Từ Hội Thừa sai Paris đến Sở Kiện

‘‘Một lòng sắt son, xưa chịu gươm đao gông cùm trăn trói, lướt thắng gian lao ghi chiến công để muôn đời’’ (Hải Linh). Chiếc gông (cangue) mang trên cổ Đức Cha Pierre Borie (1808-1808) là chứng tích tử đạo đất Việt thứ nhất của phòng Tử đạo - Hội Thừa sai Pari,s khánh thành năm 1848. Phòng Tử đạo là một phần đất Việt giữa lòng thủ đô Paris. Xiềng xích gôm cùm trưng bầy làm sống lại trang sử bách hại đẫm máu. Bút tự của các thánh tử đạo viết trên giấy bản là bản hùng ca, lấy nhân nghĩa mà thắng bạo tàn. Hội Thừa sai Paris không chỉ có công thiết lập phòng chứng tích tử đạo. Chính các cha Thừa sai đã hòa chung máu đào, cùng con dân nước Việt viết nên tranh sử hùng anh của Giáo hội.

Ý nghĩa này đươc thể hiện qua lịch trình mục vụ của linh mục Etcharren. Sau lễ thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn Tử đạo (20-11-2009), ngày 21-11-2009, vị bề trên tổng quyền khả kính, một lòng sắt son thủy chung với Giáo hiội Việt Nam đã tháp tùng Đức Hồng Y André Ving-Trois, tổng giám mục Paris, để cùng hàng Giáo phẩm Việt Nam cử hành Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010 ngày 24-11 tại Sở Kiện, nơi cất giữ nhiều chứng tích tử đạo Việt Nam.

Năm 1912, Sở Kiện là nơi đón tiếp nhiều vị giám mục và linh mục Thừa sai dự công đồng Bắc kỳ lần II. Sau gần 1 thể kỷ, cũng địa danh này được vinh dự nghênh đón Đức Hồng Y André Vingt-Trois và linh mục bề trên tổng quyền Hội Thừa sai Paris Jean-Baptiste Etcharren cùng với hàng Giáo phẩm Việt Nam khai mạc Năm Thánh. Theo thông báo của Hội đồng Giám mục Việt Nam, ‘‘Năm Thánh 2010 sẽ được khai mạc trọng thể tại Sở Kiện thuộc Tổng giáo phận Hà Nội vào ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 24-11-2009. Các Thánh Tử Đạo đã nhiệt tâm làm chứng cho đức tin đến độ dám hi sinh cả mạng sống. Máu các ngài đổ ra đã tưới thắm mảnh đất quê hương, trở nên hạt giống làm nẩy sinh nhiều cộng đòan tín hữu trên đất nước Việt Nam…” Như vậy, nguyện đường Hiển linh của Hội Thừa sai Paris và thánh đường Sở Kiện đều là ‘‘cái nôi ươm trồng biết bao ý chí thánh thiện thừa sai cũng như lưu giữ các chứng tích thánh thiêng anh hùng, ươm trồng biết bao ý chí thánh thiện thừa sai cũng như lưu giữ các chứng tích thánh thiêng anh hùng’’ như khai từ của linh mục Phạm Công Văn nói trên. Ngày 17-12-2008, ngôi giáo đường lịch sử nằm bên bờ sông Đáy đã được Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt nâng lên hàng đền thờ các Thánh Tử đạo. Sau công đồng Bắc kỳ II cách đây gần 100 năm, Sở Kiện có dịp chứng kiến thêm trang sử Năm Thánh 2010 hào hùng của Giáo hội Việt Nam.

- Ngày 20-4-1843, linh mục Phaolô Lê Bảo Tịnh đã gửi các chủng sinh Kẻ Vĩnh di ngôn sau đây: “Tôi, Phaolô, đang bị xiềng xích vì Chúa Kitô. Tôi xin tường thuât lại những gian nan khốn khó. Lao tù này là hình ảnh sống động của hỏa ngục đời đời. Xin anh em khẩn nguyện với Vua quyền năng dũng mãnh ban cho tôi đủ gan dạ chiến thắng. xin thương đến tôi vì tay Chúa đã đụng chạm đến tôi.” Lạy Chúa, Chúa đã cảm nghiệm vâng lời khó khăn là dường nào. Mỗi ngày Chúa nhìn thấy tôi tớ Chúa bị còng chân tay, bị đeo gông xiềng xích, bị đủ mọi thứ gian nan. Xin Chúa hãy biểu dương uy quyền của Chúa, xin hãy cứu thoát và nâng đỡ con, để trong thân xác yếu hèn này cả trăm họ sẽ nhìn thấy và ca tụng sự dũng mãnh của Chúa.” Tuy nhiên tôi vẫn tạ ơn Chúa, vì Ngài đã chọn sự yếu đuối để làm cho sự hung mạnh phải bẽ mặt, đã chọn sự hèn mọn để đả phá sự cao sang. Tôi vẫn hân hoan vì đâu tôi có đơn thương độc mã mà luôn có Chúa ở cùng. Chính Ngài, Thầy Chí Thánh, đã vác hết gánh nặng Thánh giá, tôi chỉ ghé vai chịu một chút phần đuôi. Nên tôi sẽ cam chịu tất cả những gian lao khốn khó ở đời này cho tới hơi thở cuối cùng. Giữa lúc cuồng phong vũ bảo. Tôi thả neo níu chặt vào ngai Chúa: đây là niềm tin tôi giữ mãi trong lòng.”

- Chứng từ của một linh mục Việt Nam trong Infos du Second Cycle, (Institut Catholique de Paris, 2009) đã viết: ‘‘Đức tin Công giáo gieo trồng trên mảnh đất Việt Nam vào thế kỷ XVI nhờ công trình của các cha thừa sai người Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện có 5 667 000 tín hữu; 3 tổng giáo phận; 23 giáo phận, 44 giám mục, 2 212 linh mục triều; 521 linh mục dòng; 1 778 tu sĩ không phải là linh mục, 11 443 nữ tu, 1 395 giáo dân truyền giáo; 50 605 giáo lý viên’’ (dịch từ bản tiếng Pháp).

Hội ngày mùa ‘‘Vui mừng và Hy vọng’’ trong Năm Thánh 2010 của Giáo hội Việt Nam có được là nhờ các linh mục thừa sai gieo Tin mừng từ thế kỷ XVI và khoảng 300 000 người nhuôm máu đào tử đạo trên mảnh đất quê hương vào thế kỷ XVIII và XIX, trong số có Thánh Anrê Dũng Lạc và 116 bạn tử đạo, được Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolô II phong hiển thánh ngày 19-6-1988, vì ‘‘Gieo trong đau thương sẽ gặt giữa vui mừng; đi khóc lóc u sầu sẽ về giữa muôn lời ca’’ (Tv 126,5-6).

‘‘Muôn lời ca’’cất lên từ Sở Kiện trong Thánh lễ khai mạc Năm Thánh (24-11-2009) sẽ hòa chung ‘‘ngàn tiếng hát’’ ngày mùa rộn rã khắp 3 giáo phận và 23 giáo phận, trong Năm Thánh và cũng là Năm Linh Mục: “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán, lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt, xin Chúa ban nhiều thợ biết nhiệt thành, để nước Chúa rộng lan khắp nơi…”

Paris, ngày 20 tháng 11 năm 2009