1. Giáo Hội Pháp có thêm một vị Thánh mới.

Trong một tuyên bố đưa ra vào hôm thứ Ba 4 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp, gọi tắt là CEF, đã lên tiếng bày tỏ niềm vui của Giáo Hội Pháp trước kết quả của Công Nghị Hồng Y ngày 3 tháng 5 tại Vatican.

Công nghị đã diễn ra lúc 10 giờ sáng ngày 3 tháng 5 theo giờ địa phương Rôma tại phòng họp Công nghị trong điện Tông Tòa của Vatican với các vị Hồng Y hiện đang cư trú hoặc đến thăm Rôma.

Công nghị đã được mở đầu với Kinh Giờ Ba, hay lời cầu nguyện giữa buổi sáng, từ Phụng vụ Các Giờ Kinh.

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên thánh, sau đó trình bày tóm tắt về cuộc đời của bảy vị Chân Phước cho Đức Giáo Hoàng và các Hồng Y.

Kế đó, các Hồng Y đã bỏ phiếu đồng thuận đối với các án tuyên thánh này.

Cuộc bỏ phiếu này là bước cuối cùng trong quy trình tuyên thánh và mở đường cho việc xác định một ngày được ấn định cho một Thánh lễ tuyên thánh.

Nhân vật nổi bật nhất trong số bảy người là Charles de Foucauld, nhà truyền giáo người Pháp bị giết ở Algeria năm 1916. Ngài là một người lính, một nhà thám hiểm, người trở lại đạo Công Giáo, linh mục, ẩn sĩ và tu sĩ phục vụ những người Tuareg ở sa mạc Sahara ở Angiêri.

Charles de Foucauld sinh ngày 15 tháng 9, 1858, tại Strasbourg. Thân phụ là Édouard de Foucauld làm nghề kiểm lâm. Thân mẫu là Élisabeth Beaudet de Morlet, nội trợ. Hai người lập gia đình lúc ông 35 tuổi, và bà 26 tuổi. Trong cùng một năm 1864, ông bà thân sinh của Charles đều lần lượt qua đời. Bà mất trước ông, vì hư thai. Sau 5 tháng, đến ông mất vì bệnh tim.

Trong ba năm từ 1874 đến 1876, Charles được đưa về Paris theo học nội trú tại trường các cha Dòng Tên. Theo thời khóa biểu của trường, anh phải dậy sớm từ 4g30, dự lễ, ca hát, đọc kinh, kỷ luật khắt khe, ăn uống sơ xài, không được ra ngoài. Người thanh niên khép kín và nhạy cảm này bắt đầu thấy trống vắng, và để lấp đầy, cậu bắt đầu làm quen với sách vở nhảm nhí. Hậu quả là vào năm thứ nhất triết học, đức tin anh bị lung lay. Rồi dần dần xa Chúa, đến mức mất luôn đức tin. Charles lao mình vào những cuộc ăn chơi trác táng. Để có tiền, anh gia nhập trường sỹ quan Saint Cyr, lúc mới 18 tuổi.

Năm 22 tuổi, năm 1876, Charles tốt nghiệp trường sỹ quan Saint Cyr, với cấp bậc thiếu úy, và được gửi sang chiến đấu ở Phi Châu. Năm 1882, Anh rời quân ngũ và lang thang mạo hiểm Phi Châu.

Sau khi phiêu bạt giang hồ, năm 1886, anh trở về Paris và may mắn gặp gỡ linh mục Henri Huvelin. Nhờ những lời khuyên bảo của ngài, anh tìm lại được đức tin.

Anh thực hiện cuộc hành hương Thánh Địa và tháng 3,1897, được nhận làm ẩn sỹ tại Dòng Clara ở Nazareth, trong 4 năm. Anh xin làm việc chân tay, không thù lao, ăn bánh mì, ngủ trên sàn đất và gối đầu bằng cục đá. Những năm này, anh là người giúp việc, coi sóc vườn tược cho nhà Dòng.

Cuối cùng, Charles được thụ phong linh mục vào năm 1901 và hăng say trong sứ vụ truyền giáo ở những nơi nguy hiểm nhất.

Ngày 1 tháng 12, 1916, khi trời vừa tối, khoảng 40 người đến vây quanh khu Tamarasset, sa mạc Sahara, nơi Cha Charles de Foucauld mới đến cư ngụ được 5 tháng. Họ là những người Touareges ở Ajjer, nổi lên chống lại người Pháp. Giao tranh sau đó nổ ra giữa những người đến cứu cha và bọn bắt cóc. Cha bị giết bởi một cậu bé canh chừng cha trong một tai nạn bất ngờ.

Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort nhận định rằng Cha Charles de Foucauld là một tấm gương sáng cho thanh niên Pháp, và cho biết thêm, trong một thời gian ngắn sắp tới CEF sẽ thông báo cụ thể các chi tiết liên quan đến lễ tuyên thánh cho ngài.
Source:Catholic News Agency

2. Tờ Nhân Dân Nhật Báo tấn công các tín hữu Kitô trong mưu toan khỏa lấp tội ác ở Tân Cương

Hôm Chúa Nhật 2 tháng 5, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lên tiếng tấn công nhà nhân chủng học người Đức Adrian Zenz. Anh là một tín hữu Tin Lành nổi tiếng với những nghiên cứu về các trại cải tạo Tân Cương và nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ. Tờ báo lên tiếng cảnh cáo các tín hữu Kitô tại Hoa Lục mà họ gọi là “các thành phần cực hữu”. Bài báo làm dấy lên những lo ngại về một đợt bách hại mới chống lại các Kitô hữu nước này.

Jon Jackson, ký giả chuyên về các vấn đề Trung Hoa, vừa có bài tường thuật về bài báo trên tờ Nhân dân Nhật báo. Bài tường thuật của Jon Jackson có nhan đề “Truyền thông quốc doanh Trung Quốc tố cáo ‘Cuộc tấn công mạnh mẽ và độc hại’ của phương Tây vào ‘Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ xinh đẹp’”, đăng trên tờ NewsWeek, số ra ngày 3 tháng 5.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc, hôm Chúa Nhật 2 tháng 5, đã cho đăng một báo cáo, trong đó huênh hoang tuyên bố vạch trần “cuộc tấn công mạnh mẽ và bôi nhọ đầy ác ý của truyền thông Tây phương” nhắm vào Tân Cương.

Theo tờ Nhân dân Nhật báo, khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương “xinh đẹp” từ lâu đã “bị miêu tả là nơi tăm tối nhất trên thế giới”. Bản báo cáo do chính tờ báo này thực hiện có tựa đề “Những điều cần biết về tất cả những lời dối trá về Tân Cương: Chúng đã xảy ra như thế nào?”

Bài báo khẳng định “những lời nói dối” về Tân Cương đến từ các thế lực chống Trung Quốc ở Hoa Kỳ thông qua các tổ chức học thuật và các chuyên gia “không có bất kỳ sự thận trọng nào về mặt đạo đức”.

Viện Theo dõi Tình hình Trung Quốc của tờ Nhân dân Nhật báo đã tổng hợp các báo cáo mà nó cho rằng là các số liệu từ trang web tin tức của Mỹ thegrayzone.com, cũng như Dịch vụ Cảnh báo Úc và một loạt các cuộc họp báo do Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương tổ chức. Tờ báo tuyên bố rằng bản báo cáo này của họ vạch trần “kẻ chủ mưu thực sự” đằng sau những tường trình sai lệch về Tân Cương và bạch hóa “những điều dối trá” về khu vực này.

Một số “phát hiện quan trọng” của họ bao gồm việc Mỹ và các nước phương Tây khác đã hỗ trợ các hoạt động ly khai và khủng bố ngay từ thế kỷ trước ở Tân Cương trong nỗ lực “gây bất ổn và kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc”. Một vấn đề khác là “Kitô hữu theo chủ nghĩa cực hữu” Adrian Zenz và những người khác đã ngụy tạo thông tin sai sự thật rằng hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đang bị giam giữ.

Theo tờ Nhân dân Nhật báo, báo cáo của tờ này cho thấy để “tạo ra tin giả, BBC thậm chí đã đi xa đến mức trả tiền cho 'bằng chứng.'“ Báo cáo cũng mô tả Cơ sở dữ liệu về các nạn nhân ở Tân Cương, thường được các nguồn tin trên thế giới trích dẫn, là một “dự án có động cơ xấu và vô căn cứ được thiết kế đơn thuần nhằm mục đích thao túng chính trị và được các lực lượng chống Trung Quốc tổng hợp một cách kém cỏi.”

Vào tháng 4, Tổ chức Human Rights Watch, Theo dõi Nhân quyền, đã kêu gọi Liên hợp quốc điều tra các báo cáo về việc giam giữ hàng loạt người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Human Rights Watch nhận định rằng đó là một cuộc đàn áp các hoạt động tôn giáo đi kèm với các biện pháp khác nhằm chống lại các nhóm thiểu số. Tổ chức nhân quyền này cho biết các trại giam ở Tân Cương là tội ác chống lại loài người theo định nghĩa của hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế.

Các chính phủ và các nhà nghiên cứu nước ngoài đã báo cáo rằng hơn một triệu người đã bị giam giữ trong các trại ở Tân Cương trong bối cảnh bị cưỡng bức lao động và kiểm soát sinh sản.

Mỹ đã ban hành lệnh cấm vào tháng Giêng đối với bông sợi sản xuất tại Tân Cương. Vào tháng 3, Mỹ, Anh, Canada và Liên minh Âu Châu cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Trung Quốc mà họ cho là phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác.

Chính phủ Trung Quốc đã phủ nhận mọi hành vi chà đạp nhân quyền ở khu vực Tân Cương.
Source:Newsweek