1. Giáo Hội Công Giáo ở Á Căn Đình phản đối mưu toan hợp pháp hóa cần sa của giáo gian Alberto Fernandez

Đầu tháng này, Tổng thống Á Căn Đình Alberto Fernandez cho biết đất nước cần có cuộc tranh luận về việc hợp pháp hóa cần sa giải trí, một động thái mà ủy ban Công Giáo chuyên về các chứng nghiện ngập và lệ thuộc vào ma túy gọi là “đạo đức giả”.

Trước đây, giáo gian Alberto Fernandez cũng thực hiện cùng một động tác như thế để hợp pháp hóa phá thai.

Ủy Ban Hội Đồng Giám Mục viết rằng: “Thật là đạo đức giả, khi nói về việc hợp pháp hóa cần sa trong bối cảnh nghèo đói và cơ cực của hàng trăm ngàn thanh thiếu niên, những người không thể khao khát được đào tạo nghiêm túc hoặc có một công việc tử tế, kết quả của nhiều thập kỷ bị lơ là”.

Các ngài cũng cho rằng thật là đạo đức giả khi nói về việc hợp pháp hóa cần sa khi những người sống trong các khu dân cư nghèo nhất của đất nước không có nước, cũng chẳng có điện, không được hưởng một nền giáo dục hay không gian để giải trí.

Theo ước tính mới nhất, gần 70% trẻ em và thanh niên Argentina sống dưới mức nghèo khổ, và hơn ba triệu người sống trong hơn 4,000 khu ổ chuột của đất nước.

Ủy ban Cai nghiện của Giáo hội giám sát hàng chục Hogares de Cristo - tức là Nhà Chúa Kitô - ở Á Căn Đình. Sáng kiến này được tài trợ đầu tiên bởi Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, hiện là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vào năm 2008.

Tọa lạc tại trung tâm của các “khu ổ chuột”, những ngôi nhà này họ đã giúp hàng ngàn người vượt qua tình trạng nghiện ngập.

Động thái mới nhất này cho thấy Alberto Fernandez hành động vì các lợi ích của các nhóm tài phiệt khổng lồ và không đoái hoài gì đến dân nghèo hay tương lai của quốc gia.
Source:Crux

2. Giáo Hội Hoa Kỳ cầu nguyện cho Haiti sau trận động đất kinh hoàng

Chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ bày tỏ “lời cầu nguyện chân thành cho người dân Haiti, những người đang thương tiếc sự mất mát của những người thân yêu và đang đau khổ” sau khi một trận động đất tấn công quốc gia Caribe vào sáng sớm ngày 14 tháng 8.

Hơn 1,200 người chết và hơn 5,700 người bị thương tính đến ngày 15 tháng 8.

Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles, chủ tịch của USCCB, cho biết: “Chúng ta hãy đoàn kết với Giáo hội ở Haiti, và dâng lời cầu nguyện, đặc biệt vào cuối tuần này khi chúng ta kỷ niệm Lễ trọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”, Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles, chủ tịch của USCCB, nói trong một tuyên bố.

“Trong những giây phút thử thách kéo dài này, mong anh chị em Haiti cảm nhận được sự an ủi, lòng trắc ẩn và vòng tay bao bọc của Đức Mẹ. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, bổn mạng của Haiti, xin cầu bầu cho chúng con!”

Tâm chấn của trận động đất 7.2 độ richter nằm cách thành phố Saint-Louis du Sud 7.5 dặm hay 12 km về phía đông bắc, nghĩa là cách thủ đô Port-au-Prince 78 dặm về phía tây. Trận động đất bắt đầu lúc 8:29 sáng giờ địa phương, theo Cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ.

Đức Tổng Giám Mục Gomez cho biết trong tuyên bố rằng các giám mục Hoa Kỳ dâng lời cầu nguyện của các ngài cho Đức Tổng Giám Mục Launay Saturné, chủ tịch hội đồng giám mục Haiti, và cho “ tất cả những người phục vụ không mệt mỏi các cộng đồng đức tin ở Haiti.”

Đức Hồng Y Chibly Langlois của Les Cayes, vị Hồng Y đầu tiên của Haiti, đã bị thương trong trận động đất, mặc dù các báo cáo cho thấy vết thương của ngài không nguy hiểm đến tính mạng. Những hình ảnh cho thấy Tòa Giám Mục của ngài bị hư hại nghiêm trọng và mọi người đang tìm kiếm trong đống đổ nát sau trận động đất.
Source:Crux

3. Đức Tổng Giám Mục Hy Lạp: Cần phải có những thay đổi để chuẩn bị cho những thảm họa trong tương lai

Khi làn sóng cháy rừng tàn phá các vùng của Hy Lạp, một tổng giám mục Công Giáo cho biết có thể cần phải có các chính sách khác nhau để giúp ngăn chặn sự tái phát.

Đức Tổng Giám Mục Josif Printezis của Naxos-Andros-Tinos- Mykonos cho biết: “ Chúng ta phải nhạy cảm và cẩn thận hơn nhiều khi nói đến sinh thái và sự chuẩn bị - dù sao thì chúng ta cũng không có nhiều rừng ở Hy Lạp, và phần lớn những gì chúng ta có hiện đã bị phá hủy”. Đức Cha Printezis là tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hy Lạp.

“Không có chính quyền trung ương hay địa phương nào có thể chuẩn bị đầy đủ cho những sự kiện như vậy. Nhưng chúng ta nên có trách nhiệm hơn, với nhiều máy bay và thiết bị hơn, cũng như các quy định chặt chẽ hơn về việc xây nhà và tiếp cận các dịch vụ khẩn cấp”, ngài nói với Catholic News Service.

Các đội cứu hỏa từ khắp Âu châu, với sự hỗ trợ của trực thăng ném bom nước, đã phải vật lộn để kiểm soát đám cháy rừng đang tàn phá ở các vùng Peloponnese và Attica của Hy Lạp, cũng như trên Evia, hòn đảo lớn thứ hai của đất nước, phía đông bắc Athens.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã xin lỗi về những thất bại của chính phủ và xác nhận vào ngày 12 tháng 8 rằng các vụ cháy đã gây ra thảm họa sinh thái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ; ông kêu gọi sự hợp tác của phe đối lập trong việc tìm kiếm “các giải pháp táo bạo”.

Đức Tổng Giám Mục Printezis nói với CNS rằng thông tin về thiệt hại đối với các giáo xứ Công Giáo vẫn đang được thu thập, và nói thêm rằng ngài đã có thể nhìn thấy và ngửi thấy ngọn lửa từ nơi ở của mình trên đảo Tinos của Aegean, cách đám cháy 70 dặm.

Trong khi đó, Caritas, cho biết họ đang chuẩn bị kế hoạch giúp đỡ các nạn nhân vụ hỏa hoạn, với sự hợp tác của chính quyền thành phố và các tổ chức từ thiện Công Giáo ở nước ngoài.

“Từ những giây phút đầu tiên của thảm kịch mới nhất này, chúng tôi đã theo dõi với sự lo lắng, thống khổ và đau đớn, tập trung lời cầu nguyện cho các nạn nhân.”
Source:National Catholic Register