Ngày 30 tháng 5 vừa qua, Thánh bộ Giáo dân, Gia đình, và Sự Sống đã phát động một sáng kiến mới có tên là Hiệp ước Hoàn cầu về Gia đình [the Family Global Compact] nhằm cổ vũ đời sống gia đình.

Sáng kiến trên được sự chúc lành của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trong thông điệp ủng hộ sáng kiến này, Đức Phanxicô quả quyết rằng sự lành mạnh của gia đình “có tính quyết định đối với tương lai thế giới và tương lai Giáo Hội”.



Mục đích của sáng kiến là “giúp việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình trong các Giáo Hội đặc thù hưởng được lợi ích từ việc nghiên cứu và các chương trình giáo dục và huấn luyện trong các đại học Công Giáo”. Để đạt mục đích này, dự án sẽ liên kết với các trung tâm nghiên cứu Công Giáo, khuyến khích các công trình của họ về đời sống gia đình, và cung cấp cho các mục tử các phát kiến của họ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: “Các Đại Học Công Giáo có nhiệm vụ khai triển các cuộc phân tích thần học, triết học, luật học, xã hội học và kinh tế học sâu sắc về hôn nhân và gia đình, ngõ hầu đề cao tầm quan trọng của chúng bên trong các hệ thống tư duy và hành động đương thời”.

Mời bạn đọc đọc thông điệp của Đức Phanxicô và Lời Dẫn Nhập của tài liệu “Hiệp ước Hoàn cầu về Gia đình”

Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhân dịp phát động Hiệp ước Hoàn cầu về Gia đình

Anh chị em thân mến!

Trong Tông Huấn Amoris Laetitia, tôi bày tỏ niềm xác tín của mình rằng “hạnh phúc của gia đình có tính quyết định đối với tương lai của thế giới và tương lai của Giáo Hội” (Số 31). Với suy nghĩ này, tôi mong muốn hỗ trợ Hiệp ước Hoàn cầu về Gia đình, một kế hoạch hợp tác nhằm đưa việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình vào cuộc đối thoại với các trung tâm nghiên cứu và tìm tòi về gia đình đặt tại các trường đại học Công Giáo trên khắp thế giới. Một sáng kiến của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống và Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, Hiệp ước được lấy cảm hứng từ các nghiên cứu và tìm tòi về sự liên quan về văn hóa và nhân học của gia đình và những thách thức mới mà gia đình phải đối diện.

Mục tiêu có tính hiệp lực: giúp cho việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình trong các Giáo hội đặc thù được hưởng lợi từ việc tìm tòi cũng như các chương trình giáo dục và huấn kuyện trong các trường đại học Công Giáo. Cùng nhau, các trường đại học và các chương trình thừa tác mục vụ có thể cổ vũ một cách hữu hiệu hơn nền văn hóa gia đình và sự sống trong thời điểm bấp bênh và phần nào thiếu hy vọng này. Dựa trên nền tảng vững chắc trong các thực tại hiện nay, một nền văn hóa như vậy sẽ giúp các thế hệ mới biết đánh giá cao đời sống hôn nhân và gia đình với những nguồn lực và thách thức của nó cũng như vẻ đẹp của việc tạo ra và nuôi dưỡng sự sống con người. Nói tóm lại, điều cấp bách cần thiết là “một nỗ lực có trách nhiệm và quảng đại hơn để trình bày… những động lực nhằm chọn hôn nhân và gia đình và bằng cách này, giúp con người nam nữ đáp trả tốt hơn ân sủng mà Thiên Chúa ban cho họ” (Amoris Laetitia, 35).

Các Đại Học Công Giáo có nhiệm vụ khai triển các cuộc phân tích thần học, triết học, luật học, xã hội học và kinh tế học sâu sắc về hôn nhân và gia đình, nhằm đề cao tầm quan trọng của chúng bên trong các hệ thống tư duy và hành động đương thời. Các nghiên cứu đã cho thấy một cuộc khủng hoảng trong các mối quan hệ gia đình, được thúc đẩy bởi các vấn đề cả ngẫu nhiên lẫn cấu trúc, mà nếu không có các phương tiện hỗ trợ đầy đủ từ xã hội, sẽ khiến việc tạo dựng một cuộc sống gia đình thanh thản trở nên khó khăn hơn. Đây là một lý do tại sao nhiều người trẻ chọn các loại quan hệ tình cảm không ổn định và không chính thức thay vì hôn nhân. Đồng thời, các cuộc khảo sát cho thấy rõ rằng gia đình tiếp tục là nguồn chính của đời sống xã hội và chỉ ra sự hiện hữu của những thực hành tốt xứng đáng được chia sẻ và cổ vũ khắp hoàn cầu. Chính các gia đình có thể và nên là nhân chứng và người lãnh đạo trong diễn trình này.

Hiệp ước Hoàn cầu về Gia đình không phải là một chương trình tĩnh tụ nhằm kết tinh một số ý tưởng, mà là một diễn trình được cấu trúc theo bốn mục tiêu, tức là:

1. Khởi xướng một tiến trình đối thoại và hợp tác nhiều hơn giữa các trung tâm nghiên cứu và tìm tòi đại học đang xử lý các vấn đề gia đình, nhằm làm cho các hoạt động của họ có năng xuất hơn, đặc biệt bằng cách tạo ra hoặc phục hồi các mạng lưới gồm các học viện của đại học được học thuyết xã hội của Giáo hội truyền cảm hứng.

2. tạo ra một hiệp lực lớn hơn về nội dung và mục tiêu giữa các cộng đồng Kitô giáo và các trường đại học Công Giáo.

3. cổ vũ văn hóa gia đình và sự sống trong xã hội, để các mục tiêu và nghị quyết chính sách công hữu ích có thể xuất hiện.

4. hài hòa và thúc đẩy các đề xuất phát sinh từ điều này, để việc phục vụ gia đình có thể được tăng cường và duy trì về mặt thiêng liêng, mục vụ, văn hóa, luật pháp, chính trị, kinh tế và xã hội.

Chính trong gia đình mà nhiều ước mơ của Thiên Chúa cho cộng đồng nhân loại được thực hiện. Do đó, chúng ta không thể cam chịu sự suy tàn của gia đình nhân danh sự không chắc chắn, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tiêu dùng, những điều mường tượng ra một tương lai trong đó các cá nhân chỉ nghĩ đến bản thân họ. Chúng ta không thể thờ ơ với tương lai của gia đình như một cộng đồng của sự sống và tình yêu, một giao ước duy nhất và bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, một nơi các thế hệ gặp gỡ, một nguồn hy vọng cho xã hội. Cần nhắc lại rằng gia đình có ảnh hưởng tích cực đến mọi người, vì nó tạo ra lợi ích chung. Các mối quan hệ gia đình lành mạnh là nguồn phong phú độc đáo, không chỉ cho vợ chồng và con cái mà còn cho toàn thể cộng đồng giáo hội và dân sự.

Tôi cảm ơn tất cả những người đã tham gia vào Hiệp ước Hoàn cầu về Gia đình và những người sẽ làm như vậy trong tương lai, và tôi mời họ cống hiến hết mình với óc sáng tạo và tự tin cho mọi sáng kiến có thể giúp, một lần nữa, đặt gia đình vào trung tâm của mục vụ và Cam kết cộng đồng.

Rôma, Thánh Gioan Latêranô, ngày 13 tháng 5 năm 2023

Dẫn nhập vào Hiệp ước Hoàn cầu về Gia đình

Năm 2021, nhân Năm "Gia đình Amoris Laetitia [Niềm vui Yêu thương]" do Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống và Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, với sự cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Gia đình Quốc tế [CISF], đã phát động một diễn trình tìm tòi và suy tư để tạo ra một Hiệp ước Hoàn cầu về Gia đình, tức là, một chương trình hành động chung nhằm cổ vũ gia đình trên khắp thế giới dưới ánh sáng Học thuyết Xã hội của Giáo hội.

Gia đình bắt nguồn từ “sự hợp tác mật thiết của đời sống hôn nhân và tình yêu giữa một người nam và một người nữ” (Gaudium et Spes 48), nơi thích hợp cho sự phát triển toàn diện con người và các mối tương quan liên vị, trách nhiệm và tình liên đới. Tuy nhiên, sự mong manh của các mối quan hệ gia đình và khó khăn ngày nay trong việc hiểu các nền tảng nhân học của hôn nhân, tính sinh sản, giá trị của sự sống và tình huynh đệ đòi hỏi các chiến lược hành động quyết đoán và hiệu quả hơn ở các bình diện văn hóa, giáo dục, xã hội và giáo hội, để các thế hệ mới có thể nhận ra, bảo vệ và đánh giá cao giá trị không thể thay thế của gia đình.

Điều này không loại trừ sự kiện là tất cả chúng ta đều được kêu gọi lưu ý đến, liên quan tới hoạt động mục vụ và chính trị, sự đa dạng của các hình thức gia đình mà phong tục và luật lệ của chúng ta đã quen thuộc với ngày nay; nhưng chúng ta không thể từ bỏ việc đề xuất rõ ràng một sứ điệp Kitô giáo liên quan đến vẻ đẹp của gia đình được xây dựng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, mà Đấng Tạo Hóa đã quan niệm như một định chế thần linh và nhân bản, nền tảng của xã hội.

"Trong một thời điểm đầy ấn tượng như thời điểm chúng ta đang sống vì chiến tranh [...] điều quan trọng là phải tạm dừng và suy gẫm về nền tảng của các mối quan hệ giữa con người với nhau, đúng hơn, về "vị trí" nhân học nơi mỗi con người được sinh ra, lớn lên và học cách tham gia vào các mối quan hệ với những người khác: gia đình, tế bào cơ bản của xã hội (x. Niềm vui Tin Mừng 66). Các điều kiện hòa bình được cấu trúc ở đó, cả bên trong lẫn bên ngoài chúng ta, và chúng ta học cách sống chung với sự đa dạng.

“Thực vậy, gia đình là nhân tố đầu tiên trong việc nhân bản hóa các cá nhân và đời sống xã hội, nhưng những khó khăn rõ ràng trong đó xuất hiện các mối quan hệ gia đình, hôn nhân và chính ý niệm tình yêu vốn phát sinh ra gia đình, đòi hỏi những điểm xem xét mới ngõ hầu hiểu được việc làm thế nào đặt ở trung tâm của suy tư học thuật, văn hóa và giáo hội những chiều kích nền tảng của gia đình giúp làm cho gia đình được tri nhận đúng với bản chất của nó: một thiện ích có tính tương quan đối với các cá nhân và đối với xã hội” (1).

Theo nghĩa này, mục tiêu của Hiệp ước Hoàn cầu về Gia đình là bảo đảm rằng Giáo hội và xã hội cùng nhau hành động để lên tiếng cho một suy nghĩ hoàn cầu về gia đình, vốn thực sự tôn trọng bản chất của gia đình, theo nhân học Kitô giáo: một cộng đồng của sự sống và tình yêu, giao ước bất khả phân ly giữa vợ chồng, tự hiến, giúp đỡ lẫn nhau, chung thủy, ổn định, sinh sản và giáo dục con cái, gặp gỡ các thế hệ, và đóng góp cho công ích (Gaudium et Spes 48ff.). Hoạt động mục vụ của Giáo hội cần phải tìm được sự hỗ trợ cụ thể trong công việc tư duy và nghiên cứu của các trường đại học và trung tâm văn hóa được gợi hứng bởi Học thuyết xã hội của Giáo hội. Các trung tâm này được kêu gọi nhận diện cẩn thận các chiến lược tìm tòi và đào tạo để khai triển các lập luận, phản hồi và các hướng hành động, kể cả trong phạm vi công cộng, để hỗ trợ cụ thể sứ mệnh truyền gảng Tin Mừng của Giáo hội trên thế giới, chuyển tải thông điệp Kitô giáo về gia đình. Cần phải có một nỗ lực chung để cổ vũ vai trò chủ đạo của gia đình trong nền kinh tế, trong xã hội, và trong việc phát triển của con người và ích chung. Gia đình, mặc dù đang gặp khó khăn, vẫn là cốt lõi của xã hội, và do đó, cần phải tìm ở đó các giải pháp cho các vấn đề xã hội.

Theo nghĩa này, Hiệp ước Hoàn cầu về Gia đình giả định rằng gia đình không những chỉ được công nhận như một chủ thể giáo hội, kinh tế, chính trị và xã hội của mọi cộng đồng nhân loại, nhưng cần phải làm cho các gia đình ngày nay nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của mình.

Ngoài ra, những thay đổi và tách biệt về cấu trúc, văn hóa và chuẩn mực ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình và chính khái niệm về gia đình (định nghĩa của nó) ngày nay dường như thách thức khả thể quy kết ý nghĩa chung của hạn từ "gia đình", thiên về phía triệt hạ các mối dây nối kết gia đình, sự ổn định và từ bỏ việc chào đón sự sống, những điều vốn hủy hoại chính bản sắc gia đình và giá trị của sự sống mới sinh, trong một xã hội ngày càng trở nên “hậu gia đình” và bị chi phối bởi não trạng gạt bỏ những người yếu thế nhất.

“Chúng ta biết rằng những thay đổi xã hội đang làm thay đổi điều kiện sống của hôn nhân và gia đình trên khắp thế giới. Hơn nữa, bối cảnh khủng hoảng kéo dài và nhiều mặt hiện nay đang gây áp lực lên các dự án gia đình bền vững và hạnh phúc. Tình trạng này có thể được phản hồi bằng cách khám phá lại giá trị của gia đình như là nguồn và gốc của trật tự xã hội, như tế bào sống động của một xã hội huynh đệ có khả năng chăm lo cho mái nhà chung. […] Theo nghĩa này, hôn nhân và gia đình không phải là những định chế thuần túy nhân bản, bất chấp nhiều thay đổi chúng đã hứng chịu qua nhiều thế kỷ và các khác biệt văn hóa và tinh thần giữa các dân tộc khác nhau. Ngoài tất cả những khác biệt, có những nét chung và vĩnh viễn cho thấy sự cao cả và giá trị của hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, nếu giá trị này được mang ra sống một cách duy cá nhân và riêng tư, như ở phương Tây, thì gia đình có thể bị cô lập và phân mảnh trong bối cảnh xã hội. Các chức năng xã hội mà gia đình thực hiện giữa các cá nhân và trong cộng đồng, nhất là liên quan đến những người yếu thế nhất, chẳng hạn như trẻ em, người khuyết tật và người già phụ thuộc, vì thế bị mất đi” (2).

Thực vậy, bất kể sự triệt hạ gia đình đương thời của chủ nghĩa duy cá nhân, gia đình vẫn luôn tiếp tục có tính tương quan rất chuyên biệt của nó như một nét khác biệt, nền tảng và không thể thiếu.

“Vốn qúy của gia đình không có tính kết tập [aggregative], nghĩa là, nó không bao gồm việc kết tập các nguồn lực của các cá nhân để gia tăng tiện ích của mỗi người, nhưng nó là một mối dây quan hệ của hoàn thiện, bao gồm việc chia sẻ các mối quan hệ yêu thương chung thủy, tin tưởng, hợp tác, hỗ tương, từ đó mà có các thiện ích của từng thành viên trong gia đình và do đó, hạnh phúc của họ. Hiểu theo cách này, gia đình, vốn là một vốn qúy có tính tương quan, cũng trở thành nguồn gốc của nhiều vốn qúy và mối quan hệ cho cộng đồng, chẳng hạn như mối quan hệ tốt đẹp với Nhà nước và các hiệp hội khác trong xã hội, tình liên đới giữa các gia đình, chào đón những người gặp khó khăn, quan tâm đến những người thấp kém nhất, đấu tranh chống lại các diễn trình bần cùng hóa, v.v.” (3.)

Các mối quan hệ gia đình, cách riêng:

• cung cấp cho người ta một mạng lưới các mối quan hệ đệ nhất đẳng dựa trên sự quan tâm và hỗ tương, đấu tranh chống lại sự cô lập và cô đơn, đồng thời cung cấp cho người ta các nguồn lực để đối phó với các thách thức phức tạp có tính bản thân và xã hội trong cuộc sống;

• hành động - ở bình diện cộng đồng - như một nhân tố gắn kết xã hội, đạo đức và kinh tế. Các gia đình xây dựng các sợi chỉ quan hệ li ti của xã hội, một mạng lưới ràng buộc giữa những con người và trách nhiệm vì lợi ích chung, một phần cũng thông qua nhiệm vụ giáo dục của họ trong việc tạo ra các công dân có tinh thần trách nhiệm xã hội và giáo dục các đức tính xã hội.

Về vấn đề này, ưu tiên hàng đầu là bất cứ sự can thiệp nào có lợi cho gia đình đều phải nên cổ vũ: tính vững chắc của định chế hôn nhân hợp pháp và các nét chuyên biệt của nó đối với bất cứ hình thức kết hợp nào khác được công chúng thừa nhận, tự trong nó phải nhằm bảo đảm trật tự giới tính (có khả năng xác định các vai trò rõ ràng trong gia đình: mẹ/cha/con) theo trật tự thế hệ nối tiếp nhau theo thời gian; sự phát triển "các mối quan hệ tốt đẹp" ở bên trong và các mối quan hệ hỗ trợ ở bên ngoài (trong các mối quan hệ mẹ con, cha con, vợ chồng, giữa các thế hệ, bất cứ mối quan hệ chăm sóc nào, mạng lưới họ hàng cha mẹ mở rộng, mối quan hệ trong khu phố và trong cộng đồng địa phương); ý thức và khả năng của các gia đình trong việc trở thành những người xây dựng hy vọng và là nguồn giáo dục về thiện ích chung và các đức tính xã hội; những kỹ năng quan hệ mới, nhất là trong gia đình, để chúng có thể giáo dục con cái biết nắm bắt những thách thức của thời đại; và xây dựng các mạng lưới ổn định, bao gồm cả việc dành cho gia đình tiếng nói trong lĩnh vực công và chính trị; rộng lượng chào đón sự sống con người và tôn trọng sự sống ở mọi giai đoạn hiện hữu; đào tạo người lớn cũng như người trẻ, về các vấn đề đạo đức để giáo dục con cái họ hướng tới các giá trị Kitô giáo và ước muốn có một cuộc sống gia đình ổn định trọn vẹn trong hôn nhân.

Hiệp ước mà chúng ta đang trình bày bao gồm các Trung tâm Nghiên cứu và Tìm tòi về Gia đình của các trường Đại học Công Giáo trên khắp năm châu được truyền cảm hứng từ Học thuyết Xã hội của Giáo hội, bằng cách thu thập thông tin và tìm tòi về tính liên quan văn hóa và nhân học của gia đình, với việc tập chú vào các mối quan hệ gia đình, giá trị xã hội của gia đình, và thực hành tốt trong chính sách gia đình ở bình diện quốc tế. Thông tin này sẽ được tập hợp lại với nhau trong một Báo cáo tóm tắt do Trung tâm Nghiên cứu Gia đình Quốc tế (CISF) công bố.

Nguyên tắc thực tại (4) vốn là một hướng dẫn cho phương pháp luận của việc làm trong dự án này:

“Chúng ta nên tập chú vào những thực tại cụ thể, vì ‘lời kêu gọi và các đòi hỏi của Chúa Thánh Thần vang vọng trong các biến cố của lịch sử’, và qua đó ‘Giáo hội cũng có thể được hướng dẫn để hiểu sâu sắc hơn về mầu nhiệm vô tận của hôn nhân và gia đình’”. (5)

Do đó, bản văn này không đề cập đến các vấn đề triết học, pháp lý, thần học và tín lý về hôn nhân và gia đình, đúng hơn, nó ủy thác cho các trường đại học khai triển và nghiên cứu sâu hơn các phân tích mang tính suy lý hơn, bắt đầu chính từ những nhu cầu nảy sinh từ việc quan sát cẩn thận thực tại đương thời.

Hiệp ước Hoàn cầu về Gia đình không nhằm mục đích trở thành một tài liệu tĩnh tụ, mà nhằm cổ vũ một diễn trình kết nối, đối thoại và hợp tác lâu dài trong thế giới tìm tòi khoa học và đại học, một loại báo cáo tiến độ bên trong một mạng lưới để hướng dẫn việc nghiên cứu về gia đình, làm cho việc phối hợp được tích cực hơn giữa các trung tâm nghiên cứu đại học lấy cảm hứng từ Học thuyết xã hội của Giáo hội, và mang lại nội dung có cơ sở và mục tiêu chiến lược cho các chính sách công về gia đình.

Hơn nữa, Hiệp ước Hoàn cầu về Gia đình dự định phát triển diễn trình hành động của mình trong sự hiệp lực trọn vẹn và hội tụ với Hiệp ước Hoàn cầu về Giáo dục, do Đức Thánh Cha Phanxicô phát động vào năm 2019 về chủ đề giáo dục, vốn đã chứa đựng những qui chiếu quan trọng về vai trò hàng đầu của gia đình và các mối quan hệ gia đình trong giáo dục và do đó, trong lĩnh vực xã hội (6).

Cấu trúc của Hiệp ước Gia đình Toàn cầu:

• Các mối quan hệ gia đình (Điểm 1)

• Gia đình, một chủ thể xã hội (Điểm 2)

• Các thách thức xã hội và chính trị (Điểm 3)

• Thách thức đối với mọi người (Điểm 4)

Mỗi điểm được phác thảo ngắn gọn với các vấn đề quan trọng chính và một số đề xuất để hỗ trợ gia đình cần được thực thi trong các chương trình đào tạo và nghiên cứu của trường đại học.

Trong Mục 4, một số nguyên tắc hành động chung được vạch ra cho các tác nhân xã hội khác mà Hiệp ước Hoàn cầu về Gia đình thách thức cùng với các trường đại học.

_______________________________

(1) Đức Hồng Y Pietro Parolin, La famiglia come bene relazionale: la sfida dell’amore, trong P. Donati (chủ biên), The Family as a Relational Good: The Challenge of Love, Proceedings of the PASS [ Gia đình như Một Thiện ích Tương quan: Thách thức của Tình yêu, Biên bản Phiên họp Toàn thể của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa học Xã hội] năm 2022, Libreria Editrice Vaticana, Vatican City, 2023, trang 37-46.

(2) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với những người tham gia Phiên họp toàn thể của Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, Rôma, ngày 29 tháng 4 năm 2022.

(3) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với những người tham gia Phiên họp toàn thể của Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, Rôma, ngày 29 tháng 4 năm 2022.

(4) Evangelii Gaudium [Niềm vui Tin Mừng], 231-233.

(5) Amoris Laetitia [Niềm vui Yêu thương], 31.

(6) Có thể có nhiều hình thức hiệp lực giữa các ưu tiên của Hiệp ước Hoàn cầu về Gia đình và bảy điểm của Hiệp ước về giáo dục (www.educationglobalcompact.org): (đặt con người làm trung tâm, lắng nghe thế hệ trẻ, cổ phụ nữ, trao quyền cho gia đình, ủng hộ đón nhận, đổi mới kinh tế và chính trị, bảo vệ ngôi nhà chung). Đặc biệt, tại điểm 4 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiệp lực chặt chẽ giữa các cơ quan giáo dục và gia đình, được định nghĩa như “nhà giáo dục đệ nhất đẳng và chính. Nó là đơn vị căn bản của xã hội và như vậy nó phải có khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mình như là nguồn gốc các mối quan hệ sinh sản và cấu tạo cho con người nhân bản, mà tất cả các tác nhân khác phải đóng góp vào. Trong Tuyên ngôn Gravissimum educationis có tuyên bố rằng cha mẹ là nhà giáo dục đệ nhất đẳng và chính của con cái họ. 'Vai trò này trong giáo dục quan trọng đến mức chỉ khó khăn lắm nó mới có thể được cung cấp ở nơi thiếu nó.' Vì vậy, gia đình 'là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà mọi xã hội cần đến [...] đặc biệt là trong gia đình Kitô giáo [...] trẻ em nên được dạy ngay từ những năm đầu đời để hiểu biết về Thiên Chúa, thờ phượng Người và yêu thương người lân cận' (n.3)” (Hiệp ước Hoàn cầu về Giáo dục, Vademecum, 2021).
https://www.educationglobalcompact.org/resources/Risorse/vademecum-english.pdf