Giảng tĩnh tâm tháng 1/2020

Cho các nữ tu hội dòng Tiểu Muội thánh Tê-rê-xa

tại Việt Nam


Chủ đề:

HÒA BÌNH TRONG TÂM HỒN

MỚI CÓ HÒA BÌNH TRONG CỘNG ĐOÀN


Mở đầu:

Hòa bình là kết quả của những tâm hồn thiện chí tích cực đối thoại, biết tôn trọng lắng nghe, can đảm loại bỏ những bất đồng để đi đến hòa giải và quyết tâm thực hành để kiến tạo hòa bình trong cuộc sống.

Ngày đầu năm mới, giáo hội long trọng mừng kính lễ Đức Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa và cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cũng có nghĩa là với một hàm ý là giáo hội muốn sự hòa bình này được sự trợ giúp đặc biệt của Đức Mẹ Ma-ri-a, đấng mà giáo hội hội tôn phong là Nữ Vương Hòa Bình. Sự hòa bình này Mẹ biết rất rõ khi hạ sinh Đức Chúa Giê-su trong máng cỏ với những lời ca tụng của các thiên thần: Thiên Chúa được vinh quang trên trời, người Chúa yêu ở dưới thế được hưởng bình an.

Là những người dâng mình làm tôi Chúa, tức là các linh mục và những nam nữ tu sĩ, hơn ai hết hiểu rất rõ sự bình an mà hòa bình chân thật đem lại, bởi vì nếu cuộc sống của những người này (linh mục, tu sĩ nam nữ) mà tâm bất an thì cuộc sống sẽ không tỏa nét dịu dàng và vui tươi trong cuộc sống, lại càng không thể đem bình an đến cho người khác được. Cho nên, chúng ta trước hết phải tìm cho được sự hòa bình ngay trong chính bản thân mình, bởi vì nếu bản thân không có hòa bình thì sự bình an chắc chắn sẽ không làm cho đời sống tu trì của chúng ta phát triển và cắm sâu trong đời sống tận hiến của mình.

Trong bài chia sẻ này, tôi muốn nói đến hòa bình của chính bản thân mình.

Bản thân con người của chúng ta cũng là một thế giới thu nhỏ, một cộng đoàn nhỏ, đã là thế giới thì chắc chắn có những bất đồng về tư tưởng, ý thức hệ hoặc tranh chấp tài nguyên thiên nhiên.v.v…; là một cộng đoàn thì điều không tránh khỏi là những ghen ghét nảy sinh kiêu ngạo ngay trong chính cộng đoàn của mình và của con người của mình, và từ đó bản thân mình sẽ không được hòa bình và bình an với chính mình. Do đó, muốn cho cộng đoàn có sự hiệp nhất, bình an, đoàn kết và hòa bình thì bản thân của mỗi người cần phải, tối thiểu phải có 4 giai đoạn hoặc 4 việc phải làm như sau:

1. Đối thoại.

2. Lắng nghe.

3. Hòa giải.

4. Thực hành.

1. Đối thoại:

Không phải đối thoại với đối tác mà chúng ta đang hợp đồng làm ăn, cũng không phải đối thoại với đối phương trong cộng đoàn hay với một người nào khác, mà đối thoại đây chính là đối thoại với chính mình. Đối thoại với chính mình rất khó vì thường là thỏa hiệp với chính cái tôi của mình, và luôn nhìn thấy những ưu điểm chứ không nhìn thấy những khuyết điểm của mình, cho nên không thể khách quan để đối thoại với chính bản thân mình, mà bản thân mình không phải là “cái tôi” đó hay sao!

Đối thoại với chính mình trước tiên là lấy Lời Chúa ra đối chiếu và soi sáng.

a. Lời Chúa:

Với một hoàn cảnh thinh lặng trong đêm tối hay một mình thinh lặng trước nhà tạm trong nhà thờ (nhà nguyện) hoặc thinh lặng trước bàn tự học trong phòng học, chúng ta mở Kinh Thánh ra và lấy Lời Chúa để trước mặt đọc và suy gẫm, suy gẫm điều gì, đó là đem Lời Chúa soi vào từng suy nghĩ, từng hành động và từng thói quen mà chúng ta đã làm trong cuộc sống với tha nhân. Tại sao tôi không chấp nhận người này mà thích thỏa hiệp với người khác, phải chăng tôi chưa có can đảm để đối thoại với họ !

Tích cực đối thoại với bản thân là trước hết nhìn nhận mình còn nhiều khuyết điểm và tật xấu để nhận ra rằng, bởi vì mình chưa có can đảm để nhìn ra sự thật còn nhiều thiếu sót của bản thân. Đối thoại cũng là cách tự vấn lương tâm của mình, tìm ra cho được những thiếu sót của bản thân để đối thoại cách tích cực bằng Lời Chúa soi sáng. Chỉ cần thành thật và với lòng khiêm tốn lấy Lời Chúa làm đối tượng để đối thoại, thì chúng ta sẽ thấy sự đối thoại này mở ra cho chúng ta một tư tưởng mới, hay nói cách khác, mở lòng chúng ta ra để có lòng nhân hậu hơn, mở trí chúng ta để thấy tất cả mọi người đều có những ưu điểm và những cái tốt của họ, chứ không phải là ai cũng xấu xa như mình thấy qua hành vi ngôn ngữ của họ.

Lời Chúa chính là con dao hai lưỡi, một là để mổ xẻ chữa lành và một là để giết chết, với chúng ta, những người luôn dùng Lời Chúa làm kim chỉ nam cho đời sống tu trì, chúng ta hiểu rất rõ điều này, do đó khi đối thoại với chính mình, thì cũng can đảm để cho con dao hai lưỡi này cắt xén giũa gọt, có như thế chúng ta mới tìm được sự đồng cảm trong chính con người của chúng ta.

b. Thấy ưu và khuyết điểm của mình.

Đối thoại là nhận ra những ưu điểm của đối phương trước để hợp tác và học hỏi.

Cũng vậy, cần phải nhận ra những ưu điểm của mình, nhất là những ưu điểm có thể làm cho đối phương nể phục, để từ đó phát huy những tiềm năng ưu điểm trong con người của mình; thấy rõ những khuyết điểm của mình và thật khiêm tốn đề cao những điểm hay của đối phương.

Trong con người chúng ta tồn tại hai loại thói quen tốt và xấu, tồn tại hai nhân cách hèn và dũng cảm, tồn tại nhân đức khiêm tốn và sự kiêu ngạo. Giữa tốt và xấu, hèn và dũng cảm, khiêm tốn và kiêu ngạo trong con người chúng ta thường tranh chấp chiến đấu lẫn nhau, tâm hồn chúng ta như một bãi chiến trường không ngừng chiến tranh giữa thiện và ác. Và nếu chúng ta không nhận ra những ưu khuyết điểm của mình để bảo vệ, để tấn công cũng như để hòa giải khi cần thiết, thì ở đâu chúng ta cũng không được sự bình an cho tâm hồn, bởi vì chúng ta chỉ xét nét phê bình lời nói thái độ của người khác vì họ là người mà chúng ta không thích, vì thái độ của họ không thuận mắt chúng ta…

Để được hòa bình thì phải chuẩn bị chiến tranh, ai biết chuẩn bị thì kẻ đó sẽ chiến thắng, bởi vì họ đã chuẩn bị rồi.

Cái tôi trong con người chúng ta thường phản ứng rất mạnh mẽ khi chúng ta

2. Lắng nghe.

Muốn đối thoại thành công thì phải lắng nghe, lắng nghe trong thinh lặng với cái tôi khiêm tốn của mình, lắng nghe dưới sự soi sáng của Lời Chúa, lắng nghe trong niềm hân hoan nhiệt tình của ơn Đức Chúa Thánh Thần, và vì lắng nghe là một ân sủng của Chúa ban cho, nên cần phải có sự nhạy bén phân tích và đối thoại với chính con người năng nổ hoạt động hoặc bảo thủ của mình.

Lắng nghe là một động thái của ân sủng, không ai nhận ra ý Chúa nếu không trút bỏ hoàn toàn những tạp niệm tận đáy tâm hồn mà khi gặp cơ hội thì nó sẽ bùng lên dữ dội.

Trong thinh lặng chúng ta dễ dàng nghe được Lời Chúa nói qua trí óc và tâm hồn của chúng ta, cũng vậy, muốn đem lại hòa bình cho thế giới hay cho một dân tộc đất nước nào đó, thì trên bàn hội nghị không thể không có đối thoại và lắng nghe, càng lắng nghe thì càng nhận rõ điều đối phương mong muốn. Tâm hồn của chúng ta có lúc như bãi chiến trường tranh chấp nếu không biết lắng nghe, và có khi trở thành bàn hội nghị giải quyết mọi vấn đề bằng sự lắng nghe.

Lắng nghe ai ? Lắng nghe sự kiêu ngạo đang nổi dậy đòi lên án anh em chị em trong cộng đoàn, lắng nghe những công trạng và công lao mà chúng ta đã làm cho cộng đoàn hay làm cho ai đó, để rồi kết án tha nhân vì những công trạng đó.

Lắng nghe ai nữa ? Đó là lắng nghe những lỗi lầm mà chúng ta đã phạm làm mất đoàn kết trong cộng đoàn, lắng nghe những khuyết điểm cố hữu mà chúng ta thường sai phạm đang nói trong tâm hồn ta phải bỏ cuộc thôi, vì những thiếu sót của mình mà cộng đoàn mất đi tình thân ái hoặc thụt lùi lạc hậu.

Lắng nghe kẻ nội thù (kiêu ngạo, ghét ghen, tham lam, dối trá.v.v…) và bạn hữu (khiêm nhường, can đảm…) trong lòng mình để dung hòa hoặc hòa giải chúng nó lại, để trong cuộc sống chúng ta mới có thể đem hòa bình đến cho mọi người.

Lắng nghe để lòng mình dịu lại và sự hiền lành sẽ lên ngôi, hay nói cách khác, khi chúng ta biết lắng nghe với tâm tình khiêm tốn thì bản năng vốn là thiện hảo trong lòng chúng ta sẽ thôi thúc chúng ta bỏ qua những thiếu sót của đối phương và tập tành tha thứ yêu thương, nhất là đón nhận những ý kiến trái ngược với sự hiểu biết có giới hạn của chúng ta.

Khi chúng ta để cho tâm hồn biết lắng nghe chính mình là chúng ta đã ký kết một thỏa hiệp thân thiện có khả năng giải quyết những xung đột tự đáy tâm hồn chúng ta.

3. Hòa giải.

Sự hòa giải này có liên quan đến bí thích Giải Tội trong đời sống của người Ki-tô hữu, bởi vì nếu tự trong thâm tâm chúng ta không thật sự hòa giải với tha nhân, thì bí tích Hòa Giải này không mang lại ích lợi gì cho chúng ta, trái lại còn làm cho chúng ta thờ ơ giả dối đến nhàm chám cách máy móc khi đi lãnh nhận bí tích hòa giải.

Hòa giải chính mình là đem sự kiêu ngạo của mình biến thành khiêm nhường để nhìn thấy những bất hạnh của người khác, hay nói cách khác, đặt trường hợp không tốt của người khác làm của mình, đề thấy sự khó khăn của họ để thông cảm và giúp đỡ, bởi vì không một ai muốn làm điều xấu cả, chẳng qua là vì hoàn cảnh cuộc sống mà thôi.

Sự xung khắc giữa cái ác và sự thiện trong con người của chúng ta không phải ngẫu nhiên mà có, nhưng mầm móng tội nguyên tổ đã làm cho tâm hồn của con người không còn “nhân chi sơ, tánh bổn thiện nữa”, do đó mà con người luôn đặt mình là trung tâm của cuộc sống, tất cả vì bản thân mình và quên mất đến sự hổ tương với những người chung quanh, như lời thánh Phao-lô tông đồ đã nói: “Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất.” (Cl 3,1-4) Những sự trên trời đó là “thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, kiên nhẫn, chịu đựng, và tha thứ.” Nhưng quan trọng nhất không phải là sự tha thứ và bao dung sao, như lời thánh Phao-lô đã nhấn mạnh: chúng ta được mời gọi tìm kiếm lòng thương cảm, sống nhân hậu, tính khiêm nhu, thái độ hiền hòa, lòng kiên nhẫn chịu đựng lẫn nhau và mau mắn tha thứ cho nhau.

Nhưng trước hết hãy hòa giải với chính mình trước đã.

Khi hòa giải với chính mình rồi, thì tất cả những gì gọi là “cái tôi” trong con người của mình sẽ được thánh hóa, nghĩa là sẽ được mặc lấy chiếc áo của đức ái khi đối diện với những sai trái hoặc những gút mắc trong cộng đoàn mà thường ngày chúng ta nhìn thấy và cảm thấy khó chịu không bằng lòng.

Khi xưng tội, điều kiện để được hòa giải với Thiên Chúa chính là lòng thống hối, sự thống hối phát xuất từ thẳm sâu của tâm hồn khi biết mình đã xúc phạm đến tình yêu của Ngài, đó là một sự hòa giải đúng nghĩa nhất khi chúng ta đến với tòa giải tội. Nơi đây Thiên Chúa đang chờ chúng ta với sự yêu thương của người cha nhân lành, và sự nhân lành này Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta sau khi rời khỏi tòa cáo giải, như khi Đức Chúa Giê-su đã chữa lành và tha thứ cho ngườ phụ nữ ngoại tình, đó là ra đi bình an và đừng phạm tội nữa. Sự bình an này sẽ không có được -dù chúng ta đã được Chúa thứ tha- nếu chúng ta không biết mau mắn tha thứ cho anh chị em của mình như Chúa đã mau mắn tha thứ cho chúng ta.

Sự hòa bình trong tâm hồn chỉ có khi chúng ta biết tha thứ cho chính mình, nghĩa là chúng ta không trách móc những gì ta đã phạm, không hồ nghi về tình yêu của Chúa trong bí tích Giải Tội, và điều quan trọng hơn là chúng ta biết mạnh dạn đi ra khỏi sự bủa vây của tính kiêu ngạo và ích kỷ để hòa giải với tha nhân.

4, Thực hành.

Ký cho nhiều văn bản đình chiến, hưu chiến hay hòa bình, mà không tích cực bắt tay vào làm thì chẳng khác gì hứa suông hoặc coi thường đối phương hoặc được gọi là phản bội lại những gì mình đang cam kết, cho nên thực hành những điều mình đã hứa hay quyết tâm làm thì phải làm:

a. Thực hành với lời hứa của mình.

Khi hứa với lòng mình thì phải giữ lời, bởi vì nếu không thì sẽ là sự dối trá, ai tự dối trá lòng mình thì không thể thật lòng với người khác, và càng không trung tín trong những việc khác nữa. Khi nhận ra những ưu khuyết điểm của mình và của tha nhân rồi thì chúng ta cần phải thực hành lời cam kết với chính mình, đó là sự tha thứ và cảm thông với anh chị em và với mọi người chung quanh mình. Có như thế thì mới có thể đem bình an và sự vui tươi đến cho cộng đoàn cũng như cho tha nhân.

Một hợp đồng đã ký mà không thực hiện thì đã vi phạm hợp đồng, cũng vậy, khi chúng ta được tha thứ tội nơi tòa cáo giải thì một hợp đồng giữa chúng ta với Đức Chúa Giê-su đã được ký kết: Chúa tha tội và tôi cam kết sống đẹp lòng Chúa. Sự cam kết này không những với bản thân mà thôi, nhưng còn là với tha nhân nữa, và nơi sẽ thực hiện trước hết chính là con người bản thân chúng ta.

b. Thực hành những gì.

Khi chúng ta đã hòa giải với chính mình, nghĩa là trước đó chúng ta đã có một vài cam kết sau khi đã quyết tâm để tâm hồn được hòa bình vui tươi, thì chúng ta phải cố gắng thực hành:

1. Không coi thường anh chị em trong cộng đoàn hoặc bất cứ ai khác, bởi vì đó là đem lại bình an cho tâm hồn mình cũng như tha nhân.

2. Không xoi mói những hành vi hoặc lời nói của anh chị em trong cộng đoàn hoặc bất cứ ai khác, bởi vì đó chính là đem lại sự vui vẻ cho tâm hồn mình cũng như tha nhân.

3. Không kiêu ngạo phê bình chỉ trích bất cứ ai trong cộng đoàn cũng như tha nhân, bởi vì đó là bài học khiêm nhường của chúng ta.

4. Không nên nói ra những lời châm biếm hai ý, bởi vì nó sẽ trở thành bị cáo cáo buộc chúng ta trước tòa công thẳng của Chúa.

5. Nên nói lời khuyến khích nhiều hơn lời chỉ trích.

6. Nên đưa tay ra giúp đỡ anh chị em nhiều hơn là chỉ tay năm ngón ra lệnh.

7. Nên cúi xuống và lắng nghe anh chị em nhiểu hơn nhìn mặt chỉ trích dạy đời.

8. Nên mĩm cười với anh chị em vô ý mắc phải lỗi lầm hơn là nghiêm khắc phê phán trong khi giận dữ.

Kết luận.

Muốn có hòa bình trong cộng đoàn hay trong gia đình hoặc ngoài xã hội, điều trước tiên là mỗi người phải có hòa bình chính trong tâm hồn của mình, có nghĩa là khi tâm hồn mình có Đức Chúa Giê-su ngự trị thì chắc chắn chúng ta sẽ là niềm vui cho mọi người.

Một tâm hồn không có tình yêu của Đức Chúa Giê-su thì đó là nơi hoang vắng.

Một tâm hồn vắng bóng Đức Chúa Giê-su thì đó là nơi hỗn độn của ma quỷ.

Một tâm hồn không biết cảm thông thì đó là nơi chứa chấp những hồ nghi và ghen ghét.


Dù cho chúng ta ở trong nhà Chúa trong dòng tu hay trong nhà thờ suốt ngày mà tâm hồn chúng ta không có Chúa, thì đó là một bất hạnh lớn nhất cho chúng ta vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Áp ngày lễ Hiển Linh 2020


----------------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info