Giu-đa : một kẻ phản bội hay một người đáng thương?



Mỗi lần nhắc tới danh tính 12 Tông đồ, nhất là trong Tuần Thánh này, khi nghe lại bài tường trình cuộc khổ nạn của Ðức Giêsu, hình ảnh Tông đồ Giu-đa Ít-ca-ri-ốt lại xuất hiện sống động trước mắt mọi người như một kẻ phản bội đáng khinh bỉ : một kẻ đã bán Thầy phản anh em ! Hình ảnh đó đã ăn rễ sâu trong quan niệm dân gian, đến nỗi người đời đã đồng hóa tên tuổi ông với những gì thiếu trung thành và chung thủy xảy ra trong cuộc sống.

Trong cả bốn bản Phúc Âm đều đề cập đến Giu-đa bằng kiểu nói « kẻ đã nộp Người ». Chỉ có Phúc Âm Lu-ca gọi Tông đồ Giu-đa là « kẻ phản bội » (x. 6,16). Nhưng cay cú nhất là thánh sử Gio-an, có lẽ vì ông có một tương quan gần gủi và thân thiết đặc biệt với Ðức Giêsu, nên ông đã gọi Giu-đa là « tên ăn cắp » (x. Ga 12,6), hay còn tệ hơn nữa, là « quỉ » (x. Ga 6,70). Và thái độ đó còn để lại những dấu ấn trong các bức tranh cổ : Rembrandt (1606-1669), nhà danh họa người Hòa Lan, đã trình bày cảnh Giu-đa đang hối hận ném 30 đồng bạc phản bội xuống đất. Còn Dante Alighieri (1265-1321), thi sĩ nổi danh người Ý, trong tác phẩm ‘La Divina Commedia’ - Vở Hài Kịch Thần Thiêng, lại trình bày Giu-đa đang nằm trong mõm quỉ sứ Sa-tan ở tận sâu dưới đáy hỏa ngục. Chính thái độ khinh khi đó là mầm mống gây ra thái độ bài Do-thái nơi một số Kitô hữu trong Giáo Hội từ hàng bao thế kỷ qua, vì người ta đã coi sự phản bội của Giu-đa tượng trưng cho sự phản bội của người Do-thái.

Giu-đa, hình ảnh phản bội của người Do-thái :

Vâng, người ta đã trút những tính chất bất trung và phản bội của Giu-đa lên tất cả mọi người Do-thái : Ðó là hình ảnh người Do-thái gian tham, đầu cơ tích trử, làm tiền cách bất chính, v.v…và hậu quả tai hại của thái độ đó là những cái chết đau thương của hàng triệu người Do-thái vô tội. Một trong những lý do bài trừ Do-thái của Ðức Quốc Xã cũng bắt nguồn từ mầm mống sai lạc này. Chính Ðức Giáo Hoàng Gelasius (492-496) cũng đã có những quan điểm tương tự, bởi vì « Giu-đa, kẻ làm tay sai cho ma quỷ, đã để lại cái tên đáng khinh bỉ của y cho toàn dân Do-thái như gia sản ».

Vì thế, người ta không lấy làm ngạc nhiên, là mãi cho tới ngày nay tên gọi Giu-đa vẫn còn bị nhạo cười. Theo ông Gehard Müller, một người chuyên môn cho việc chọn tên gọi thuộc « Tổ chức dành cho vùng nói tiếng Ðức » đã cho hay rằng, ngay từ thế kỷ XIV, nhiều bậc cha mẹ đã đặt tên cho con mình là Giu-đa, nhưng luôn luôn phải đi kèm với tên kép « Tha-đê-ô », tức tên Tông đồ Giu-đa Tha-đê-ô. Vào năm 1989, vì lý do là để tránh những bất hạnh sau này cho trẻ con, toà án tỉnh Krefeld ở bắc Ðức không chấp thuận việc cha mẹ đặt tên cho con là Giu-đa.

Trong thực tế, không ai có thể biết rõ và trình bày được cách chính xác về con người lịch sử của Tông đồ Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, mặc dù bốn bản Phúc Âm đã nhắc đến tên ông tất cả là 22 lần. Một điều khá chắc chắn là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt không xuất thân từ Ga-li-lê-a, nhưng theo tên gọi của ông, người ta có thể đoán được sinh quán của ông là miền Giu-đê-a. Ðàng khác, cả bốn bản Phúc Âm cũng nhất trí là Ðức Giêsu đã tuyển chọn ông vào nhóm Tông đồ mãi cho tới ba ngày trước cuộc khổ nạn của Người, và sau cùng là do ông tự ý bỏ Thầy và anh em mình !

Hình ảnh Giu-đa trong các Phúc Âm rất đa dạng :

Trong Tạp San ‘Bibel heute’ (Kinh Thánh Ngày Nay) giáo sư chuyên về Kinh Thánh Tân Ước Hans-josef Klauck cho rằng : « Bản Phúc Âm nào càng được viết trể, thì hình ảnh Giu-đa càng tiêu cực hơn ». Còn trong bản Phúc Âm Mác-cô, vốn được coi là bản Phúc Âm xuất hiện sớm nhất, hình ảnh Giu-đa hãy còn mang tính cách bình thường. Ðúng vậy, thánh sử Mác-cô đã nhắc đến tên Giu-đa ba lần (x. Mc 3,19; 14,10; 14,43) và chỉ nói ông là « một trong Nhóm Mười Hai », và coi ông như dụng cụ của Thiên Chúa, chứ không nói thẳng thừng như trong Phúc Âm Lu-ca là « kẻ phản bội » (x. Lc 6,16), và cũng không coi ông là người « tham lam tiền bạc » như trong Phúc Âm Gio-an. Ðàng khác, Mác-cô cũng không đả động gì đến hồi kết thúc của Giu-đa; ở đây, theo tâm lý, người ta có thể đoán được lý do thái độ nhẹ nhàng và « khách quan » của Mác-cô : vì ông là vị thánh sử duy nhất không thuộc Nhóm Mười Hai, nghĩa là một người không thường xuyên trực tiếp sống với Ðức Giêsu. Trong khi đó, thánh sử Mát-thêu đã viết là Giu-đa quá hối hận về hành động hại Thầy của ông và đã thắt cổ tự tử (x. Mt 27,3-5). Trong Tông Ðồ Công Vụ, thánh Lu-ca còn viết : « Giu-đa đã ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra » như dấu chỉ sự trừng phạt của Thiên Chúa dành cho y (x. Cv 1,18-21). Nhưng có lẽ lời lẽ gay gắt nhất mỗi lần nhắc đến tên Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người ta sẽ đọc được nơi bản Phúc Âm Gio-an. Thánh sử Gio-an còn gọi Giu-đa là « đứa con hư hỏng » (Ga 17,12), « bị quỷ Sa-tan nhập » (Ga 13,27).

Mặc dù Giu-đa Ít-ca-ri-ốt bị khe khắt lên án như thế, các nhà thần học, các nhà văn và các nhà điêu-họa ngày này lại dành cho vị Tông đồ cuối cùng này một cái nhìn khoan dung và độ lượng hơn. Trong cuốn sách của ông tựa đề « Der Fall Judas » (Vấn đề Giu-đa), xuất bản năm 1975, Walter Jens còn đòi hồi phục lại danh dự cho một Giu-đa bất hạnh, vì theo ông : Giu-đa không phải là kẻ phản bội, nhưng là người giữ một vai trò trong chương trình hành động của Thiên Chúa với nhân loại.

Giu-đa luôn là một hình ảnh đáng yêu trong các Tiểu Thuyết :

Thật vậy, trong cuốn tiểu thuyết « Das Evanglium nach Pilatus » (Bản Phúc Âm theo Phi-la-tô) được xuất bản năm 2005, Eric-Emmanuel Schmitt còn gọi Giu-đa là vị Tông đồ dễ thương. Theo tác giả, chính Ðức Giêsu đã yêu cầu Giu-đa đóng vai trò kẻ phản bội, và qua đó đã biến ông trở thành dụng cụ công cuộc cứu đô của Người.

Lý luận một cách có màu sắc chính trị hơn, ông Jeffrey Howard Archer, một nhà văn và một nhà chính trị người Anh, đã viết trong tác phẩm mới nhất của ông với tựa đề « Bản Phúc Âm theo Giu-đa, của Benjamin Ít-ca-ri-ốt » rằng Giu-đa nộp Ðức Giêsu cho các Thượng tế và Kỳ mục không vì lý do tham tiền, nhưng vì do « quá thất vọng trong các mong đợi của ông nơi sứ mệnh Thiên sai » của Ðức Giêsu.

Nói tóm lại, giữa các nhận định, quan điểm, phê bình và phân tích khác nhau, không ai có thể đưa ra được một phê phán sau cùng có tính cách quyết đoán về nhân thân của vị Tông đồ cuối cùng trong Nhóm Mười Hai này. Chỉ một điều chắc chắn mà người ta có thể xác định được là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một người từng được Ðức Giêsu tín nhiệm đặt làm « quản lý » của Nhóm, đã đóng một vai trò lịch sử trong cuộc khổ nạn của Người, và như thế cũng giữ một vị trí trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Nhất là Thiên Chúa, người Cha luôn bao dung, đầy lòng nhân từ và thương xót, chắc chắn sẽ dành cho Giu-đa một chỗ đứng trong tình yêu vô biên của Người !