Giu-đa vẫn còn sống!



Trong các ngày vừa qua, các phương tiện truyền thông ở Âu Châu đã làm bùng nổ vụ Ðức TGM Stanislaw Wielgus cộng tác với mật vụ CS Ba-lan trong các thập niên trước đây. Nhưng dĩ nhiên đây không phải sự vụ đầu tiên, duy nhất, hay cuối cùng, và cũng không chỉ xảy ra tại Ba-lan mà thôi. Hàng ngàn vụ khác tương tự đã xảy tại Nga, tại các nước Ðông Âu và tại tất các chế độ độc tài trên thế giới. Dưới chế độ Ðức Quốc Xã đã có biết bao nhiêu giáo sĩ – công giáo cũng như tin lành – đã là những cánh tay dài của chế độ.

Giuđa sắp hôn nụ hôn bán Chúa
Nhưng nếu người ta có cái nhìn khách quan một chút và hiểu đuợc hoàn cảnh của những người phải sống trong những chế độ như thế một chút, người ta sẽ không vội phê phán hay kết án. Vâng, dù người ta có thề non hẹn biển: «Ai bỏ Thầy thì tuỳ ý, chứ con dầu có chết cũng vẫn không bỏ Thầy » , nhưng nếu một khi người ta triền miên phải sống đối mặt với mọi cám dỗ, mời mọc hay với đủ thứ đe dọa, giam cầm, bị khủng bố tinh thần lẫn thể xác, v.v.., thì sớm hay muộn người ta cũng phải buông xuôi đầu hàng. Bởi vì khả năng chịu đựng hay cầm cự của con người đều có giới hạn. Và đây là điểm yếu của con người mà các chế độ chính trị trong mọi thời đại đều biết rất rõ và cũng tìm cách khai thác triệt đễ !

Ðó là chưa nói đến một điểm tâm lý quan trọng khác mà người ta không nên quên sót là sự nhận thức, sự hiểu biết và sự phán đoán của con người đều bị ảnh hưởng và giới hạn bởi khung cảnh xã hội, bởi môi trường sống. Vâng, nếu người ta từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên chỉ nhìn, chỉ thấy, chỉ nghe, chỉ nói một chiều, thì đương nhiên sự suy nghĩ và phán đoán của họ cũng một chiều. Vì thế, khi các nhà độc tài, như Stalin, Mao Trạch Ðông hay Kim Nhật Thành của Bắc Hàn chết, hàng triệu người dân đã khóc thương họ còn hơn cha mẹ mẹ mình. Và người ta không được phép vội kết án đó chỉ là những « giọt nước mắt đóng kịch », trái lại đó là những giọt mắt chân thành, vì những người dân của những nước đó cũng giống như những người ngồi trong « cái hang của Platon » : cứ tưởng mấy cái bóng chập chờn trên bức tường trong hang do ánh sáng ngoài hang dọi vào là sự thật và sung sướng bằng lòng với chúng; cũng vậy, chút tự do quá ít ỏi, quá tối thiểu mà những người dân các chế độ đó được bố thí cho thì họ sung sướng đón nhận với đầy lòng biết ơn, vì cứ tưởng đó là những ân huệ mưa móc của tình thương trời biển của vị lãnh tụ đáng kính, đáng mến của họ, chứ bao giờ họ có được cơ hội bước ra khỏi « cửa hang chế độ » để nhìn thấy được ánh mặt trời tự do đang chiếu sáng cả nhân loại.

Ðiều đó cũng cho phép người ta dễ hiểu được tại sao một số không nhỏ các cha hạt trưởng và quản xứ Miền Bắc đều là thành viên của Mặt Trật, một cơ quan « trao đổi » tin tức giữa nhà nước và các tôn giáo. Nhiều vị còn dùng thời giờ dành đi họp Mặt Trận nhiều hơn là làm mục vụ, hay vào cả ngày chúa nhật khi đã đến giờ làm lễ và giáo dân đã đông đủ trong nhà thờ và đang chờ « cha ra làm lễ » nữa thôi, nhưng vì giờ họp Mặt trận chưa xong, nên giờ lễ phải dời lại và giáo dân hoặc cùng nhau ngồi lần hạt chờ cha hoặc ra về chờ đi lễ chiều ! Còn trường hợp có cha khách nào đến thăm xứ mà lỡ không làm vừa lòng « cụ » là ngày mai mọi tin tức và hành tung của vị khách đã đến tai công an xã rồi. Và khi các vị đó hành động như thế, họ vẫn cho là một bổn phân đương nhiên, chứ không cảm thấy mình bị nhiễm vi khuẩn giu-đa trong máu. Bởi lẽ, hầu hết các ngài đều được sinh ra, lớn lên, được nuôi dưỡng, được học hành, được giáo dục trong một bầu không khí tuyệt đối một chiều như thế, nên mọi suy tư và hành động của các ngài cũng một chiều ! Thực ra, ngày nay nhà nước tương đối đã ổn định được tình hình chính trị rồi và đang xúc tiến việc phát triển kinh tế, chứ họ ít quan tâm đến một vài phần tử đối lập quá khích đang rơi rớt đâu đó. Nhưng vì vấn đề an ninh nên các Giu-đa vẫn còn sống! « trụ ăng ten » vẫn tiếp tục được duy trì không những tại các nhà giáo dân mà còn tại các nhà xứ nữa !

Cách riêng đối với người công giáo VN, chúng ta rất hãnh diễn là con cháu của trên ba trăm ngàn các vị tử đạo anh hùng, những vị đã đặt đức tin vào Ðức Kitô lên trên mọi vinh hoa phú quí ở đời và cả trên mạng sống của mình nữa, nên thà chết còn hơn phản bội Thiên Chúa. Thế nhưng tất cả chúng ta, dù ở địa vi hay đấng bậc nào đi nữa, vẫn là những con người đầy yếu đuối, vì thế chúng ta nên lấy làm ngạc nhiên là tại sao có những vị giáo sĩ này hay người giáo dân nọ vẫn luôn giữ vững được sự trung kiên trước mọi cạm bẩy và mọi thách đố khắc nghiệt của xã hội, để có thể làm chứng cho Ðức Kitô như các bậc tổ tiên anh hùng xưa, chứ không phải ngạc nhiên trước những yếu đuối của một vài vị giáo sĩ hay giáo dân đã vì sự sống còn của bản thân, vì chút danh dự hay chút quyền lợi trần thế mà đã phản bội lại Giáo Hội hay anh chị em mình. Xưa kia, cũng vì một chút lợi lộc nho nhỏ - ba mươi đồng tiền – mà Giu-đa đã phản bội Thầy mình. Nhưng một điểm quan trọng mà chúng ta cần nhắm tới là sự tha thứ và thông cảm chân thành, chứ không phải phê phán và kết án, nếu không, Ðức Kitô và Giáo Hội lại bị đau khổ thêm lần thứ hai nữa. Còn sự « đấu tố » lẫn nhau không mang lại lợi ích cho ai cả, dù cho Giáo Hội hay Tổ Quốc. Ðàng khác chúng ta đừng quên rằng tính chất giu đa vẫn ít nhiều đồn trú trong mỗi người chúng ta. Vâng, ông Giu-đa vẫn còn sống !