SỰ ÂM THẦM CỦA MỘT “CÁNH RỪNG ĐANG MỌC”

BÀI CHIA SẺ LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ GIỖ 100 NGÀY HAI CHA GIÁO ALBERTÔ TRẦN PHÚC NHÂN VÀ ANTÔN TRẦN MINH HIỂN (25/9/2014)

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,

Cách đây 100 ngày, ngày 14/6/2014, và sau đó 4 ngày, ngày 18/6/2014, Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt hàng giáo sĩ Việt Nam, thật đau buồn và luyến tiếc về sự ra đi của hai linh mục, hai cha giáo: Albertô Trần Phúc Nhân và Antôn Trần Minh Hiển.

Dẫu biết sống chết là “quy luật của muôn đời”, dẫu tin cuộc đời chỉ là “phù vân nối tiếp phù vân” như lời của sách Giảng Viên hằng nhắc nhớ, hay dẫu ý thức về thân phận mỏng manh của phận người như định nghĩa thoáng buồn của lời Thánh Vịnh 103: Một cơn gió thoảng là xong,

Chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103,15-16), thì sự ra đi của hai cha giáo vẫn để lại trong tâm tưởng của bao người niềm xót xa và mến tiếc.

Tuy nhiên, trong viễn tượng của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, cái chết của người Kitô hữu lại được Lời Chúa rọi sáng để bừng lên một niềm tin yêu hy vọng, như trong trích đoạn Sách Khôn ngoan mà chúng ta vừa nghe:

“Linh hồn người công chính ở trong tay Chúa…Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy…Những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn”.

Và dĩ nhiên, niềm hy vọng, niềm vui đó đã bén rễ ngay trong chính cuộc sống gian trần của người Ki-tô hữu, một cuộc sống gặp gỡ Đức Ki-tô và chọn lựa con đường của Ngài, như cách diễn tả của ĐTC Phanxicô trong Tông huấn “Evangelii Gaudium”:

“NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh.” [1]

Đặc biệt, cái chết của người mang thánh chức linh mục, những linh mục thánh thiện, phục vụ hết mình, hoàn thành trách nhiệm…, thì đó lại là một ân điển, một chiến thắng, một niềm vui sâu lắng, một cái đẹp hoàn hảo… như nhận xét của Vị Thánh linh mục Gioan Maria Vianney trong một giai thoại về cuộc đời của ngài:

Một ngày kia, sau nhiều giờ miệt mài với hối nhân nơi tòa giải tội, cha thánh Vianney trở về với những bước chân kiệt sức và té ngã trên cầu thang. Giáo dân hay được chạy đến và hô hoán lên: “Cha bị bệnh, đi kêu bác sĩ gấp!”. Ngài chỉ khoác tay, ôn tồn bảo: “Kêu linh mục chứ không kêu bác sĩ”…Và sau khi được lãnh các bí tích sau hết, ngài đã ôn tồn nói với vị linh mục trẻ: “Đẹp làm sao cái chết của một linh mục hoàn tất trách nhiệm của mình”.

Lời của Cha Thánh Vianney đó hoàn toàn có thể áp dụng cho hai cha giáo đáng kính của chúng ta: “Đẹp làm sao cái chết của một linh mục hoàn tất trách nhiệm của mình”.

Vâng, cả hai cha đều đã dâng tặng cuộc đời mình để phục vụ: phục vụ Chúa và Giáo Hội, đặc biệt, phục vụ trong công tác đào tạo các linh mục, đào tạo những “chuyên viên” để rao giảng Lời Chúa và mang “Niềm Vui Tin Mừng” đến cho muôn người. Chúng ta đã từng được nghe chính cha giáo Albertô bộc bạch về niềm vui “phục vụ” của đời ngài trong bài chia sẻ nhân dịp ngài mừng 50 năm linh mục:

“Nhờ ơn Chúa ban trực tiếp hoặc qua người khác mà tôi đã thắng vượt đựơc các khó khăn thử thách và kiên trì phục vụ. Vì thế tâm tình của tôi là tạ ơn Chúa và biết ơn mọi người…”

“Năm nay tôi đã 76 tuổi, tương lai chẳng còn là bao.....Sức khoẻ và khả năng trí tuệ, nhất là trí nhớ, đang xuống dốc, nên tự nhiên tôi cũng cảm thấy bi quan. Nhưng Chúa Giêsu bảo: “Hãy bước đi bao lâu anh em còn có ánh sáng” ( Gioan 12,35). Vì thế tôi tự nhủ: Chúa còn cho bao nhiêu thời gian, bao nhiêu khả năng, thì cố gắng tận dụng để phục vụ.” [2]

Và cuộc đời của cha giáo Antôn Trần Minh Hiền cũng đã để lại một lời chứng phục vụ tuyệt vời như thế mà bài chia sẻ trong thánh lễ An Táng của ngài ĐGM Phụ Tá Hưng Hóa, Anphong Trần hữu Long đã trân trọng xác nhận:

“Trong mọi nhiệm vụ được giao, cha luôn tỏ ra trung tín, cần mẫn, vui tươi, phục vụ, không chỉ như một người thầy, người cha, mà còn như một người mẹ, và trên tất cả, như một người tôi tớ. Tại chủng viện Huế, cha sống giản dị, chân chất, ân cần, tận tụy, luôn nở nụ cười hiền hậu, khoan dung trước những sai lỗi của chủng sinh, với đường lối đào tạo mở ra nhằm xây dựng chủng viện thành một gia đình, để chủng sinh cởi mở và tín nhiệm, nhờ đó việc đào tạo mới hữu hiệu để có được những linh mục như tôi tớ tốt lành và trung tín.” [3]

Lễ Giỗ 100 ngày của hai cha giáo hôm nay lại trùng khớp với biến cố kỷ niệm 20 năm, ngày tái lập ĐCV Xuân Bích Huế (21/9/1994 – 21/9/2014), một địa chỉ, một quê hương tinh thần mà cả hai cha đã một đời gắn bó phục vụ, theo đúng châm ngôn của Hội Linh Mục Xuân Bích (cho dù cha Alberto chưa bao giờ là một thành viên): Vivere summe Deo in Christo Jesu (Sống hết mình cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô).

Riêng con, kể từ ngày kết thúc năm triết cuối cùng (1974), cũng là chu kỳ triết cuối cùng của ĐCV Xuân Bích Huế trước năm 1975, đúng 40 năm con được trở về nơi mái trường thân yêu nầy, để hiệp dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho hai cha giáo như nén hương thảo kính của một đứa học trò bé nhỏ; và trong tâm tình biết ơn nầy, con nhợt nhớ một câu nói thâm thúy của nữ văn sĩ Ruth Benedict:

“Sự biết ơn chỉ giữ trong lòng chưa hẳn là một đức tính tốt. Chúng ta cần phải tìm mọi cơ hội để đền đáp lại ân tình mình đã nhận được, nếu không cho ân nhân của mình thì cũng cho mọi người trong cuộc sống này.”

Quả thật, hôm nay và giờ nầy, đối với ĐCV Xuân Bích Huế, với bao nhiêu thế hệ linh mục, chủng sinh, tu sĩ… những người đã từng mang ơn hai cha giáo kính yêu, thì Thánh Lễ Giỗ hôm nay chính là một biểu hiện, một nghĩa cử của lòng biết ơn trọn hảo nhất mà chắc giờ nầy nơi quê hương hằng sống, hai cha giáo đang mĩm cười đón nhận với tất cả niềm vui.

Ở giữa cái chợ đời náo nhiệt và xô bồ của xã hội hôm nay, quả thật sự ra đi cách đây hơn 100 ngày của hai cha rồi cũng sẽ âm thầm chìm vào những “nốt lặng của thời gian”. Chỉ là “những nốt lặng” thôi, chứ trong mái nhà Hội Thánh, trong mối giây hiệp thông của gia đình con cái Chúa không bao giờ các ngài “bị lãng quên”, một sự lãng quên rất thường xảy ra nơi những người vô tín mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã minh họa trong những ca từ thật xót xa cho một người vừa nằm xuống:

Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai

Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời

Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới

trong nghĩa trang này có loài chim thôi! [4]

Vâng, sự âm thầm của các ngài trong cuộc hiện hữu mới hôm nay là sự âm thầm của những “hạt lúa mì được gieo vào lòng đất” để chấp nhận “mục nát giữa dòng đời hầu khai sinh một mùa lúa mới” như lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe; hay như cách ví von đầy triết lý nhân sinh của một câu ngạn ngữ Trung Quốc, thì đó chính là sự âm thầm của cả “một cánh rừng đang mọc”.

Giờ đây, trong mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh trong Bàn Tiệc Thánh Thể nầy, con xin được thưa riêng với hai cha mà con tin chắc đang hiện diện cách vô hình ở đây: “kính thưa hai cha giáo Albertô và Antôn, cuộc đời của hai cha, công khó của hai cha, gương lành của hai cha, những lời chỉ dạy, những bài học Kinh Thánh và thần học mà hai cha đã chuyển tải cho chúng con cùng với bao hy sinh phục vụ âm thầm của hai cha dành cho Giáo Hội, cho bao nhiêu con người…sẽ không rơi vào quên lãng mà sẽ như những hạt mầm đang đâm chồi nẫy lộc, những chồi lộc thiêng liêng dẫn tới cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, tới Bàn Tiệc vĩnh hằng mà ngay ở đây và bây giờ cộng đoàn Phụng Vụ chúng con đang bắt đầu với Bàn Tiệc Thánh Thể.

Và như thế, chúng con tin rằng, một ngày không xa chúng ta lại được đoàn tụ trong bàn tiệc Nước Trời. Xin hai cha tiếp tục cầu nguyện và nhớ đến chúng con. Amen.”

[1] Tông huấn Evangelii Gaudium số 1

[2] Bài viêt “Linh mục Alberto Trần Phúc Nhân từ trần” của Lê Đức Thịnh đăng trên trang mạng xuanbichvietnam.net

[3] Bài giảng Thánh lễ An táng cha Antôn Trần Minh Hiển của ĐGM Anphong Nguyễn Hữu Long, pss, GM Phụ Tá Hưng Hóa.

[4] Lời trong ca khúc “Cho một người vừa nằm xuống” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.