Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đang gióng lên tiếng báo động về tình trạng Kitô giáo mất dần ảnh hưởng và các giá trị luân lý ngày một xuống thấp tại Anh Quốc. Trong một bài báo đăng trên tờ Dunday Telegraph ngày 27 tháng Sáu vừa qua, vị giám mục Anh giáo tên Paul Richardson đã quả quyết: Anh không còn là một quốc gia Kitô giáo nữa. Vị giáo chủ Anh giáo này cũng chỉ trích các đồng nhiệm giám mục của mình đã không hiểu đầy đủ tính cách nghiêm trọng của sự thay đổi này đối với nền văn hóa đương thời, và đã không xử lý kịp thời đối với cuộc khủng hoảng đức tin nghiêm trọng hiện nay. Theo giám mục Richardson, tính trung bình, chỉ có khoảng 1% tín hữu Anh giáo tham dự các buổi phụng vụ Chúa Nhật. Ngài cảnh cáo rằng với tỷ lệ này, khó lòng giáo hội có thể sống còn trong 30 năm tới. Ngài cũng ghi nhận rằng trong hai năm 2006 và 2007, chỉ có 128 trẻ sơ sinh trong số 1,000 em đã được rửa tội trong Giáo hội Anh giáo, trong khi năm 1900, con số ấy là 609 em.

Một ngày trước đó, trên tập san Times, Ngài Jonathan Sachs, trưởng giáo sĩ Các Cộng Đoàn Do Thái Hiệp Nhất của Thịnh Vượng Chung, than phiền về tình trạng thiếu qui luật luân lý chung tại Anh. Suy nghĩ về cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay và những tiết lộ mới đây liên quan đến xì-căng-đan tiêu sài hoang phí của các vị dân cử Nghị Viện, vị trưởng giáo sĩ này cho rằng những vấn đề ấy và nhiều vấn đề khác là kết quả của việc mất niềm tin trong xã hội.

Tuy nhiên, theo ông, vấn đề nằm bên dưới còn nghiêm trọng hơn nhiều: đó là việc đánh mất ý thức truyền thống về luân lý tính. Ông cho rằng chúng ta khá đạo đức ở một vài phương diện như đối với vấn đề nghèo đói trên thế giới hay hiện tượng hâm nóng hoàn cầu, nhưng những phương diện ấy xa vời và có tính hoàn cầu quá. Còn khi va chạm các vấn đề có liên quan gần gũi hơn với chính cuộc sống của ta, ta đánh mất ý thức thế nào là đúng thế nào là sai đối với chính tác phong của mình. Thay vào đó, có những lựa chọn, chỉ có điều các lựa chọn này được thị trường điều hợp; còn nhà nước thì xử lý các hậu quả, khi có chuyện chẳng lành. Theo vị giáo sĩ này, chẳng ích lợi chi khi chữa chạy triệu chứng bằng cách ban hành thêm luật lệ và hệ thống theo dõi. Không có một qui luật luân lý chung, không thể có một xã hội tự do.

Một vài con số thống kê

Một vài cuộc thăm dò mới đây cho thấy các ưu tư của các nhà lãnh đạo tôn giáo không hẳn là vô căn cứ. Một cuộc nghiên cứu do nhà xuất bản Penguin thực hiện đã cho rằng gần 2/3 thiếu niên không tin Thiên Chúa. Theo một phúc trình ngày 22 tháng Sáu đăng trên nhật báo Telegraph, một cuộc nghiên cứu 1,000 thiếu niên cho thấy 59% nghĩ rằng tôn giáo gây ảnh hưởng tiêu cực đối với thế giới. Cuộc điều tra này cũng tiết lộ rằng phân nửa số người được thăm dò cho biết họ không bao giờ cầu nguyện và 16% chưa bao giờ tới nhà thờ.

Một tuần sau, nhật báo Independent công bố kết quả một cuộc thăm dò về kiến thức Thánh Kinh. Ngày 29 tháng Sáu, bài báo ấy cho thấy khá nhiều người không biết gì tới các truyện kể và các nhân vật chủ chốt trong lịch sử Kitô giáo. Điều này được kết quả sơ khởi của Cuộc Thăm Dò Toàn Quốc Về Sự Hiểu Biết Thánh Kinh, do Trường Cao Đẳng Thánh Gioan tại Durham thực hiện, củng cố. Cuộc thăm dò này cho thấy chỉ khoảng 10% biết tới các nhân vật chính trong Thánh Kinh và sự liên quan ăn có của họ. Đến 60% không biết cả câu truyện Người Samaritanô Nhân Hậu và các nhân vật như Ápraham và Giuse.

Cũng theo bài báo trên, mục sư Anh giáo của nhà thờ Thánh Gioan là David Wilkinson nói rằng hậu quả của việc dốt nát ấy trầm trọng hơn là việc không biết Thánh Kinh. Vì muốn hiểu lịch sử và nền văn hóa của ta, ít nhất cũng là nghệ thuật, âm nhạc và văn chương của ta, điều chủ yếu là phải hiểu các truyện kể và các nhân vật trên đây trong Thánh Kinh, vì phần lớn lịch sử và nền văn hóa ấy có liên hệ mật thiết với các chủ đề Thánh Kinh.

Sự dốt nát ấy chính là sự dốt nát được nhà vô thần khét tiếng là Richard Dawkins hết lòng cổ võ. Một bài báo trên tờ Guardian ngày 28 tháng Sáu cho hay ông ta đang tổ chức một trại hè vô thần vào năm nay tại Anh Quốc, đặt tên là Trại Truy Tầm Anh Quốc, một trại hè “thoát ly các tín điều tôn giáo”. Hình như trại hè do Qũy Richard Dawkins bảo trợ ấy đã được giữ chỗ hết.

Trôi xa

Trong một bài đăng trên nhật báo Telegraph ngày 5 tháng Tư, nhân dịp từ chức khỏi giáo phận Rochester, giám mục Anh giáo là Michael Nazir-Ali cho rằng: trong gần 15 năm tại chức, ngài “đã chứng kiến cảnh đất nước cứ mỗi ngày một trôi xa hơn khỏi bến bờ Kitô giáo của nó”. Theo ngài, điều này sẽ dẫn tới cảnh thả lỏng mọi trói buộc của luật pháp, phong hóa và giá trị, khiến ta mất đi căn tính và sự cố kết. Giống giáo sĩ Sacks, ngài nhận định rằng xã hội “cần một cái vốn gồm các giá trị chung và sự thừa nhận một số đức hạnh có thể góp phần vào việc triển nở của bản thân và xã hội”. Ngài viết thêm: “Các ý niệm của ta về tính thánh thiêng của con người nhân bản ở mọi giai đoạn của sự sống, về sự bình đẳng và các quyền tự nhiên và, do đó, về tự do, đã được minh chứng là phát sinh từ truyền thống bắt rễ trong Thánh Kinh”.

Bán linh hồn

Vị tân lãnh đạo của Công Giáo Anh và Wales, Đức Tổng Giám Mục Vincent Nichols, cũng đề cập đến cùng một chủ đề trên ngay sau khi được chỉ định làm Tổng Giám Mục Westminster. Trong một bài báo đăng trên nhật báo Telegraph ngày 29 tháng Ba, ngài quả quyết rằng Anh Quốc đã bán linh hồn mình khi theo đuổi một lý do hoàn toàn thế tục. Hậu quả là đức tin bị đẩy lùi vào lãnh vực tư và người ta chỉ còn biết rút tỉa các giá trị từ các nguồn thế tục và vật chất. Không những các chính khách Nước Anh sống trong một thế giới hoàn toàn thế tục và vật chất, họ còn cấm cản người ta xem sét, đắn đo một cách trưởng thành vai trò chủ chốt của niềm tin tôn giáo trong xã hội. Các nhận định của Đức Tổng Giám Mục Nichols đã được đăng trong một cuốn sách bình luận mới đây tựa là “Đất Nước Đã Quên Thiên Chúa” (The Nation That Forgot God).

Nhất trí với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác, Đức Tổng Giám Mục Nichols cũng nhấn mạnh rằng việc thiếu gắn bó xã hội sẽ xẩy ra khi không có những nguyên tắc và giá trị luân lý chung. Quan điểm thế tục, quá lỏng lẻo về con người nhân bản đã bị hiểu lầm và chắc chắn vô giá trị.

Vị tiền nhiệm của ngài, là Đức Hồng Y Cormac Murphy-O'Connor, cũng có cái nhìn tương tự. Trong một tường thuật ngày 6 tháng Mười Hai năm rồi của tờ Telegraph, vị hồng y này đã nhận định rằng Nước Anh đã trở nên một nơi “bất thân thiện” khiến con người tôn giáo không thể sống được nữa. Các nhận định của ngài cũng xuất hiện trong một cuốn sách bình luận tựa là “Đức Tin Trên Đất Nước” ( Faith in the Nation). Việc xuất hiện chủ nghĩa duy thế tục đem lại một xã hội thù nghịch đối với Kitô giáo, và nói chung niềm tin tôn giáo bị coi như “một thứ lệch lạc thuộc phạm vi tư”

Đức Hồng Y Murphy-O'Connor cũng nhận định rằng chủ nghĩa vô thần ngày nay còn hung hăng hơn bao giờ hết và hiện có một thiểu số to tiếng luôn bô bô rằng tôn giáo không hề có chỗ đứng nào trong xã hội hiện đại.

Các bằng chứng thống kê cho thấy các âu lo trên có đầy đủ cơ sở. Tờ Telegraph ngày 8 tháng Giêng tường trình rằng con số các vụ kết hôn cử hành trong các nhà thờ Công Giáo tại Anh và Wales, trong thập niên qua, đã giảm đi khoảng một phần tư. Năm 2000, có tất cả 13,029 vụ kết hôn Công Giáo, trong khi năm ngoái con số ấy chỉ là 9,950 vụ. Cũng theo tờ Telegraph, tại Anh và Wales, hiện nay, chỉ có một phần ba các cuộc hôn nhân được cử hành theo tôn giáo.

Rất nhiều bằng chứng cho thấy sự sa sút tôn giáo tại Anh và Wales và điều còn lo âu hơn nữa là việc chưa nhận diện được phải làm thế nào để xoay chiều hiện trạng này.