Món Quà Giáng Sinh: Lãnh nhận để trao ban chính bản thân mình

Vào những ngày cuối năm, trong cái vội vã tất bật của còn có niềm vui chuẩn bị đoàn tụ gia đình, họp mặt thân hữu…và từ lâu lắm rồi, Giáng Sinh đã là ngày lễ chung của cả gia đình nhân loại vào dịp cuối năm. Cho dù tin hay không tin có một Thiên Chúa đã nhập thể làm người ở giữa loài người, cho dù tin hay không tin có một trẻ thơ đã chào đời trong cái xó xỉnh mạt hạng để trở nên Đấng Cứu Độ trần gian, thì ai ai cũng cứ hân hoan chào đón ngày lễ Giáng Sinh, chuẩn bị những cuộc vui thâu đêm bên gia đình, bạn hữu trong muôn vàn thanh âm nhộn nhịp, reo vui trong từng sắc màu rực rỡ của những món quà đậm đà ý nghĩa…

Sr. Thanh Nga
Nói đến Giáng Sinh là nói đến quà tặng, các món quà thì muôn hình vạn trạng, nhưng “Món Quà Giáng Sinh” ý nghĩa nhất là gì đối với gia đình nhân loại? Đây chính là đề tài mà Nữ tu Lê Thị Thanh Nga, Dòng Đức Bà, thành viên nhóm Phiên dịch Kinh thánh Các Giờ Kinh Phụng Vụ, đã chọn để thuyết trình tại Trung tâm Mục Vụ TGP. Sài Gòn chiều ngày thứ Bảy 18/12/2010.

Mùa Giáng Sinh là mùa của yêu thương, mùa của tặng quà, những món quà dù người nhận thích hay không thích cũng thể hiện tấm lòng của người tặng quà. Không phải chỉ Lễ Giáng Sinh người ta mới chuẩn bị quà, không phải người Công Giáo mới chuẩn bị quà mà người ta tặng quà trong nhiều dịp khác nhau. Có những món quà được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng cũng có những món quà hết sức sơ sài. Có những món quà khiến người ta tò mò muốn sở hữu, cũng có món quà thì khó lòng đoán biết để mà thèm thuồng. Có những món quà khi nhận được người ta reo vui và cũng có những món quà người ta mở ra vội vàng để rồi chẳng buồn cất đi. Có những món quà của người nào đó khi mở ra thì những người xung quanh trầm trồ thầm ước mong “phải chi tôi cũng được món quà ấy”…

Có một món quà mà Sr. Thanh Nga đã không thể không tiếp nhận, không thể không mang đến chia sẻ với mọi người trong mùa Giáng Sinh năm nay. Đó là một món quà rất thâm trầm mà tất cả mọi người đã được lãnh nhận từ hơn hai mưa thế kỷ nay, nhưng người ta ít khi nào nghĩ đến, đó chính là món quà Ngôi Lời nhập thể mà Thiên Chúa đã trao tặng cho nhân loại.

Thiên Chúa đã chuẩn bị món quà dành cho nhân loại trong kế hoạch yêu thương của Người. Từ hàng ngàn năm trước, khi dân Israel lâm cảnh khốn đốn, mất niềm tin vào Thiên Chúa, thì chính lúc ấy, lời ngôn sứ Isaia vang lên, khẩn thiết kêu gọi mọi người đừng tin vào thế lực của con người vì là dân riêng của Thiên Chúa, một dân đã tuyên xưng chỉ tin vào một Thiên Chúa mà thôi. Thiên Chúa chuẩn bị cho dân này đón nhận món quà để họ ý thức được mình được Thiên Chúa cứu thoát qua lời ngôn sứ Isaia nói với toàn dân Israel: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en (Is 7,14). Thiên Chúa sẽ ban cho một dấu riêng để bảo đảm sự tồn tại của Israel, khi ông Isaia báo cho dân này biết rằng ‘Thiên-Chúa-Ở-Cùng-Chúng-ta’, ông đã động viên toàn dân của mình: “Nghe đây, hỡi Israel… đừng sờn lòng, đừng sợ hãi, đừng hoảng hốt, đừng run khiếp…vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng đi với anh em” (Đnl 20,3-4).

Thiên Chúa sẽ “chẳng bao giờ ruồng bỏ” dân của mình khi Ngôn sứ Giô-en viết: “Các ngươi sẽ biết rằng, giữa Israel có Ta hiện diện, Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các ngươi, không có Chúa nào khác. Và dân Ta sẽ chẳng bao giờ xấu hổ nữa” (Giô-en 2,27)

Món quà thật lạ lùng tuyệt diệu mà ông Isaia đang loan báo cho dân Israel chính là dấu chỉ ‘Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta’, thể hiện một Thiên Chúa đi với dân, ở giữa dân, chẳng bao giờ ruồng bỏ họ để họ luôn cảm nghiệm được một sức mạnh rất mạnh mẽ để kín múc. Ông Isaia nhấn mạnh tiếp về món quà mà dân Israel sẽ đón nhận: “…một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ thực hiện điều đó” (Is 9,5-6).

Món quà ‘Emmanuel’ sẽ “gánh vác quyền bính trên vai”, và được nhìn nhận là con Đấng Thánh, Đấng Tối cao và là vua dân Israel với các danh hiệu: Cố vấn kỳ diệu, Thần linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ lãnh hòa bình. Và “vì yêu thương nồng nhiệt”, Thiên Chúa mời gọi dân Israel đón nhận: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi. Án lệnh phạt ngươi, ĐỨC CHÚA đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa. Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là ĐỨC CHÚA. Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ. Ngày ấy, người ta sẽ bảo Giê-ru-sa-lem: "Này Xi-on, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời". ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội” (Xp 3, 14-18).

Thiên Chúa đã chuẩn bị món quà cho dân Israel thật chu đáo để người người hân hoan lãnh nhận và chia sẻ. Và người đầu tiên đón nhận đón nhận món quà chính là Đức Maria, thiếu nữ Sion, thiếu nữ thành Giêrusalem, một trinh nữ bình thường như mọi thiếu nữ trong dân Israel thời bấy giờ. Khi nhìn ngắm những gương mẫu nhận món quà này chúng ta sẽ nhìn nhận lại cách mà mình nhận món quà từ Thiên Chúa như thế nào qua biến cố Truyền tin loan báo Chúa Giêsu nhập thể làm người (Lc 1, 26-38):

Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà: Theo Luca, Đức Maria là người được Thiên Chúa sủng ái, được đầy tràn ân sủng vì có Chúa ở cùng. Thiên Chúa đã trân trọng Đức Maria qua lời chào của Sứ thần Gabriel, nên tự trong bản chất lời chào đã là món quà cho Đức Maria. Sức mạnh của Thiên Chúa trong cái tên Gariel là món món quà tiếp nối để chuẩn bị cho Đức Maria đón nhận nội dung của món quà.

Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Cả câu thể hiện niềm xác tín của dân Israel xưa Thiên Chúa là Đấng sáng tạo, là Thần Khí tác sinh sự sống cho con người và nay đang tuôn đổ tràn trề trên Đức Maria, trao cho Đức Maria cưu mang mầm sống mới cho nhân loại. Quà tặng quyền năng làm cho Đức Maria trở nên ngôi nhà cho Thiên Chúa cư ngụ, trở nên Hòm Bia cho Giao Ước mới.

Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được: một bà Elisabeth già cả hiếm hoi được Thiên Chúa ban tặng cho một đứa con đã là điều khó hiểu, cho nên khi Đấng sáng tạo làm cho Trinh nữ Maria không chồng mà sinh con trẻ lại càng trở thành vấn nạn lớn cho nhân loại. Nhưng đó lại là “dấu chỉ” quyền năng Thiên Chúa, dấu chỉ mà Isaia đã loan tin “chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14).

Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói: Đức Maria đã đón nhận món quà của Thiên Chúa trong khiêm nhu khi lên tiếng xin vâng và nhận mình chỉ là nữ tỳ thấp hèn bằng sự tự do hoàn toàn trong phẩm giá con người. Đức Maria đã can đảm vâng phục theo kế hoạch Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng Sáng Tạo dù phải trả giá bằng danh dự, bằng chính mạng sống mình, dù biết mình có thể sẽ phải chịu sỉ nhục, chịu ném đá tới chết.

Những người sống cùng thời với Đức Maria đón nhận quà tặng này như thế nào. Ngày Lễ Giáng Sinh ở đoạn Lc 2,1-20 cho ta thấy “những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật” đã đón nhận Tin Mừng trọng đại trong vội vã, hối hả lên đường, không chút do dự, để tìm kiếm Hài Nhi. Khi đã tìm gặp được dấu lạ, họ “ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ”.

Trong khi đó, Đức Maria tiếp tục suy đi gẫm lại trong lòng Món Quà Thiên Chúa đã trao ban. Tâm tình hoan ca ngợi khen Chúa trước mặt người chị họ khi đón nhận và cưu mang sự sống nay càng thấm sâu vào tận đáy lòng tĩnh lặng của Đức Maria. Thái độ đón nhận quà này được nối tiếp nơi chân thập giá, khi Đức Maria đứng nhìn thấy cái chết của con mình cũng chính là lúc tiếp tục đón nhận món quà sự sống mà Thiên Chúa muốn trao gởi cho cả nhân loại trong lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá “Này là con bà”. Theo cách diễn tả của Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã “trút Thần Khí” nghĩa là chủ động trao sự sống, và Đức Maria tiếp tục lãnh nhận món quà sự sống mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua cái chết của Đức Giêsu.

Bên cạnh tất cả những người đã đón nhận món quà đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho con người, các tác giả Tin Mừng cũng nhắc lại thái độ không đón nhận món quà trong nhân loại, nhất là trong dân Israel thời bấy giờ. Tin Mừng Ga 1,9-14 cho biết: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật”.

Có những người đã không nhận biết, không đón nhận hay chưa đón nhận món quà nhưng tác giả Tin Mừng vẫn khẳng định vinh quang tình yêu của Thiên Chúa, không có sức mạnh nào, thế lực nào có thể hủy diệt, để ai tin và đón nhận thì được sống trong tư cách là con Thiên Chúa. Món quà Giáng Sinh vẫn được tiếp nối từ Bêlem đến Samari qua câu chuyện Chúa Giêsu gặp người thiếu phụ Samari bên bờ giếng Giacóp ở Ga 4,3-26 để khẳng định rằng hễ ai tin thì được đón nhận Tin Mừng sự sống, hễ ai tin thì đón nhận quà tặng của Thiên Chúa.

Tin Mừng Giáng Sinh ở Bêlem diễn ra trong một đêm khuya, nhưng bừng sáng vì đó là tin vui trọng đại. Ở Samaria lại là câu chuyện lúc 12 giờ trưa, là giờ ánh sáng tràn đầy nhất của một ngày, giờ gặp gỡ của một thiếu nữ được xem là chẳng ra gì với Đức Giêsu là một người tầm thường thời bấy giờ. Người thiếu nữ đã chọn giờ thanh vắng đi kín nước để chỉ có một mình vì bà là người có nhiều chồng không ai tiếp xúc. Nhưng chính giờ thanh vắng lại là giờ của huy hoàng khi Chúa đụng chạm vào thâm sâu của lòng bà làm cho bà biến đổi tận căn. Khi người thiếu phụ ngạc nhiên biết được người đối diện cho hay “tôi cho nước mà không phải khát nữa, nước đó là sự sống đời đời” thì bà không cần kín nước nữa mà tức tốc chạy ngay trở về với làng xóm của mình và thuật lại hết tất cả những gì bà đã nghe, đã tiếp cận với Đức Giêsu để mọi người phải biết đến ông ấy.

Những người khác khi nghe bà kể lại đã tuốn đến mà xem, vì vậy, “khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày”. Khi Đức Giêsu ở lại thì một tương quan đã được thiết lập, nơi đó, quà tặng đã được chuyển lưu và tiếp nhận. Tương quan này có được thông qua kinh nghiệm của người thiếu phụ được Chúa Giêsu đụng chạm đến và cảm nhận được chính Chúa Giêsu là lời hằng sống, là mạch nước làm cho bà ta sống đời đời. Dân làng không chỉ tin vì lời người phụ nữ kể mà còn tin vì “đã nghe và biết” chính Đức Giêsu: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian”, qua đó quà tặng đã được đón nhận.

Tất cả những biến cố từ Truyền Tin ở Bêlem đến câu chuyện bên bờ giếng ở Samaria tưởng chừng không thể xảy ra nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị để trao ban cho nhân loại bằng tất cả sự tôn trọng. Món quà Giêsu dành cho tất cả những người tin, dù là kẻ giàu hay người nghèo, Do-thái hay Hy-lạp, đàn ông hay đàn bà, người lớn hay kẻ nhỏ, cao trọng hay bần hèn, ở Bêlem hay Samari. Ơn Cứu Độ không thể thực hiện được nếu biến cố Bêlem chấm dứt, các tác giả Tin Mừng không ngừng kể lại các biến cố để Tin Mừng được rao truyền làm cho người ta mở lòng ra đón nhận quà tặng sự sống của Thiên Chúa và xác tín Đức Kitô là Đấng Cứu Độ, là Đấng giải thoát người ta khỏi vòng nô lệ và cho người ta sống tự do.

Ngày hôm nay chúng ta vẫn đang tiếp tục được đón nhận món quà đó, thời đại chúng ta khó mà tiếp nhận được món quà của đức tin vì người ta cần kiểm chứng, cần xác thực. Nhưng quà tặng Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ ở giữa chúng ta lại đòi buộc chúng ta phải để chính mình được Đấng trao tặng đụng chạm tới, để Thiên Chúa khơi lên lòng khát khao muốn đón nhận quà tặng này. Với lòng tin đón nhận, chúng ta biết được Thiên Chúa ở với chúng ta và làm cho chúng ta trở nên hình ảnh đích thực của Thiên Chúa. Chúa Cha đã gói ghém người Con của mình để trao cho chúng ta. Ngôi Lời đã mang lấy thân phận làm người và chính trong xác phàm, Ngài đã chấp nhận cái chết để trao lại cho chúng ta sự sống. Cha trao tặng Con, Con trao tặng chính bản thân xác phàm Đức Giêsu cho chúng ta. Chúng ta khám phá nơi bản thân mình, sự sống mình đang đón nhận chính là quà tặng quý báu Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua cái chết của Đức Giêsu. Qua Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta thấy Thiên Chúa đã trao tặng cho chúng ta quà tặng quý báu như thế nào về chính bản thân mình.

Cũng giống như Người Con đã được Cha trao tặng cho chúng ta, mỗi người trong chúng ta là những món quà để đem trao tặng. Chúng ta cần khám phá ra quà tặng nơi mình để gói ghém ân sủng này thành quà tặng cho những người khác, liệu chúng ta có dám làm điều đó không? Vượt qua hết tất cả những ồn ào tất bật bên ngoài, chúng ta cần có những giờ phút tĩnh lặng để nghiền ngẫm lại món quà là chính bản thân mình. Chúng ta cần gói ghém như thế nào để đem trao tặng cho người khác, để rồi trong món quà này, người khác lại khám phá ra có một Thiên Chúa ở cùng chúng ta, nghĩa là có một Đức Giêsu mặc lấy xác phàm và đã đụng chạm đến chúng ta để chúng ta được biến đổi. Biến đổi là được yêu thương, tình yêu thương đó cần được chia sẻ cho người khác, đó là những gì mà món quà đích thực mà Thiên Chúa trao ban cho nhân loại trong mùa Giáng Sinh.

Giáng Sinh 2010,

Nguyễn Hoàng Thương