Tháng Tư và người Việt Công Giáo tại Úc

Tháng Tư hàng năm là tháng người Việt tại Úc thấy mình gần gũi người Úc mói chung hơn cả. Bởi tháng này có hai ngày kỷ niệm quan trọng đó là các ngày 25 và 30. Ngày 25, người dân Úc nói chung kỷ niệm biến cố Gallipoli, được biết nhiều hơn dưới danh hiệu Anzac Day. Ngày 30, người Việt tại Úc kỷ niệm biến cố mất nước, ngày ô nhục Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Cộng Sản xâm lược. Xem ra, hai ngày ấy chẳng có liên quan gì với nhau. Biến cố Gallipoli xẩy ra cách nay 94 năm tức vào năm 1915, ở tận Thổ Nhĩ Kỳ xa xôi. Biến cố người Việt mất nước mới xẩy ra đây thôi, vào năm 1975, 60 năm sau biến cố trên. Nhưng nghĩ cho cùng, hai biến cố ấy hay đúng hơn hai ngày lễ ấy giống nhau ở điểm: cả hai đều để kỷ niệm một mất mát lớn.

Ngày của cả nước

Nhận định về ngày Anzac, linh mục Humphrey O’Leary, Dòng Chúa Cứu Thế, cho rằng: ngày “quốc khánh” 26 tháng Giêng hàng năm, tục gọi là Ngày Nước Úc (Australia Day), không tác động trên triết lý sống (ethos) của quốc gia bằng ngày Anzac. Giống như ngày 30 tháng Tư: đối với người Việt Tự Do, đó là ngày ô nhục, ngày mất nước; nhưng đối với Cộng Sản, thì đó là ngày giải phóng, ngày thống nhất đất nước, ngày chiến thắng vẻ vang. Ngày 26 tháng Giêng cũng thế: đối với người Da Trắng, đó là ngày lập quốc; nhưng đối với Thổ Dân, đó là ngày Mộng Thời (Dreamtime) của họ bị phạm thánh bởi bàn tay dơ bẩn ngoại nhân. Nhưng ngày Anzac thì khác, nó được toàn dân Úc kỷ niệm, với một nghi lễ đã trở thành sách vở.

Cha O’Leary cho rằng đó là điều thật lạ. Vì các quốc gia thường chỉ cử hành chiến thắng, hay cử hành những biến cố đánh dấu những bước tiến của dân tộc. Mỹ chẳng hạn, ngày 4 tháng Bẩy được dành để cử hành việc tuyên bố độc lập; tại Pháp, ngày 14 tháng Bẩy được dành để cử hành ngày phá ngục Bastille; còn tại Ái Nhĩ Lan, ngày 12 tháng Bẩy được dành để cử hành chiến thắng Orange. Đàng này, Anzac Day không cử hành một chiến thắng mà là cử hành một thất bại, một thất bại ê chề với một tổn thất hết sức lớn lao. Đoàn quân đổ bộ lên bán đảo Gallipoli vào ngày 25 tháng Tư năm 1915 không bao giờ hoàn thành được mục tiêu chiếm đóng bán đảo này. Cuối năm đó, họ buộc phải rút lui, sau khi chôn vùi ở đó 10,700 binh lính, gồm 8,000 người Úc và 2,700 người Tân Tây Lan, một con số tử vong khá lớn vì lúc đó dân số Úc chưa tới 4 triệu rưỡi người. Trong khi ấy, suốt cuộc chiến Việt Nam, Úc chỉ hy sinh 521 binh sĩ với khoảng 3,000 người bị thương.

Chiến dịch Gallipoli

Đến tháng Tư 1915, Thế Chiến I đã khởi sự được 8 tháng. Anh và Pháp đang chống trả Đức ở mặt trận phía Tây, Nga đánh với Đức và đồng minh Áo Hung ở mặt trận phía Đông; Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phe Đức. Anh và Pháp muốn chiếm bán đảo Gallipoli làm bàn đạp tiến chiếm Constantinople, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, vừa mở đường tiếp tế cho Nga, vừa loại Thổ ra ngoài vòng chiến. Tầu chiến không thôi, không thi hành được kế hoạch, phải đổ bộ binh sĩ lên bán đảo. Đoàn quân được chọn gọi là Quân Đoàn Úc và Tân Tây Lan (Australian and New Zealand Army Corps). Theo kế hoạch, 1,500 binh sĩ đầu tiên có nhiệm vụ tiến lên bờ, chiếm giữ cao điểm Dải Núi Thứ Ba (Third Ridge). Kiểm soát được dải đất cao này là vô cùng thiết yếu đối với sự thành công của trọn bộ cuộc hành quân. Đợt đổ bộ sau đó của 2,500 binh sĩ sẽ mở đường tiến sâu vào chiếm pháo đài Dardanelles. Sau cùng, 21,000 quân còn lại sẽ được phái lên bờ để tiến sâu vào nội địa dưới sự bảo vệ của số 4,000 quân sĩ trước đó.

Ngày 25 tháng Tư, ngay lúc hừng đông, đợt đổ bộ đầu tiên chiếm được bãi biển, nhưng không làm sao kiểm soát được dải đất cao dùng để khống chế khu vực, khiến đợt đổ bộ sau không thực hiện được đúng kế hoạch. Khu vực toán đầu tiên đổ bộ lại lởm chởm, đầy những vách đá thẳng đứng, những sườn rãnh chi chít, nơi hết sức an toàn cho các tay súng bắn tỉa của Thổ. Binh lính Úc, vì thế, mau chóng mất liên lạc với nhau và không tiến tới được mục tiêu của mình. Nhờ đêm hôm, họ tiến thêm được ít trăm thước và suốt bẩy tháng sau đó, họ cũng chỉ tiến thêm không được bao xa. Giữa ngày 6 và ngày 8 tháng Năm, binh sĩ Úc và Tân Tây Lan tham gia trận đánh lớn tại Krithia, gần Cape Helles. Cuộc tấn công này thất bại, đem lại tổn thất rất lớn về nhân mạng. Sau cuộc phản công gần như tự sát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 19 tháng Năm, là một thời kỳ sa lầy kéo dài tới tận cuối năm. Binh sĩ Úc và Tân Tây Lan trở thành nạn nhân của bắn tỉa, liệng lựu đạn, cái nóng nung người và nhất là ruồi, kiết lỵ và bệnh tật. Qua tháng Tám, Đồng Minh quyết định phá vỡ thế sa lầy bằng cách đổ bộ quân Anh lên Suvla Bay, phía bắc Vịnh Anzac. Để đánh lạc hướng quân Thổ, binh sĩ Úc và Tân Tây Lan mở cuộc tấn công sâu về hướng Nam. Một trong các trận đánh lạc hướng này xẩy ra tại địa điểm ngày nay được đặt tên là Cây Thông Đơn Độc (Lone Pine). Binh sĩ Úc tấn công một khu vực kiên cố bằng hào sâu và bằng chiến thuật xáp lá cà đã đuổi được quân Thổ ra khỏi khu vực. Rất nhiều binh sĩ Úc đã hy sinh trong trận đánh này. Hôm sau, họ tấn công khu vực nhỏ có thế đất bằng phẳng gọi là The Nek. Chính tại đây, ba đợt khinh kỵ binh Úc đã bị tàn sát trên một mảnh đất tí hon giữa hai giao thông hào phân cách quân Thổ với quân Úc. Việc nối liền Suvla với Anzac kể như thành công, nhưng chiến lược chính của trận đánh thì kể như thua. Chỉ có binh sĩ Tân Tây Lan tới được mục tiêu của họ là Chunuk Bair. Họ chiếm được đỉnh đồi trong chốc lát, nhưng không giữ được lâu. Binh sĩ tại Suvla không được đưa vào trận tấn công chính và do đó, mục tiêu chính đã không chiếm được. Cuốn phim Gallipoli năm 1981 đã mô tả tình huống trên bằng cách cho thấy trong khi quân Anzacs bị thảm sát tại The Nek, quân Anh nhởn nhơ uống trà trên bãi biển.

Cuối tháng Tám, cấp chỉ huy cố gắng chiếm Đồi 60, cao điểm kiểm soát Suvla Bay. Nhưng quân Thổ cố thủ thành công tại đó. Tổn thất vì thế hết sức cao.

Tình hình sa lầy kéo dài đến tận cái giá lạnh mùa đông khiến nhiều binh sĩ chết cóng. Các cấp chỉ huy buộc phải ra lệnh rút quân. Mà triệt thoái đâu phải chuyện dễ. Quân Thổ sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào một đoàn quân nay đã ra suy yếu. Nhưng liên tiếp trong ba tuần tháng Mười Hai, 40,000 binh sĩ Anzac đã âm thầm triệt thoái, mà không bị quân Thổ phát hiện… Mãi tới năm 1919, nhân viên của Ủy Ban Mộ Phần Chiến Tranh của Đế Quốc mới tới Gallipoli để thiết lập một nghĩa trang, nhận diện và chôn cất hàng ngàn người chết phơi xương với nắng mưa từ 1915.

Anh hùng

Có người cho rằng tầu chở binh sĩ Úc và Tân Tây Lan đã đi lạc mục tiêu cả hàng cây số về hướng Bắc, và đã đổ bộ họ ở một địa điểm quá hiểm trở. Nhưng đại đa số các sử gia đều cho rằng việc đổ bộ này đúng mục tiêu, nhằm yếu tố bất ngờ, ở chỗ yếu nhất trong hệ thống phòng thủ của Thổ. Nhưng cũng khó mà tránh được cảm tưởng cho rằng Churchill đã dùng binh sĩ Úc và Tân Tây Lan làm vật hy sinh. Nghĩ cho cùng, ai cũng phải nhận cuộc hành quân Gallipoli thất bại vì kế hoạch ngèo nàn, vì lòng can đảm và tài nghệ của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ, vì tài lãnh đạo của quân đội Thổ, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Mustapha Kemal Ataturk, cha đẻ của Thổ Nhĩ Kỳ tân tiến sau này, vì địa hình địa vật, vì thiếu yểm trợ hữu hiệu của pháo binh, vì thiếu hoả lực của súng máy…

Chỉ có điều, dù biết vậy, người lính Úc lúc nào cũng “hân hoan, trầm lặng và tự tin” như nhận định của tờ Melbourne Argus vào ngày 8 tháng Năm năm 1915. Không một dấu hiệu lo lắng hay bồn chồn. Người Úc vượt lên trên hoàn cảnh. Không đợi lệnh và thuyền chưa tới bờ, họ đã nhẩy xuống biển, tạo thành một tuyến thép, sẵn sàng tiến chiếm giao thông hào của địch. Với súng chưa lên nòng, họ tiến lên chỉ bằng nguyên những mảnh kim khí lạnh. Rồi họ giáp mặt với một vách núi gần như thẳng đứng. Vừa lên lưng chừng, họ bị địch từ giao thông hào xả súng xuống như mưa. Những con người của thuộc địa vốn có óc thực tiễn này áp dụng một phương thức ‘đáp lễ’ cũng thực tiễn chẳng kém. Vứt bỏ ba-lô, súng lên nòng, họ lợi dụng lúc đêm khua, âm thầm leo núi tiếp, không bắn một phát súng. Họ mất một số người, nhưng không nao núng. Máu nóng khắp huyết quản, thay vì đào hào, họ nhào qua hướng bắc, hướng đông, tìm kẻ địch mới mà hạ sát bằng lưỡi lê… Vấn đề lớn là tải thương đồng bạn. Ký giả tờ Argus cho rằng: lòng can đảm của các binh sĩ Úc bị thương là điều sẽ không bao giờ quên được. “Thực thế, tôi chưa bao giờ thấy một điều nào giống như người lính Úc bị thương trong chiến tranh…Nhiều người bị bắn tả tơi, không hy vọng chi chữa trị, nhưng niềm vui của họ vang dội khắp trời đêm…Họ hạnh phúc vì họ biết họ được thử thách lần đầu và tỏ ra không thiếu sót…”.

C.E.W. Bean, trong cuốn The Story of ANZAC, Sydney, Angus & Robertson, năm 1921, cho hay: “vì trước chiến tranh, người Úc một nửa đã là lính rồi.Thực vậy, suốt thời chiến tranh, trong các trận đánh nóng bỏng tại Gallipoli…, người chiến binh Úc không khác bao nhiêu với người Úc ở nhà đang rong ruổi trên các biên cương trang trại”. Theo ông, với Đoàn Quân Anzac xông xáo trên bãi biển Gallipoli, “ý thức quốc gia của Úc đã ra đời”. Vì đoàn quân ấy bao gồm mọi thành phần dân Úc, những con người chỉ sợ lỡ thời cơ không dự được phần vào biến cố đang diễn ra và chiến tranh kết thúc trước khi mình tới chiến trường. “Đó chính là chất liệu cho hàng ngũ 12 tiểu đoàn non trẻ của Sư Đoàn Úc đầu tiên…”. Đoàn quân này là tổng hợp mọi nét lãng mạn, hào hiệp viển vông (quixotic) và mạo hiểm của dân Úc từ người giầu, người có học, cho tới người nghèo, thô kệch, không có giáo dục. Họ đến với nhau không một chút phân biệt.

Người Úc là thế đấy

Không gì chứng tỏ cái ý thức quốc gia Úc mà Bean nói tới cho bằng lá thư của Roy Denning gửi cho mẹ, được đăng lại trong Cheryl Mongan and Richard Reid, We have not forgotten, Yass & District’s War 1914-1918, Milltown Research & Publications, Yass, 1998: “Sáng sớm tinh mơ (ngày 26 tháng Tư năm 1915), con nghe các sĩ quan, tới chỗ các binh sĩ, nói: ‘anh em hãy kiên trì, đừng có ngủ’, và câu trả lời hân hoan là: ‘Thưa ngài không đâu, chúng tôi sẽ không ngủ’, và lòng con tràn đầy một sự thán phục. Con biết ngày hôm trước đã căng thẳng như thế nào rồi, và con biết cần phải can đảm và quyết tâm như thế nào mới có thể giữ cho mình khỏi ngủ và tỉnh táo suốt những canh dài mệt mỏi của đêm khuya, cho nên con nghĩ con có lý khi cảm thấy tự hào được làm người Úc và sau đêm đó, con không còn sợ bất cứ hậu quả nào của cuộc hành quân này nữa. Cho con người Úc làm đồng chí, con sẽ đi bất cứ nơi đâu khi nhiệm vụ réo gọi…Người Úc đã qua ngày và đêm thứ nhất tại mặt trận, Chúa Nhật 25 tháng Tư năm 1915, như thế đấy…”

Và vì thế ngay từ năm 1916, toàn thể nhân dân Úc đã chính thức dành một ngày để kỷ niệm đoàn quân Úc anh dũng đó, dù họ thất bại. Tờ báo công giáo tại Sydney, tên là Freeman’s Journal, nhân ngày kỷ niệm đầu tiên, đã đặt tựa cho bài xã luận của mình là “Ngày Anzac, ngày hạ sinh một quốc gia” (Anzac Day, the birth of a nation). Bài xã luận này viết: “Ngày Anzac, mà chúng ta cử hành lần đầu tiên, và chúng tôi hy vọng chúng ta sẽ cử hành nó một cách long trọng và có suy nghĩ, đối với chúng ta có nghĩa hơn là cuộc chiến đấu bất tử trên các vách núi Gallipoli. Trong khi nhắc ta nhớ đến sự anh dũng của các anh hùng tử sĩ, nó cũng nhắc ta nhớ đến ngày người Úc thực sự nhận ra chính mình. Trước ngày các chiến binh Anzacs khiến các quốc gia theo dõi phải kính phục, thì cảm thức quốc gia của chúng ta chỉ có tính phất phơ, vô hồn. Chúng ta chỉ là người Úc cho có tên, và dù có lá cờ riêng, chúng ta vẫn không là gì khác hơn là chiếc đuôi gắn vào Đại Đế Quốc, và các diễn giả của Ngày Đế Quốc vẫn được nhiều người nghe hơn là những linh hồn ít ỏi còn bám lấy Ngày Nước Úc và đặc biệt tôn kính lá cờ đầy sao của mình. Ngày Anzac thay đổi tất cả những điều ấy… Bất kể chiến tranh kết thúc ra sao, ít nhất ta cũng là một quốc gia, với một trái tim, một linh hồn, và một nguyện vọng rộn ràng”.

Người Việt Tự Do cũng kỷ niệm mất mát

Nhận định về biến cố Anzac, linh mục Humphrey O’Leary, CSsR, cho rằng cuộc thất bại tại Gallipoli quả đã củng cố cảm thức quốc gia của cả Úc lẫn Tân Tây Lan. Tại sao lại thế, phải chăng vì bản chất hai dân tộc này vốn có tính kỳ quặc (quirky)? Phải chăng chỉ có Úc và Tân Tây Lan là cử hành một thất bại chứ không cử hành một chiến thắng?

Xin thưa với linh mục rằng không phải, người Việt Tự Do chúng tôi cũng cử hành một thất bại qua Ngày Mất Nước 30 tháng Tư. Ngày này người Cộng Sản Việt Nam gọi là ngày chiến thắng, ngày thống nhất đất nước, ngày đại thắng Mùa Xuân. Cả người Việt Tự Do lẫn người Việt Cộng Sản đều cử hành ngày này, nhưng với hai ý thức hoàn toàn đối nghịch. Xét cho cùng gọi ngày 30 tháng Tư là Ngày Mất Nước vẫn đúng hơn là Ngày Đại Thắng. Vì người Việt Tự Do mất nước thật. Còn người Việt Cộng Sản có thực sự là đại thắng hay không thì phải đợi lịch sử trả lời. Mà thực ra cũng không cần phải đợi lịch sử làm gì. Rõ rệt trong suốt chiến dịch tổng tấn công mùa Xuân 1975, họ chỉ đánh thắng một trận duy nhất tại Xuân Lộc, cửa ngõ Sài Gòn. Ông Nguyễn Văn Thiệu không từ chức ngày 21 tháng Tư (Giáp bảo: chìa khóa là ngày này khi Thiệu từ chức; Văn Tiến Dũng chỉ chờ có thế để ra lệnh tổng tấn công) và Ông Dương Văn Minh, buổi sáng 30 tháng Tư, không ra lệnh cho “tất cả các anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó", thì cuộc diện chưa biết sẽ ra sao. Tinh thần chiến đấu của QLVNCH đến lúc đó vẫn còn rất cao.

Nhà văn Thanh Thương Hoàng được ông VCQ, nguyên Chánh Võ Phòng Phủ Tổng Thống, kể cho nghe biến cố ngày 30 tháng Tư tại Dinh Độc Lập trước khi quân Cộng Sản kéo vào, cho hay một số sĩ quan QLVNCH thuộc lực lượng Lôi Hổ vào Dinh đối chất với Tham Mưu Trưởng Nguyễn Hữu Hạnh: “chưa có gì, tại sao bắt chúng tôi buông súng?”. Chính tướng Hạnh sau này phải thú thực là rất may vì Đại Tá VCQ không kiếm được xe để ông vào Bộ Tổng Tham Mưu, nếu không ông đã chết trong tay các sĩ quan QLVN rồi. Nói đâu xa, chính Võ Văn Kiệt cũng tỏ lòng biết ơn đối với Dương Văn Minh. Cho nên cái gọi là đại thắng mùa Xuân xét cho cùng không chỉnh. Sai lầm chiến thuật tại Việt Nam năm 1975 rất giống với sai lầm chiến thuật của Anzac năm 1915.

Vậy thì ngày 30 tháng Tư đúng là Ngày Mất Nước. Không giống như ngày Anzac, vốn là ngày khởi đầu cho một diễn trình thảm bại và phục sinh như nhận định của linh mục O’Leary, 30 tháng Tư là đỉnh cao của một chuỗi sự kiện bắt đầu từ ngày ông Thiệu “bằng lòng” với Hiệp Định Paris, dựa trên lời hứa của một người sắp sửa bị dân Mỹ hạ bệ và do đó, vô phương thi hành lời hứa, dù là lời hứa với một dân tộc. Thế là người Cộng Sản mạnh dạn đem quân chính quy tấn chiếm Phước Long, rồi ban Mê Thuột, rồi Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Xuân Lộc, và sau cùng thủ đô Sài Gòn, bức tử Việt Nam Cộng Hòa sau 21 năm hiện diện, sau khi cưỡng bức Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Ngày ấy, ông Kissinger, kiến trúc sư của Hiệp Định Paris, đang ở đâu? Trong một lá thư mới đây gửi cho Hội Thủy Quân Lục Chiến Vào Ngày Sài Gòn Thất Thủ (Fall of Saigon Marines Association), Kissinger cho biết ông ta ngồi trong một góc phòng của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tại cánh phía Tây Tòa Bạch Ốc. “Cả Ford lẫn tôi đều không ảnh hưởng gì được tới diễn biến; chúng tôi đã trở thành khách bàng quang của màn kịch chót. Chúng tôi ngồi tại văn phòng của mình, không bận bịu vì các nhiệm vụ khác, nhưng vẫn không thể nào tác động gì được đối với thảm kịch đang diễn ra, lơ lửng giữa cơn đau mình không tài nào dập tắt và một tương lai mình hết đường khuôn định. Xét một cách chủ yếu, chức vụ chỉ huy của chúng tôi thực ra chẳng còn gì để làm…” trong khi ấy, quanh họ, người phụ tá là Robert C. "Bud" McFarland, sau này trở thành Cố Vấn An Ninh của Reagan, khóc như mưa, vì anh ta vốn là một cựu thủy quân lục chiến và từng cùng đồng đội chiến đấu tại Việt Nam để ngăn ngừa thảm họa này không xẩy ra.

Kissinger cho rằng: “Để được thanh thản trong tâm hồn về lâu về dài, một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải lượng giá xem tại sao những người tốt ở mọi phía lại không tìm ra cách thế tránh được thảm họa này và tại sao thảm kịch trong nước đã trước nhất làm chúng ta tê dại và sau đó đè bẹp chúng ta luôn. Nhưng vào ngày chiếc trực thăng cuối cùng rời nóc toà đại sứ, chỉ còn lại một cảm thức trống rỗng. Những ai trong chúng ta từng chiến đấu để tránh thảm kịch cuối cùng này quá gần với thảm kịch ấy nên không thể duyệt lại được lịch sử 20 năm người Mỹ can dự vào. Vả lại, nay đã quá trễ không còn thay đổi được các biến cố nữa”.

Người Cộng Sản Việt Nam “thắng” là nhờ thái độ ấy. “Người tốt ở mọi phía” chỉ là huyền thoại. Chỉ có một phía tốt trong cuộc chiến ấy mà thôi, đó là Việt Nam Cộng Hòa, người bị Mỹ dùng mọi xảo thuật chính trị, dụ vào thế phải đầu hàng vô điều kiện, dù chẳng đánh đấm được bao nhiêu. Người Việt Tự Do rất đúng khi sử dụng thuật ngữ Ngày Mất Nước, chứ không hẳn thua trận.

Hậu quả

Trong khi Ford và Kissinger ngồi thinh lặng ở Tòa Bạch Ốc, thì theo Phạm Văn Đồng 200 ngàn người Việt Tự Do bị giam giữ. Tuy nhiên, theo ước tính của một số quan sát viên Tây Phương, con số dè dặt nhất cũng là từ 500 ngàn cho tới 1 triệu tù nhân trong tổng số 20 triệu dân. Miền Nam trở thành một nhà tù vĩ đại. Ngay như Võ Văn Kiệt cũng phải thú nhận rằng: “người VN đã phải trả giá cho chiến thắng 30/4/75 bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Nhiều gia đình người dân miền Nam theo lời ông Kiệt, rơi vào hoàn cảnh có ngừơi thân vừa ở phía bên này, vừa ở phiá bên kia. 30/4 khi nhắc lại, vẫn theo ông Kiệt, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn.

Ông Kiệt nói lời ấy đã lâu rồi, nay mà nói lại, chắc ông ta phải nói như thế này: người buồn nhiều hơn người vui gấp bội. Thực thế, sau hai mươi năm “chiến tranh giải phóng”, mong đem lại “độc lập, tự do, hạnh phúc” cho toàn dân, từ 3 đến 4 triệu thường dân ở hai phía đã hy sinh tính mạng, hơn 1 triệu rưỡi binh sĩ tử trận, gần 2 triệu binh sĩ bị thương, mà độc lập, tự do và hạnh phúc không những vắng bóng, mà mức độ lệ thuộc, áp bức và khốn khổ còn mỗi ngày mỗi gia tăng, khiến 140,000 người phải bỏ xứ ra đi ngay sau khi Miền Nam mất nước, tiếp theo là 983,000 người khác tìm đường vượt biên và vượt biển mong ngoi lên hưởng được đôi chút “độc lập, tự do, và hạnh phúc” của xứ người. Tự điển Webster về chiến tranh Việt Nam ước lượng ít nhất cũng từ 10% tới 50% những người vượt biển đã bỏ xác giữa trùng khơi biển cả.

Hy vọng

Hiện nay, con số những người “trốn chạy” hay “bỏ phiếu bằng chân” đến được bến bờ tự do kia đã lên tới hơn 2 triệu người, rải rác khắp nơi trên thế giới. Có thể nói: không một góc biển chân trời nào không có bàn chân người Việt Tự Do lui tới. Và dĩ nhiên, tới đâu, họ cũng là sứ giả của tự do. Tại Úc và Tân Tây Lan, cũng như một vài quốc gia láng giềng chịu ảnh hưởng nặng nề của hai quốc gia này, hiện nay, con số người Việt Tự Do, dù ước tính dè dặt nhất, cũng trên 200,000 người. Họ chính là đoàn quân Anzac da vàng, tuy không thắng một trận chiến, nhưng đã và đang trở thành niềm hãnh diện của Con Rồng Cháu Tiên, sẽ vực dậy tâm thức dân tộc, sẽ thúc đẩy triều sống dân chủ, làm sống dậy thèm khát độc lập tự do hạnh phúc. Chính vì thế, mỗi lần Anzac Day trở về, người Việt Tự Do ở Úc cũng hân hoan cử hành như người Úc chính gốc, cũng diễn hành trên các đường phố khắp các thủ phủ của họ, một hòa đồng thực sự chứ không phải chỉ hời hợt bên ngoài, do một đồng cảm, đồng nghĩ, đồng gia tài dĩ vãng.

Ngày 30 tháng Tư, đối với người Việt Tự Do ở trong nước và ở ngoại quốc, cũng giống như Chiếc Cầu Thang Sài Gòn (Saigon Staircase) mà ông Ford cho trưng bày trong Viện Bảo Tàng mang tên ông. Trong bức thư gửi cho Hội Thủy Quân Lục Chiến Vào Ngày Sàigòn Thất Thủ, ông Ford, tổng thống Mỹ cùng ngồi với Kissinger ở một góc Tòa Bạch Ốc, ngày Sài Gòn thất thủ, cho rằng ngày đó là ngày buồn nhất trong cuộc đời công khai của ông và “chúng tôi đã làm hết sức những gì mình có thể làm được. Lịch sử sẽ phán xét liệu chúng tôi còn có thể làm gì khá hơn thế”. Ông bảo: chiếc cầu thang, vốn được bắc từ nóc tòa Đại Sứ Mỹ lên bãi trực thăng ở phía trên, trên đó hàng ngàn người Việt lẫn người Mỹ hốt hoảng chen nhau tìm đường “trốn chạy” trong những ngày sau cùng của Sài Gòn, bị nhiều người coi là biểu hiệu của thất bại quân sự. Nhưng theo ông, nó tượng trưng cho khát vọng tự do khôn nguôi của con người. Ông trích dẫn lời của Ernest Hemingway mà bảo rằng: “con người vốn không được dựng nên cho thất bại. Con người có thể bị tiêu diệt, nhưng không bao giờ thất bại. Điều này đúng cho cả các cá nhân lẫn các dân tộc. Quốc gia không phải chỉ là lãnh thổ, thành thị, sự thịnh vượng và ngay cả chính quyền nữa. Họ có thể bị quân đội ngoại xâm chiếm đóng, họ có thể tạm thời bị nô lệ. Họ có thể trở nên nghèo nàn về kinh tế. Nhưng linh hồn của một dân tộc vĩ đại thì không bao giờ bị chà đạp được.

Nói thế rồi, ông cho hay: “Bảo Tàng Viện Ford đảm nhiệm việc trông coi Chiếc Cầu Thang Sài Gòn nhân danh một dân tộc như thế. Tôi hy vọng một ngày nào đó, chiếc cầu thang này sẽ được hoàn lại cho một Việt Nam tự do”. Ông Ford góp phần làm mất Việt Nam Tự Do, nay ông chỉ còn biết dùng biểu tượng để khích lệ sự sống dậy của Việt Nam Tự Do ấy. Dĩ nhiên, ông không thể vực dậy một Việt Nam như thế, khối người Việt Tự Do ở hải ngoại lẫn ở trong nước đang và sẽ làm được việc ấy.

Thất bại và phục sinh

Lễ Phục Sinh tuy không nhất định vào ngày nào trong năm, nhưng phần lớn xẩy ra trong tháng Tư. Năm nay Lễ ấy rơi vào ngày 12, và Chúa Nhật vừa qua là Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Phục Sinh. Phúc âm là đoạn Luca 24:35-48, thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra với các Tông Đồ tại Giêrusalem, sau biến cố Emmaus. Trong lần hiện ra này, Người dùng Thánh Kinh mà “mở trí” cho các ông hiểu: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (câu 46).

Sau khi đặt câu hỏi trên đây, linh mục O’Leary cho hay: muốn trả lời được câu hỏi ấy, ta phải dựa vào câu truyện Phục Sinh, vì Phục Sinh cũng gợi nhớ một thất bại: Chúa Giêsu bị phản bội bởi một trong các môn đệ của mình và bị những môn đệ còn lại bỏ rơi. Người bị địch thủ gài bẫy, rồi bị kết án tử một cách lầm lẫn và chết trên cây thập tự. Nói đúng hơn, câu truyện Phục Sinh không thể tách biệt khỏi câu truyện thất bại.

Chỉ có điều, thất bại ấy đã được biến đổi để trở thành chiến thắng. Vì quả thực, Chúa Giêsu đã chỗi dậy từ cõi chết để bước vào sự sống mới, một sự sống thuộc về Người vĩnh viễn. Phục sinh không còn là giấc mơ hay hoài mong mà là một sự thật, một thực tại. Chúa Kitô đứng giữa các môn đệ không phải là một bóng ma, một linh thể, mà là Chúa hàng sống của họ. Chiến thắng của Chúa Kitô có được là nhờ một thất bại biểu kiến. Cử hành Phục Sinh là cử hành cả đau thương, thất bại, lẫn chiến thắng vinh quang. Và vì thế, Phục Sinh là đỉnh cao của cả Anzac Day lẫn ngày 30 tháng Tư. Người Công Giáo Việt Tự Do ở Úc, vì thế, thấy mình thật gần gũi với các anh chị em Úc chính gốc khác, nhất là các anh chị em Úc Công Giáo.

Bài hát kết thúc thánh lễ Chúa Nhật Thứ Ba Phục sinh tại giáo xứ Regina Coeli (Nữ Vương Thiên Đàng), được Thúy, một thiếu nữ Việt Nam, đệm đàn là bài hát của Dan Schutte, tựa là City of God, quả là thích hợp cho chủ đề thất bại, thành công, chết chóc, sống lại: Awake from your slumber! Arise from your sleep! A new day is dawning for all those who weep. The people in darkness have seen a great light. The Lord of our longing has conquered the night. Let us build the city of God. May our tears be turned into dancing! For the Lord, our light and our love, has turned the night into day(Hãy tỉnh giấc ngủ mê! Hãy chỗi dậy từ giấc ngủ! Một ngày mới đang bừng dậy cho mọi người đang khóc. Người trong bóng tối đã thấy ánh sáng vĩ đại. Chúa ta thuộc về đã chiến thắng đêm đen. Ta hãy xây thành Thiên Chúa. Hãy biến nước mắt ta thành múa nhẩy! Vì Chúa, ánh sáng và tình yêu ta, đã biến đêm thành ngày).