Chương trình Khai mạc Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử đạo Việt Nam của Tổng Giáo phận Huế đã được chuẩn bị chu đáo từ rất lâu. Trước hết vì Giáo phận Huế là nơi đã lưu dấu biết bao vị Anh hùng Tử đạo, vùng đất Giáo phận Huế cũng là nơi thấm đẫm máu đào của các Ngài. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh phải gấp rút chuẩn bị cho lễ tấn phong và nhậm chức Giám mục Giáo phận Thanh Hóa của Tân Giám mục Giuse Nguyễn Đức Cường vào ngày 27 tháng 6 này, nên Ngài đã ủy quyền cho Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh chủ sự Khai mạc Năm Thánh Các Thánh Tử đạo Việt Nam.

Xem Hình

Chiều ngày 19 tháng 6, kỷ niệm tròn 30 năm ngày Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong Hiển Thánh cho 117 vị Tử đạo tại Việt Nam (19/6/1988 – 19/6/2018), Tổng Giáo phận Huế long trọng tổ chức Khai mạc Năm Thánh Các Thánh Tử đạo Việt Nam.

117 vị Thánh Tử đạo được phong hiển Thánh trong số hơn 100 ngàn vị tử đạo trải qua các thời kỳ Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Đó là chưa kể đến chừng 200 ngàn người chết trong các cuộc bách đạo và phân sáp thời Văn Thân, có những nơi bị thiêu chết hàng trăm người như tại nhà thờ Trí Bưu.

Từ 18 giờ, các linh mục, các Hội Dòng hiện diện trên Giáo phận Huế, các Hội đoàn, đại diện các Hội đồng Giáo xứ tập trung tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận để chuẩn bị cho cuộc Rước Kiệu trọng thể Xương Thánh các vị tử đạo tại Huế.

Đúng 19 giờ, Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh chính thức khai mạc Năm Thánh, Ngài chia sẻ: hơn 130 ngàn vị anh hung tử đạo tại Việt Nam trong vòng 3 thế kỷ. Cuộc đời của các Thánh tử đạo là một bài ca dâng lên Thiên Chúa, bài ca thắm đượm máu hồng. Các Ngài đã chiến thắng gian nan gông cùm, các Ngài đã vượt qua sợ hải không màng đến tính mạng nhằm tôn vinh Thiên Chúa mà các Ngài tôn thờ, các Ngài đã dung cả cuộc đời mình để ngợi khen Chúa. Cuộc đời của các Ngài thật đáng ca ngợi hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

Đoàn Kiệu bắt đầu khởi hành từ Trung tâm Mục vụ Giáo phận tiến lên Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, mọi người đều cầm nến trên tay chiếu sáng lung linh suốt cả một quảng đường. Đi đầu đoàn kiệu là Di ảnh của hơn 100 ngàn vị Tử đạo do các Giáo lý viên Phủ Cam cung nghinh, tiếp theo là các ban nghành đoàn thể và đại diện các HĐGX, các Hội Dòng Nam Nữ hiện diện trên Giáo phận, các Đại Chủng sinh và Linh mục đoàn, cuối cùng là Kiệu Xương Thánh được đặt trong 5 hào quang.

Đoàn Kiệu dừng trước Tiền đường Nhà thờ, 5 linh mục đại diện cho Linh mục đoàn rước 5 Hào quang Thánh tích lên Bàn thờ, Cha Tổng Đại diện xông hương tỏ lòng cung kính. Các linh mục đại diện Linh mục đoàn, đại diện các Hội Dòng, đại diện các HĐGX lần lượt niệm hương trước Thánh tích các Thánh Tử đạo.

Các em thiếu nhi Phủ Cam biểu diễn điệu múa tôn vinh Các Thánh Tử đạo với nhiều tiết mục được chuẩn bị công phu.

Kết thúc buổi Tôn vinh Các Thánh Tử đạo, đoàn rước tiến vào Nhà thờ, những hào quang Thánh tích được các linh mục cung nghinh long trọng và đặt tước Bàn thờ để đi vào Thánh lễ trọng thể Khai mạc Năm Thánh. Di ảnh của 16 vị Thánh Tử đạo được đặt trang trọng trên Cung Thánh, hai bên là hai câu đối: “Máu các Thánh Tử đao Việt Nam - Hạt giống trổ sinh người có Đạo”.

Trong bài giảng lễ, cha Đa Minh Phan Hưng, Tổng Thư ký Hội đồng Mục vụ, Trưởng ban Tổ chức Năm Thánh chia sẻ:

Tối hôm nay, lần đầu tiên trong ánh nến lung linh huyền ảo và đầy thánh thiêng, cuộc rước kiệu trọng thể Các Thánh Tử đạo Việt Nam, trong đó có Xương Thánh của 16 vị đã tử đạo trên vùng Giáo phận Huế chúng ta. Chúng ta tạ ơn Chúa và cũng vui mừng hảnh diện vì nhờ vào cái chết của các Ngài mà đã mang lại nhiều hoa trái. Khai mạc Năm Thánh các Thánh Tử đạo Việt Nam gợi nhớ cho chúng ta cách đây đúng 30 năm, vào ngày 19 tháng 6 năm 1988, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong 117 vị Tử đạo Việt Nam lên hàng hiển Thánh. Chúng ta tự hào là con giòng cháu giống của các Thánh tử đạo, trong đó có một phụ nữ là Thánh Anê Lê Thị Thành là mẹ của 6 người con. Đây là con số tiêu biểu, tượng trưng cho hơn 130 ngàn người đã tử đạo tại Việt Nam trong vòng 300 năm. Đó là chưa kể đến hàng trăm ngàn người phải chết trong rừng sâu nước độc vì phải trốn tránh những cuộc bách đạo trải qua các triều đại, hàng trăm hàng ngàn người bị thiêu sống trong các nhà thờ, hàng vạn tín hữu bị giết dưới thời Văn Thân. Chỉ riêng tại 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích là pháp trường, nơi máu chảy đầu rơi của các Ngài. Tổng số vị tử đạo phải ước tính lên đến 300 ngàn, như vậy trong vòng 300 năm, bình quân mỗi năm phải có đến 1000 vị tử đạo. Đây là một tự hào của Giáo hội Việt Nam, cái chết của các Ngài là vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Các Ngài đã can đảm noi theo tình yêu của Chúa Giêsu, một tình yêu đến nỗi hiến cả mạng sống mình trên thập giá, Ngài đã phải chịu đau đớn về thể xác, bị nguyền rủa, bị nhục mạ. Vậy mà cuối cùng Ngài vẫn ngẫng cao đầu để xin Chúa Cha tha cho họ vì họ lầm và chẳng biết, đó thật sự là đỉnh cao của tình yêu…

Trong phần tạ lễ, cộng đoàn đứng lên cùng nhau đọc Kinh Các Thánh Thánh Tử đạo Việt Nam. Sau đó, cha Đa Minh Phan Hưng, Trưởng Ban Tổ chức Năm Thánh công bố Sắc lệnh của Tòa Ân giải Tòa Thánh về việc ban Phép lành Tòa Thánh nhân dịp Năm Thánh các Thánh Tử đạo Việt Nam do Đức Hồng Y Chánh án Tòa Ân giải Tối cao MAURUS PIACENZA ban hành ngày 23 tháng 3 năm 2018 cho tất cả mọi người tham dự Thánh lễ Khai mạc và Bế mạc Năm Thánh.

Kết thúc Thánh lễ, các linh mục đại diện Linh mục đoàn rước hào quang Thánh tích đến Bàn thờ phía bên trái Nhà thờ và dâng hương.

Cha Tổng Đại diện mời quý Cha đại diện cùng long trọng ban Phép lành Tòa Thánh với ơn Toàn xá.

Trương Trí