy lưu ý hai nhân tố thuộc bối cảnh có liên hệ tới việc giải thích câu này. Thứ nhất, tiếp theo câu 11:7 là hai câu giải thích, mỗi câu bắt đầu với chữ gar ("vì") trong các câu 8 và 9 (dù các bản dịch đều không dịch chữ gar ở đầu câu 9). Hai câu này cho ta biết lý do tại sao Thánh Phaolô nói điều ngài nói ở câu 11:7. Trong hai câu 11:8-9, Thánh Phaolô viết rằng: “Vì, không phải người nam tự người nữ mà có, nhưng người nữ tự người nam. Cũng chẳng phải (vì) người nam được dựng nên vì người nữ, nhưng người nữ vì người nam”. Từ hai câu 8-9, điều ta biết rõ là Thánh Phaolô muốn biện luận tư cách cầm đầu của người đàn ông đối với người đàn bà (xem 1Cor 11:3). Người đàn ông không phải che đầu trong khi người đàn bà thì nên che đầu vì người đàn bà tự người nam mà có, chứ không ngược lại (11:8) và vì người đàn bà được dựng nên vì người đàn ông, chứ không ngược lại (11:9).

Về nhân tố thứ hai, nên lưu ý rằng cả hai câu giải thích đều liên hệ tới nguồn gốc của người đàn ông và của người đàn bà. 1Cor 11:8 chuyên biệt nói rằng người đàn ông được tạo dựng trước nhất, sau đó tới người đàn bà, vì người đàn bà được tạo nên từ người đàn ông (xem St 2:21-23), còn 11:9 thì cho thấy: mục đích của việc dựng nên người đàn bà là cung cấp sự phục vụ và trợ giúp thích đáng cho người đàn ông (xem St 2:18 và 20). Nên, rõ ràng là Thánh Phaolô đặc biệt nghĩ tới nguồn gốc của người đàn bà so với nguồn gốc của người đàn ông, và ở đây ngài suy nghĩ về sự quan trọng của việc người đàn ông được dựng nên trước, rồi qua con người của họ, và vì họ, sự sống của người đàn bà mới xuất hiện.

Căn cứ vào các câu 11:8-9, xem ra câu Thánh Phaolô nói ở 11:7 hẳn có ý nói tới sự khác nhau tương đối trong việc truy tầm nguồn gốc người đàn ông và người đàn bà. Ta tin rằng trọng điểm của ngài là: vì người đàn ông được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa trước nhất, nên chỉ một mình họ được Thiên Chúa dựng nên một cách trực tiếp và tức khắc giống hình ảnh Người, do đó, biểu lộ vinh quang Thiên Chúa.

Nhưng còn người đàn bà, vì được lấy ra từ và khỏi người đàn ông và được dựng nên làm người trợ giúp thích đáng của người đàn ông, nên vinh quang của nàng là phản ảnh vinh quang của người đàn ông (20). Giống người đàn ông, được Thiên Chúa trực tiếp dựng nên theo hình ảnh và vinh quang của Người, người đàn bà, vì được dựng nên từ người đàn ông, nên vinh quang của nàng là qua người đàn ông. Thành thử, ở đây, điều Thánh Phaolô không nói một cách minh nhiên, nhưng nói một cách mặc nhiên là: vì được dựng nên như vinh quang của người đàn ông, nên người đàn bà, nhờ được tạo dựng nhờ người đàn ông, cũng được dựng nên như hình ảnh và vinh quang Thiên Chúa. Ít nhất, điều rõ ràng là vì Thiên Chúa quyết định dựng nên nàng, người đàn bà không được tạo nên để làm người tách biệt khỏi người đàn ông nhưng chỉ nhờ người đàn ông mà thôi. Như thế có phải là hợp lý không khi nhân tính của nàng, kể cả việc nàng là hình ảnh của Thiên Chúa, diễn ra khi Thiên Chúa tạo nên nàng từ người đàn ông như là “vinh quang” của họ?

Nhìn vấn đề kiểu trên hoà hợp được điều mà nhìn cách khác có thể mâu thuẫn, nghĩa là St 1:26-27 and 5:1-2 dạy rằng người đàn bà dược dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa nhưng 1Cor 11:7 lại bảo nàng chỉ là “vinh qang của người đàn ông”. Ta tin rằng trọng điểm của Thánh Phaolô là: vinh quang của nàng xuất hiện nhờ người đàn ông, và như thế (hàm ẩn trong 1 Cor 11:7), nàng cũng sở hữu được bản chất người của nàng cách trọn vẹn, tuy một cách phát sinh (derivative). Nhưng, lẽ dĩ nhiên, vì bản chất người của nàng phát sinh “từ người đàn ông”, nên việc nàng là hình ảnh của Thiên Chúa cũng chỉ có khi Thiên Chúa tạo nên nàng từ Ađam, mà nàng vốn là vinh quang. Cho nên, không có mâu thuẫn giữa St 1:27 và 1Cor 11:7. Người đàn bà với người đàn ông được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1:27), nhưng người đàn bà nhờ người đàn ông mà có bản chất người chân thực và do đó, vinh quang của nàng (1Cor 11:7b), vinh quang của người đàn ông, hữu thể vốn là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa (1Cor 11:7a).

Thứ bốn, ta hãy xét một đoạn văn khác giúp ta hiểu vấn đề này. Sáng Thế 5:3 đưa ra một nhận xét đáng chú ý rằng lúc 130 tuổi, Ađam “có một con trai giống hoạ ảnh ông, giống hình ảnh ông; và ông đặt tên cho nó là Sét”. Ngôn từ ở đây giống hệt ngôn từ ở St 1:26. Dù thứ tự “họa ảnh” và “hình ảnh” có đảo ngược, nhưng rõ ràng điều nói trước đó về con người được dựng nên giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa (St 1:26) lại được nói đến tại đây khi Sét sinh ra giống họa ảnh và hình ảnh của Ađam (St 5:3). Ta hãy lưu ý hai điều: Thứ nhất, vì tác giả Sáng Thế vừa nói tới cả nam lẫn nữ (5:2: “Người dựng nên họ có nam có nữ và chúc lành cho họ. Và khi họ được dựng nên, Thiên Chúa gọi họ là người ‘nam’”, thì đáng lẽ tự nhiên phải nói về Sét như đã được sinh ra giống họa ảnh và hình ảnh của Ađam và Evà. Nhưng thay vào đó, tác giả chuyên biệt nói rằng Sét giống họa ảnh và hình ảnh của Ađam (mà thôi). Thứ hai, bản chất song hành của hình ảnh này với St 1:26 phần chắc có hệ quả muốn nói rằng Sét sinh ra giống hình ảnh Ađam, là người giống hình ảnh Thiên Chúa, đến nỗi, Sét, vì giống hình ảnh Ađam, cũng giống hình ảnh Thiên Chúa. Ít nhất, ta cũng biết điều này: sau Ađam và Evà, con người tiếp tục sinh ra giống hình Thiên Chúa. Khi St 9:6 cấm giết người, thì căn bản của lệnh cấm này là người bị giết được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Như thế, rõ ràng những người sinh ra đều trở thành hình ảnh của Thiên Chúa vì họ sinh ra qua những người là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng St 5:3 dẫn ta tới chỗ nói một cách chính xác hơn. Rõ ràng: Sét sinh ra giống hình ảnh Thiên Chúa vì anh ta sinh ra nhờ tư cách làm cha của Ađam (chỉ Ađam được nhắc đến, chứ Evà không được nhắc đến ở đây). Như thế, vì Sét sinh ra giống họa ảnh và hình ảnh Ađam, nên anh ta sinh ra giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa.

Hiểu như trên, ta thấy một song hành về ý niệm giữa St 5:3 và 1Cor 11:7. Như Thánh Kinh đặc biệt cho thấy, điều đúng trong cả hai bản văn, về việc tạo nên Sét và người đàn bà, là: họ nhận được bản chất người của họ qua người đàn ông. Một song hành rõ ràng và có ý nghĩa khác là: cả Sét lẫn Evà đều là hình ảnh của Thiên Chúa một cách trọn vẹn và bằng nhau khi so sánh với Ađam, người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Như thế, cuộc tranh luện hiện nay tái khẳng định và củng cố quả quyết trước đây của chúng ta rằng mọi hữu thể nhân bản, cả đàn ông lẫn đàn bà, cả con cái lẫn cha mẹ, đề là hình ảnh của Thiên Chúa một cách trọn vẹn và bằng nhau. Nhưng nói như thế rồi, Thánh Kinh cho biết thêm điểm nữa: Kế sách của Thiên Chúa về việc người đàn bà và đứa con trở nên hình ảnh Thiên Chúa như thế nào xem ra liên quan một cách không thể giải thích và cố ý vai trò của việc hiện hữu trước của người đàn ông như là hình ảnh của Thiên Chúa.

Như thế, hình như Sét trở nên hình ảnh của Thiên Chúa nhờ phát nguồn từ cha mình, nghĩa là được sinh ra giống họa ảnh và hình ảnh của Ađam (St 5:3) thế nào, thì người đàn bà cũng trở nên hình ảnh của Thiên Chúa, một điều chắc chắn nàng là (St 1:26), nhờ (và do kế sách cố ý của Thiên Chúa, chỉ nhờ) nguồn phát sinh của nàng từ người đàn ông và là vinh quang của người đàn ông mà thôi như vậy (St 2:21-23 và 1Cor 11:7-9). Như thế, điều được gợi ý ở đây là: ý niệm người đàn ông đứng đầu có liên hệ không những tới vấn đề người đàn ông và người đàn bà có liên hệ với nhau và làm việc với nhau ra sao, mà hình như sự thật còn là việc người đàn ông đứng đầu là một phần trong chính việc cấu tạo ra người đàn bà như được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Người đàn ông là hữu thể nhân bản được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa trước; người đàn bà chỉ trở nên hữu thể nhân bản mang hình ảnh Thiên Chúa là nhờ người đàn ông. Dù cả hai đều là hình ảnh của Thiên Chúa cách trọn vẹn và bằng nhau, vẫn có một ưu tiên nội tại dành cho người nam, phản ảnh kế hoạch của Thiên Chúa muốn người nam đứng đầu trong trật tự tạo vật.

Tính bổ túc cho nhau giữa nam và nữ như là hình ảnh của Thiên Chúa

Từ trước đến nay, ta đã nhận ra ba ý tưởng chính. Ý tưởng thứ nhất, ta thấy hình ảnh Thiên Chúa nơi người đàn ông liên hệ tới việc Thiên Chúa tạo ra các biểu tượng thần thiêng (là hình ảnh Thiên Chúa), những biểu tượng này, trong mối liên hệ với Thiên Chúa và với nhau, hành xử để đại diện cho Thiên Chúa (làm hình ảnh của Người) bằng cách thực thi các trách nhiệm được Thiên Chúa chỉ định.

Ý tưởng thứ hai: ta thấy rằng Thánh Kinh dạy rõ ràng sự bình đẳng trọn vẹn về nhân bản và yếu tính của người đàn ông và của người đàn bà vì đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Và ý tưởng thứ ba: ta thấy: dù nam và nữ đều là hình ảnh của Thiên Chúa như nhau, vẫn có sự ưu tiên dành cho ngưòi nam như là người qua họ người nữ được cấu tạo như hình ảnh Thiên Chúa, vì nàng được tạo dựng như là vinh quang của người đàn ông, mà người đàn ông thì vốn là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa. Bây giờ là lúc để ta tự hỏi ba yếu tố này trong tính bổ túc nam nữ cho nhau như là hình ảnh của Thiên Chúa có thể được sử dụng ra sao để sống như các hình ảnh mà Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta. Ta hãy xem xét năm khía cạnh của viễn kiến bổ túc cho nhau này (*):

Khía cạnh thứ nhất, vì sự ưu tiên trong ý niệm hình ảnh Thiên Chúa phải dành cho việc ta hành xử như là các đại diện của Thiên Chúa để thực thi các trách nhiệm do Người chỉ định, nên ta phải thấy điều này: người đàn ông và người đàn bà phải học cách làm việc với nhau một cách thống nhất hóa để đạt được điều Thiên Chúa đã dành cho họ làm. Sẽ không thể có chuyện cạnh tranh ở đây, tranh chấp triệt để ở đây về mục đích nếu ta muốn hành xử như là hình ảnh của Thiên Chúa. Tạo tư thế thù nghịch không hề có chỗ đứng giữa người đàn ông và người đàn bà khi cả hai đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Lý do đơn giản là: cả đàn ông lẫn đàn bà, vì là hình ảnh của Thiên Chúa, đều được mời gọi thi hành một loạt trách nhiệm đã được thống nhất hóa do Thiên Chúa chỉ định. Vì cả hai cùng chia sẻ các trách nhiệm chung, cả hai phải tìm cách thống nhất hóa trong công trình hoàn tất của mình.

Chắc chắn điều trên đã được hàm ẩn trong trình thuật của Sáng Thế 2. Khi thấy không có một trợ thủ thích đáng cho người đàn ông, Thiên Chúa đã để ông ngủ say, rồi lấy một chiếc xương từ cạnh sườn của ông, và tạo ra người đàn bà làm người giúp ông gánh vác gánh nặng. Người đàn ông đáp ứng bằng cách nói rằng nàng là xương của xương ông và thịt của thịt ông, và lời nhận định được linh hứng nói về sự kết hợp của họ rằng nay họ là “một xác thịt” (St 2:22-24). Hệ luận ở đây khá rõ ràng: giờ đây, vì nàng kết hợp với chàng thành một thân xác, nên họ tìm cách cùng nhau thi hành điều chính Thiên Chúa trước đó mời gọi người đàn ông thực hiện. Người trợ thủ thích đáng cho Ađam giờ đây đang ở đây, nên công việc chung để hoàn thành các mục đích của Thiên Chúa có thể được cùng nhau đẩy mạnh.

Khía cạnh thứ hai, vì việc hành xử của chúng ta trong tư cách hình ảnh của Thiên Chúa (tức đại diện cho Thiên Chúa) là phản ảnh và nối dài bản chất của chúng ta (như các đại biểu của Thiên Chúa), nên ở đâu bản chất ta bị lên khuôn sai thì ở đấy việc hành xử của chúng ta cũng bị hướng dẫn sai. Việc hành xử đích thực trong tư cách hình ảnh của Thiên Chúa phải dành ưu tiên cho việc tái lên khuôn đời ta. Chỉ khi nào, nhờ ơn Chúa, ta tìm cách nên giống như Chúa Kitô trong cuộc sống bên trong của ta, ta mới càng ngày càng sống ở bề ngoài theo cung cách phản ảnh được Người hơn mà thôi. Tác giả Dallas Willard chắc chắn đúng. Trong cuốn The Spirit of the Disciplines của mình, ông biện luận chủ đề cho rằng ta chỉ có thể sống như Chúa Giêsu khi ta tự kỷ luật mình để suy nghĩ, cảm nhận và đánh giá như Chúa Giêsu (21). Ta chỉ có thể sống như Người bao lâu ta tự làm lại để giống như Người. Việc hành xử của nam/nữ như là hình ảnh của Thiên Chúa, một sự hành xử cần phải cho thấy sự thống nhất trong viễn kiến và cùng chung cố gắng, sau đó, phải dựa vào những người đàn ông và đàn bà biết tha thiết chờ mong Thiên Chúa sẽ tái tạo ta một cách gia tăng tiệm tiến thành hình ảnh của Chúa Kitô để ta có thể phản ảnh hình ảnh này trong khi thực thi công việc chung do Thiên Chúa chỉ định.

Khía cạnh thứ ba, sự bình đẳng trọn vẹn trong yếu tính và đặc tính nhân bản của người nam và người nữ trong hình ảnh Thiên Chúa có nghĩa không bao giờ đúng cả khi đàn ông hạ giá đàn bà, hay đàn bà hạ giá đàn ông. Các ý niệm thấp kém hơn hay trổi vượt hơn không hề có chỗ đứng trong bản chất do Thiên Chúa sắp đặt của nam và của nữ như là hình ảnh của Thiên Chúa. Như đã nhắc trên đây, đoạn thư 1Phêrô 3:7 đã nhấn mạnh điểm này liên quan tới thái độ của người chồng tín hữu đối với người vợ tín hữu của mình. Chàng phải dành cho vợ vinh dự làm người đồng thừa kế ơn phúc sự sống. Và, như câu Thánh Kinh vừa rồi kết luận, Thiên Chúa cảm nhận mạnh mẽ đối với việc người chồng vinh danh vợ mình như hoàn toàn bình đẳng và là người đồng thừa hưởng các kho tang của Chúa Kitô đến nỗi Người cảnh cáo rằng bất cứ người chồng nào vi phạm nguyên tắc này, Thiên Chúa sẽ không chấp nhận lời cầu nguyện của họ. Không chỗ nào trong Thánh Kinh mà sự dị biệt hóa nam nữ là căn bản cho sự trổi vượt về giá trị hay tầm quan trọng của đàn ông hay sự bóc lột đàn bà. Tất cả các thái độ và hành động này đều là các vi phạm tội lỗi đối với chính bản chất nhân tính chung của chúng ta như những người nam người nữ được dựng nên giống hình Thiên Chúa một cách trọn vẹn và bằng nhau.

Khía cạnh thứ tư, dù được thống nhất hóa trong sự bình đẳng về yếu tính con người và trách nhiệm chung của chúng ta trong việc thi hành thánh ý Thiên Chúa, sự ưu tiên có tính thời gian của hình ảnh Thiên Chúa nơi người đàn ông, qua họ, người đàn bà đã được cấu tạo làm người mang hình ảnh Thiên Chúa, quả hỗ trợ cho nguyên tắc người đàn ông đứng đầu trong việc hành xử như là hình ảnh Thiên Chúa… Đây chính là điều Thánh Phaolô nhấn mạnh ở 1Cor 11. Lý do khiến ngài quan tâm tới việc che đầu là: ngài biết Thiên Chúa đặt kế sách để người đàn ông và người đàn bà hành xử sao đó để mỗi người đều tôn trọng các vai trò do Thiên Cúa chỉ định cho người kia. Người đàn bà phải tôn trọng và người đàn ông phải đảm nhiệm trách nhiệm đặc biệt mà Thiên Chúa đã trao cho người đàn ông trong quyền lãnh đạo thiêng liêng trong gia đình và cộng đồng tín hữu. Nơi nào quyền đứng đầu của người nam không được nhìn nhận, thì việc hành xử của ta trong tư cách hình ảnh của Thiên Chúa bị cản trở và giảm thiểu. Điều này đặt giáo huấn của Thánh Phaolô trong thư Êphêsô 5 dưới một ánh sáng mới. Điều ta hiểu là: khi người vợ phục tùng chồng như Giáo Hội phục tùng Chúa Kitô (5:22-24), và khi người cHồng Yêu vợ như Chúa Kitô yêu Giáo Hội (5:25-27), họ biểu lộ các vai trò do Chúa Chỉ định cho họ như những người mang hình ảnh Thiên Chúa. Không phải chỉ trong sự bình đẳng của họ, họ mới là hình ảnh của Thiên Chúa. Họ cũng mang và biểu lộ hình ảnh của Thiên Chúa khi họ hành xử một cách biết nhìn nhận quyền đứng đầu của người nam trong việc ban phát hình ảnh Thiên Chúa (1Cor 7-9).

……………………………………..

Kết luận

Sự kiện chúng ta là nam và nữ theo hình ảnh Thiên Chúa nói khá nhiều điều về mục đích của Thiên Chúa đối với chúng ta, các tạo vật nhân bản của Người. Chúng ta được tạo nên để phản ảnh chính bản chất của Người ngõ hầu ta có thể đại diện cho Người trong các hành xử của ta với người khác và với thế giới Người đã tạo nên. Mục tiêu của chúng ta là chu toàn thánh ý Người và vâng theo lời Người. Ấy thế nhưng, để thực hiện được điều này, Người đã thiết lập ra một khuôn khổ liên hệ. Nam và nữ, dù bằng nhau một cách trọn vẹn như là hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng khác biệt nhau trong cung cách sở hữu hình ảnh của Thiên Chúa. Việc người nữ trở nên hình ảnh Thiên Chúa qua người nam cho thấy một chiều hướng do Thiên Chúa sắp đặt nàng phải dựa vào chàng, như đã được biểu lộ cách đặc biệt trong gia hộ và trong cộng đồng đức tin. Ấy thế nhưng, mọi người chúng ta, qua các mối liên nhệ của mình, phải tìm cách làm việc với nhau để hoàn thành các mục đích mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta thực hiện. Trong học lý này, ta thấy chân lý kép sau đây: chúng ta được mời gọi hiện hữu cả trong tư cách cá nhân lẫn trong mối liên hệ với những điều Thiên Chúa dự tính chúng ta trở thành, để ta có thể làm điều đem vinh dự lại cho Người và hoàn thành thánh ý Người. Các đại diện của Thiên Chúa, trong tương quan với Thiên Chúa và với người khác, đại diện cho Thiên Chúa và thi hành các trách nhiệm do Thiên Chúa chỉ định; điều này, xét cho cùng, chính là viễn kiến cần được người nam và người nữ theo hình ảnh của Thiên Chúa tìm kiếm nếu họ muốn thực hiện trọn vẹn mục đích được tạo dựng của họ. Ước chi chúng ta thấy kế sách tốt lành và khôn ngoan của Thiên Chúa về tư cách đàn ông và đàn bà của ta được hiểu và đem ra sống thực một cách trọn vẹn hơn ngõ hầu các mục đích của Thiên Chúa nơi và qua ta, các hình ảnh tạo dựng của Người, được hoàn thành, vì ích lợi của ta, nhờ ơn thánh Người và vì vinh quang của Người.

__________________________________________________________________________________

(*) Chúng tôi lược bỏ khía cạnh thứ năm, nói về viễn kiến bổ túc cho nhau áp dụng vào người độc thân

Ghi Chú

..............................

[15] Xem Rick Hove, Equality in Christ: Galatians 3:28 and the Gender Dispute (Wheaton, IL: Crossway Books, 1999).

[16] Trong tiết này, khi nói đến “sự ưu tiên” của người nam trong việc Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ bằng nhau trong tư cách hình ảnh của Người, độc giả nên hiểu rằng ở đây không có ý chuyển đạt bất cứ cảm thức nào về giá trị, phẩm giá, đáng giá, tư cách nhân vị cao hơn hoặc chia sẻ lớn hơn hình ảnh của Thiên Chúa nơi người đàn ông so với người đàn bà; thực vậy, tiết trước đã nói rất rõ rằng chúng ta tin Thánh Kinh dạy rất rõ ràng về sự bình đẳng hoàn toàn giữa người nam và người nữ trong tư cách hình ảnh của Thiên Chúa. Như sẽ nói rõ sau đó, giống như con cái trở nên hình ảnh của Thiên Chúa một cách trọn vẹn và bằng nhau nhờ biểu thức sinh sản của cha mẹ các em do Thiên Chúa sắp đặt thế nào, thì người đàn bà tuy là người thứ hai trở nên hình ảnh của Thiên Chúa cũng đã trở nên hình ảnh này một cách trọn vẹn và bằng nhau như hình ảnh Thiên Chúa nơi người đàn ông, dù nàng được Thiên Chúa tạo dựng như hình ảnh của Người từ xương sườn của Ađam chứ không từ đất như Ađam.

[17] Như sẽ thấy sau đây, dù cả hai bản văn này đều nói tới sự ưu tiên về thời gian của việc dựng nên người nam, nhưng chúng không y như nhau trong cách quả quyết tính thực tại lịch sử này, và một sự khác biệt đáng lưu ý có thể được nhận ra trong các dùng chữ trong các câu này.

[18] Ở đây không có ý nói rằng, trên nguyên tắc, Thiên Chúa không thể dựng nên người đàn bà cách khác, độc lập đối với người nam, thậm chí được dựng nên trước và hiện hữu mà chưa có đàn ông. Nhưng trọng điểm là: đây không phải là cách Thiên Chúa thực sự đã dựng nên người nữ. Đúng hơn, Người đã cấu tạo nên nàng như một người từ Ađam mà có (St 2:23; 1Cor 11:8), và điều này được biểu tượng bằng việc sử dụng hạn từ chủng loại có tính giống đực là từ “ha-adam” trong St 5:2.

[19] Xem Vern S. Poythress and Wayne A. Grudem, The Gender-Neutral Bible Controversy: Muting the Masculinity of God's Words (Nashville, TN: Broadman & Holman, 2000).

[20] Xem Hans Conzelmann, 1 Corinthians: a Commentary on the First Epistle to the Corinthians, bản tiếng Anh của J. W. Leitch, Hermeneia Series (Philadelphia: Fortress Press, 1975).

[21] Dallas Willard, The Spirit of the Disciplines (San Francisco: Harper & Row, 1988).

Kỳ sau: Quan điểm Do Thái Giáo về tính bổ túc nam nữ