Amice
Khăn Vai. Một phẩm phục bằng vải trắng ngắn, hình chữ nhật mặc dưới áo an-ba để phủ vai linh mục khi cử hành Thánh Lễ. Trong Nghi lễ La-tinh hiện nay, nó trở thành tùy ý. Khi mặc khăn vai này, linh mục đọc: “Lạy Chúa, xin Chúa đặt lên đầu con chiếc mũ cứu độ để con đẩy lui các cuộc tấn kích của ma qủy”. (Nguyên ngữ La-tinh amictus= áo, áo choàng, áo khoác; amicire = khoác chung quanh)

Ammonian Sections
Phân đoạn theo người Ammôn. Cách phân đoạn ghi ở lề hầu hết các thủ bản xưa của Phúc Âm. Mục đích của chúng là để làm nổi bật những câu song song với nhau giữa các phần tương ứng trong bốn sách phúc âm. Chúng chính là tiền thân của hệ thống chương và câu của chúng ta hiện nay.

Amniocentesis
Thử nước ối. Một thủ tục y khoa đôi khi được dùng trong lúc thai nghén (sau tuần từ thứ mười bốn đến thứ mười sáu) trong đó, người ta chích một mũi kim rỗng qua bụng dưới mà vào tử cung người đàn bà để chọc thủng nội sản mạc (thường được gọi là “túi nước ối” bao bọc thai nhi) để rút một ít nước ối để khảo sát bằng chứng nhiễm sắc thể của phái tính thai nhi cũng như bằng chứng của một số căn bệnh hay khuyết điểm của thai nhi đang phát triển. Nguy hiểm cho thai nhi rất thấp theo thống kê, nhưng tai hại do nó dẫn khởi khá trầm trọng. Mặt khác, nó thường được dùng để lọc lựa tiền sản. Khi thực hiện vì các lý do đó, việc thử này bị Giáo Hội Công Giáo ngăn cấm dựa trên các nguyên tắc luân lý. Mà ngay với mục đích tốt, nó cũng đáng đặt nghi vấn về phương diện luân lý vì các nguy cơ có thể xẩy ra cho đức trẻ chưa sinh.

Amos
Tiên tri A-mốt. Tiên tri thứ ba trong các tiên tri nhỏ. Ngài miêu tả Isreal như một dân tộc thịnh vượng nhưng say sưa trong tội lỗi. Chủ đề chính trong sách của ngài là lời tiên tri ba phần được khai triển trong chín chương sách. Phần thứ nhất (các chương 1-2) tiên đoán Thiên Chúa sẽ phán xử các quốc gia bao quanh Israel rồi chính Israel. Phần thứ hai (các chương 3-6) khai triển sự phán xử đối với Israel trong ba bài đàm thoại riêng rẽ. Phần thứ ba (các chương 7-9) ghi lại năm thị kiến, trong đó thị kiến thứ năm mô tả sự dự ứng đầy vinh hiển các phúc lộc của Đấng Được Xức Dầu. A-mốt là tiên tri về quyền chúa tể tối cao của Thiên Chúa đối với mọi thụ tạo.

Amphora
Bình rượu thánh. Chiếc bình cao có hai quai, thường làm bằng đất sét để trữ rượu củ hành hy lễ Thánh Thể. Các bình tìm thấy trong các hang toại đạo được khắc nhiều biểu tượng Kitô giáo. (Nguyên ngữ La-tinh amphora = bình chứa; Hy Ngữ amphi ở hai bên + phero mang)

Ampullae
Bình dầu thánh. Chiếc bình hai quai dùng trữ dầu thánh hay dầu xức lúc chôn cất. Tìm thấy trong các hang toại đạo, chúng thường mang biểu tượng một vị thánh. Đổ đầy dầu từ các ngọn đèn tại đền các vị tử đạo, chúng thường được khách hành hương thời Trung Cổ mang đi đây đó.

Amra
Bi tán ca. Khúc bi ca hay tán tụng một vị thánh địa phương tại Ái Nhĩ Lan. Nổi tiếng hơn cả là bài tán tụng ca Thánh Columba, người ta thường cho là của Dallan Mac Forgaill.

Amulet
Bùa. (Thuyết vạn vật hữu linh). Một đồ vật vô hồn được đeo vì mình hay vì người khác tin là có sức mạnh bí mật và nội tại để gìn giữ khỏi điều bất hạnh hay tạo ra một công cuộc làm ăn khấm khá.

An
Năm (viết tắt chữ annus=năm)

Anabaptists
Phái tái thanh tẩy. Các nhóm Thệ Phản xuất hiện tại Zwickau, Thụy Sĩ ngay từ năm 1521. Các chủ trương chính của họ là: 1. phép rửa cho trẻ sơ sinh là không hợp thánh kinh; 2. chỉ nên rửa tội cho người lớn như là dấu hiệu của đức tin Kitô giáo; 3. nên tái lập Kitô giáo nguyên thủy

Anacephalaeosis
Lời tóm kết. Bản tóm lược hay ôn lại các sự kiện từ đầu, áp dụng vào thần học để giải thích câu của Thánh Phaolô rằng Thiên Chúa sẽ “quy tụ mọi sự trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Chúa Kitô” (Eph 1:10). Điều đó có nghĩa là toàn bộ sáng tạo đều có liên hệ với Nhập Thể. Chúa Kitô quả là hậu duệ cao cả nhất của dòng dõi A-dong; Người cũng là mục tiêu của sáng tạo. Nhưng còn hơn thế nữa, trong tư cách Đấng cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi, theo nghĩa hẹp, Người đã biến đổi mọi giai đoạn trong lịch sử con người và tái tạo toàn bộ sáng tạo, từng bị phù phiếm khuất phục cho đến lúc Người đến (Nguyên ngữ Hy Lạp ana=trở lui + cephale= đầu

Anagogical Sense
Nghĩa thần bí. Các giáo huấn của Thánh Kinh đều có liên hệ tới hay dẫn tới sự sống đời đời, bao gồm các phúc lành kỳ vọng ở và liên quan đến cuộc sống mai sau ấy, thí dụ Giêrusalem, trong nghĩa thần bí, tiêu biểu cho Giáo Hội khải hoàn.

Analecta Bollandiana
Văn Tuyển Bollanđô. Một ấn phẩm tam cá nguyệt do nhóm tu sĩ (Dòng tên) dưới quyền Bollanđô (Jean Bollande) xuất bản từ năm 1882. Nó chuyên tìm tòi cuộc đời các thánh.

Analepsis
Ngự về trời. Lễ Chúa Kitô thăng thiên, trong các Giáo Hội Đông Phương.

Analogy
Phép loại suy. Tương tự nhưng không đồng nhất hay không hoàn toàn giống nhau giữa hai vật hay hai điều đem so sánh với nhau. Hai hình thức căn bản là loại suy gán tính và loại suy tỷ tính. Trong lối loại suy gán tính, ta có một đặc tính thuộc vật gì đó được gán cho các vật khác nhờ một nối kết thực sự hay biểu kiến nào đó giữa chúng với nhau, như sự lành mạnh trong một sinh vật và sự lành mạnh trong thời tiết. Trong lối loại suy tỷ tính, ta thấy có một sự tương tự giữa các sự vật do một mớ tương quan phức tạp nào đó (tỷ lệ) giữa chúng với nhau, như sự tốt lành của thực phẩm và sự tốt lành trong một hành động tốt bụng. (Nguyên ngữ La-tinh analogia = so sánh giống nhau; Hy Ngữ analogia = bằng nhau về tỷ lệ).

Analogy Of Faith
Phép loại suy Đức Tin. Học lý Công Giáo cho rằng mỗi tín điều cá biệt phải được hiểu dưới ánh sáng toàn bộ Đức Tin khách quan của Giáo Hội.

Anamnesis
Kinh tưởng niệm. Sau truyền phép trong Thánh Lễ, đây là lời cầu nguyện tưởng niệm trong đó Giáo Hội nhắc lại cuộc khổ nạn, sống lại và lên trời của Chúa chúng ta. Đây là đỉnh cao của Thánh Lễ vừa như một tưởng niệm tất cả những gì xẩy ra trong cuộc sống hữu hình của Chúa Kitô trên mặt đất vừa như một đảm bảo về tất cả những gì Người vẫn tiếp tục thực hiện cách vô hình qua Phép Thánh Thể. (Nguyên ngữ Hy Lạp anamnesis = nhắc nhớ, nhớ lại).

Ananias
A-na-nia. Một thành viên trong cộng đồng Kitô hữu tiên khởi với vợ là Sa-phi-ra. Vâng theo lý tưởng kêu gọi để cho cộng đồng sở hữu chung mọi sự, A-na-nia bán tài sản của mình đi nhưng lại đồng lõa với vợ chỉ trao cho các tông đồ một phần tiền bán được. Thánh Phêrô trách cứ ông đã dối trá: “không phải anh đã nói dối con người mà là nói dối Thiên Chúa”. A-na-nia chết ngay tại chỗ. Sau đó, vợ ông ta tới và cũng lặp lại cùng một dối trá, vì chưa biết số phận của chồng. Nên cả bà ta cũng chết ngay tại chỗ. Biến cố này đã phát sinh ra thói quen dùng tên A-na-nia để chỉ người nói dối (Cv 5:1-10).

Anaphora
Thượng Tiến. 1. Chỉ phần Thánh Lễ trong Nghi Lễ Hy Lạp tương xứng với phần Lễ Qui La-tinh; 2. chỉ phần dâng bánh Thánh Thể; 3. Tấm màn ?; 4. cuộc rước đem lễ vật lên bàn thờ.

Anarchism
Chủ nghĩa vô chính phủ. Một lý thuyết cho rằng luật lệ chỉ là xâm lấn quyền lợi những con người tự do và thông minh; cá nhân có quyền tự phát biểu mình ra không hạn chế; tư lợi cá nhân, nếu theo đuổi một cách thông minh, sẽ phục vụ tốt nhất cho ích chung. Nguồn gốc lý thuyết này có vết tích từ Cách Mạng Pháp, và được quy cho Pierre Joseph Proudhon (1809-1865). Một số người vô chính phủ tin vào biến hóa, cho rằng tuyên truyền và đầu phiếu sẽ từ từ loại bỏ phần lớn luật lệ (hay làm chúng ra lạc hậu); một số khác chủ trương phải cách mạng, thúc đẩy việc dùng võ lực thiết lập ra chế độ vô chính phủ. Những người theo thuyết hư vô chính là những nhà cách mạng vô chính phủ cực đoan. Căn bản của chủ nghĩa vô chính phủ là tính chủ quan không có luận chứng về sự tốt lành trong bản tính không bị gò bó của con người. Chủ nghĩa vô chính phủ đã bị Giáo Hội Công Giáo hơn một lần kết án như trong Danh Bản Các Sai Lầm của Chân Phúc Giáo Hoàng Piô IX năm 1864. (Nguyên ngữ La-tinh anarchia, do chữ Hy Lạp anarchos = không có nhà cai trị).

Anastasimatarion
Phụng Ca Chúa Nhật. Cuốn sách chứa cả lời lẫn nhạc của một số soạn phẩm để hát trong giờ kinh phụng vụ Chúa Nhật của Giáo Hội Hy Lạp. (Nguyên ngữ Hy Lạp anastasia = phục sinh)

Anathema Maranatha
Một biểu thức hy vọng dự ứng việc Chúa đến (1 Côrintô 16:22). [Ghi chú của người dịch: Theo nguyên ngữ Hy Lạp, anathema là lời nguyền rủa, còn maranatha là chữ A-ram có nghĩa là Lạy Chúa, Xin Hãy Đến. Bản Tân Ước của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch câu 1Cor 16:22 như sau: nếu ai không yêu mến Chúa thì là đồ khốn kiếp! Lạy Chúa, xin hãy đến!

Anchor
Chiếc neo. Một biểu tượng xưa trong Giáo Hội chỉ hy vọng và an toàn. Nó được tìm thấy trong các bản khắc tại hang toại đạo ở thế kỷ thứ nhất. Trước thế kỷ thứ tư, chiếc neo thường được vẽ với con cá heo hay hai con cá treo trên một thanh ngang, như một biểu tượng chỉ Chúa Kitô. Chiếc neo sớm hiểu như thánh giá chỉ để các Kitô hữu biết mà thôi còn đối với người không tin thì được giữ bí mật. Trong thư Do Thái 6:18-19, Thánh Phaolô viết rằng “…Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn…” Trong nghệ thuật tôn giáo, biểu tượng này chỉ can đảm, yên ổn, tin tưởng, và thường xuất hiện cùng với một số vị thánh, nhất là Thánh Clement, Đấng đã bị tử đạo bằng cách bị nhận chìm với một chiếc neo. Nó là lời cầu xin có tính biểu tượng để trợ giúp các người đi biển bị nguy cơ đắm tầu.

Anchor-Cross
Neo Thánh Giá. Một biểu tượng thánh tìm thấy tại các hang toại đạo; sự phối hợp cả thánh giá lẫn chiếc neo là biểu tượng cho đức tin và đức cậy.

Anchoress
Nữ ẩn tu. Trong ngôn ngữ trung cổ, chỉ người phụ nữ đã từ bỏ thế gian để sống một đời thống hối, cầu nguyện và cô tịch. (Nguyên ngữ La-tinh anchorita, biến thể của anchoreta; lấy từ Hy Ngữ anakhoretes = người rút lui (khỏi thế gian); động từ anakhoreein = rút lui, gồm chữ ana = đàng sau + khoreein =

Anchorite
Nam ẩn tu. Một người đàn ông tách mình ra khỏi thế gian để hiến mình trọn vẹn hơn cho cầu nguyện và thống hối.

Ancient Of Days
Đấng Lão Thành. Một tước hiệu được tiên tri Đanien áp dụng cho Thiên Chúa, so sánh quyền năng đời đời của Người với hiện hữu mỏng dòn của các đế quốc trần gian (Đanien 7, 9, 13, 22).

Andacollo (Shrine)
Đền thánh Andacollo. Đền thánh quốc gia dâng kính Đức Bà Mân Côi tại Chile. Lòng sùng kính tại đền thánh này phát triển quanh bức tượng cao ba bộ Anh bằng gỗ tuyết tùng tạc Đức Bà và Chúa Hài Đồng. Người ta truyền tụng rằng người Tây Ban Nha mang theo bức tượng này khi họ tìm ra Chile vào thế kỷ mười sáu. Sau đó, người thổ dân nổi loạn, giết nhiều người mới tới, và bức tượng biến mất. Nhiều năm sau, người Tây Ban Nha trở lại và làm nhiều thổ dân theo đạo. Trong số ấy có người tên Collo, đương lúc đốn cây trên núi, đã tìm thấy bức tượng bị quăng bỏ. Khi lưỡi rìu của anh vô tình bổ vào tượng, anh bỗng nghe có tiếng nói: “Con làm Ta đau quá”. Anh bèn đem bức tượng gỗ về nhà. Sau đó, một đền thánh đã được xây dựng và giáo dân vì lòng sùng kính tuôn đến để cầu nguyện cùng Đức Nữ Trinh, vẫn còn mang vết thẹo do lưỡi rìu tạo nên. Vào lễ kỷ niệm hàng năm trong các ngày 24, 25 và 26 tháng Mười Hai, một công dân diễm phúc được đề cử để nhân danh Collo đọc lời tạ lỗi cùng Trinh Nữ Vương vì vết thương chiếc rìu anh da94 tạo cho Người. Việc ấy biểu tượng cho lòng ăn năn thống hối các tội của dân chúng.

Andrew
Thánh An-rê. Một ngư phủ và là môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài đang ở với Thánh Gioan thì thấy Chúa Giêsu lần đầu tiên và đã ở lại với Người cả ngày hôm đó. Xác tín Chúa Giêsu là Đấng Được Xức Dầu, ngài đem em mình là Simôn Phêrô tới gặp Chúa Giêsu ngày hôm sau. Đó là dịp để Chúa Giêsu nói với người em Thánh An-rê rằng từ tên gọi Simôn, ông sẽ được đổi thành Cephas, nghĩa là Đá (Gioan 1:35-42). Hai anh em là các tông đồ đầu tiên được Chúa Giêsu chọn; họ chấp nhận lời kêu gọi trở thành những kẻ chài lưới người và đã bỏ cả lưới đánh cá mà theo Chúa Giêsu (Máccô 1:16-18). Phép lạ hóa bánh mà Chúa Giêsu thực hiện ở Tiberias là theo sau báo cáo của Thánh An-rê về đứa bé với năm ổ bánh và hai con cá (Gioan 6:5-10). Theo truyền thuyết, Thánh An-rê chịu đóng đinh ở Achaea trên thánh giá hình chữ X (curx decussata), là thánh già sau này gọi là thánh giá Thánh An-rê. Lễ kính ngài là ngày 30 thang Mười Một. (Nguyên ngữ Hy Lạp andreas = tướng nam nhi).

Angel
Thiên thần. Một thuần thần được tạo dựng, gọi là thiên thần vì một số các vị này được Thiên Chúa sai làm sứ giả đến với loài người. Các thiên thần là huần thần, vì họ không có xác thân và không tùy thuộc vật chất để hiện hữu hay sinh hoạt. Thánh Kinh dạy ta rằng các thiên thần lập thành một nhóm rất đông, con người không kể hết.Các vị khác nhau xét về sự hoàn hảo về bản chất và ơn thánh. Mỗi vị là một ngôi vị cá biệt. Theo truyền thống Kitô giáo, các vị tạo thành ba loại chính theo thứ tự đi xuống. Chữ “thiên thần” là tên gọi đặc biệt chỉ ca đoàn thiên quốc. Các thiên thần bản mệnh được lấy ra từ đó và được sai đi chăm sóc nhu cầu con người. Sự hiện hữu của các thiên thần đã được Giáo Hội hai lần phán quyết: tại Công Đồng Lateran Thứ Bốn (Denzinger 800) và tại Công Đồng Vatican Thứ Nhất (Denzinger 3002). (Nguyên ngữ La-tinh angelus; từ tiếng Hy lạp, angelos = sứ giả).

Angelic Salutation
Lời Thiên Thần Chào. Phần đầu Kinh Kính Mừng, lặp lại lời tổng lãnh Thiên Thần Gabriel chào Đức Nữ Đồng Trinh Diễm Phúc, cho đế và bao gồm thánh danh “Giêsu”.

Angelism
Phái Như Thiên Thần. Một thuyết nói về nhân sinh nhằm tối thiểu hóa tư dục và do đó bỏ qua nhu cầu cần phải tỉnh thức về luân lý và cầu nguyện trong việc đối phó với hậu quả của tội nguyên tổ. Nói chung, đây là khuynh hướng nhìn nhân sự với một chủ nghĩa lạc quan tếu, coi con người nhân bản như thể các thiên thần vốn không có nhu cầu xác thân và khuynh hướng phạm tội.

Angels (Symbols)
Biểu tượng các thiên thần. Được diễn tả dưới nhiều hình thức nói lên ý muốn Thiên Chúa mà các vị là trung gian. Được miêu tả như sứ giả, trong việc thờ phượng và trong việc thi hành công lý, các vị xuất hiện trong nghệ thuật Tây Phương trước năm 600 CN. Trước thời Constantine, các vị được vẽ không có cánh, nhưng phần lớn cầm gậy để chỉ công việc sứ giả của mình. Chín ca đoàn đã được vẽ rất rõ ràng. Các thiên thần trong nghệ thuật được trình bầy với nhiều món đồ khác nhau, nhạc cụ, bình xông hương, khiên, sách cuộn, và trong một số trường hợp các biểu tượng Chịu Nạn, mặc dù các vị thường được miêu tả trong việc thờ lạy trước Phép Bí Tích Cực Trọng trên trần gian và trước ngai Thiên Chúa trên thiên đàng. Các tổng lãnh thiên thần được miêu tả khác nhau: Micae xua đuổi Xatan xuống hỏa ngục; Gabrien truyền tin Nhập Thể cho Đức Mẹ Maria; Raphaen giữa ông già mù Tôbít. Các tòa thần được miêu tả qùy thờ lạy. Các thiên thần sêraphim tượng trưng cho lửa và tình yêu với sáu cánh mắt đỏ; các thiên thần kêrubim với 4 cánh mắt xanh và cầm cuốn sách, cho thấy nhiều hiểu biết sâu sắc; các quản thần mặc hoàng bào có vương miện quyền uy; các dũng thần với hai mắt có nhiệm vụ phân phối các phép lạ trên trời; các uy thần cầm gươm, cho thấy các ngài chiến thắng ma qủy dưới chân; các quyền thần mang vương trượng giúp việc điều hướng các mệnh lệnh của Thiên Chúa. Biểu tượng của Thánh Nữ Frances thành Rôma là thiên thần bản mệnh, đấng mà ngài thấy hữu hình hằng ngày.

Angelus Bell
Chuông Sai Thiên Thần. Gồm ba tiếng chuông, sau mỗi tiếng có nghỉ, rồi tới chín tiếng trong khi kết thúc Kinh Sai Thiên Thần.

Anger
Tức giận. Một cảm thức bất mãn và thường là chống báng, do thương tổn thật sự hay chỉ biểu kiến phát sinh. Tức giận có thể sôi nổi có thể không, tùy theo mức độ cảm thức ấy bị khích động, mạnh ở trường hợp này mà nhẹ ở trường hợp kia.

Anglican Religious Orders
Các Dòng Tu Anh Giáo. Một số các cộng đồng tu sĩ được Giáo Hội Nước Anh hay một trong các chi nhánh Thánh Công Hội của nó tại các quốc gia khác nhìn nhận và chấp thuận. Sự hiện hữu của các cộng đồng này trong lòng Anh Giáo bắt đầu với Phong Trào Oxford, dưới sự điều động của Keble, Pusey và Newman. Cộng đồng đầu tiên được Edward Pusey khởi đâu. Năm 1841, ông tiếp nhận các lời khấn của Marian Rebecca Hughes, bề trên tu viện Chúa Ba Ngôi tại Oxford. Hiện nay, có nhiều cộng đồng nam nữ tu sĩ trong Hiệp Thông Anh Giáo, cả đơn tu, chiêm niệm và hoạt động. Trong số các cộng đồng nổi tiếng nhất dành cho nam giới ta thấy có Tu Hội Thánh Gioan Thánh Sử, được biết dưới danh xưng Các Cha Cowley, Cộng Đồng Phục Sinh, Dòng Biển Đức tại Caldey, và Dòng Phanxicô tại Dorset. Các dòng nữ bao gồm Cộng đồng Đức Mẹ Đồng Trinh, Cộng Đồng Các Thánh, Cộng Đồng Thánh Margaret và Dòng Chiêm Niệm Yêu Chúa.

Anglo-Catholicism
Công Anh Giáo. Một tên quen thuộc của phần đông các nhóm Công Giáo trong phong trào Thượng Phái của Giáo Hội Anh Giáo và Thánh Công Hội. Các nhóm này nhấn mạnh tới một hình thức nào đó chấp nhận ngôi vị giáo hoàng, bẩy bí tích và một chức linh mục hiến thân (chứ không phải chỉ có tính chức năng).

Animism
Thuyết vạn vật hữu linh. Một hình thức tín ngưỡng và thực hành tôn giáo gán cho các vật vô tri hay cho các sinh vật không phải là người các phẩm tính nhân bản như trí khôn, ý chí và xúc cảm. Các vật được coi là có linh khí và sức mạnh siêu phàm này, trong một số trường hợp, có thể trực tiếp giao tiếp với con người trong các sinh hoạt bản thân và xã hội của họ. Vì sức mạnh gán cho các vật này hết sức phi thường, có khi siêu nhân nữa, nên chúng được khẩn cầu ban ơn phúc và được cúng quả để trừ tai họa. Các nghi thức làm các sức mạnh bí ẩn này nguôi giận và vui lòng là phần cốt yếu trong hình thức tín ngưỡng và thực hành này. (Nguyên ngữ La-tinh anima = linh hồn, nguyên lý sống, sự sống).

Ann
Viết gọn của chữ anni có nghĩa là các năm.

Anna
An-na. Người phụ nữ này là một nữ tiên tri ngày đêm sống tại Đền Thờ. Bà có mặt khi hài nhi Giêsu được cha mẹ mang tới Đền Thờ theo Luật Mô-sen. Khi thấy Người, bà “bắt đầu ca ngợi Thiên Chúa, và nói về con trẻ cho hết những ai đang trông đợi Giêrusalem được giải thoát” (Luca 2:36-38).

Annas
An-nát. Thầy cả thượng phẩm mà Chúa Giêsu bị điệu tới khi các thầy cả và ký lục tìm bằng cớ để kết án tử hình Người. Thực ra, An-nát đã hết làm thầy cả thượng phẩm từ năm 15 CN rồi và được con rể là Cai-pha thay thế, nhưng uy tín ông già này vẫn còn đến nỗi Chúa Giêsu đã bị điệu tới ông ta. Sau khi thất bại trong việc tra hỏi Chúa Giêsu đủ điều về các môn đệ và giáo huấn của Người, An-nát đã cho điệu Chúa Giêsu tới Cai-pha để ông này tra hỏi thêm (Gioan 18:12-24).

Annihilation
Tiêu hủy. Hành vi làm một vật hay điều gì không còn hiện hữu nữa. Theo đức tin Kitô giáo, vì Thiên Chúa tự ý tạo dựng nên toàn bộ vũ trụ, nên Người toàn quyền tự do tiêu hủy bất cứ phần nào hay toàn bộ vũ trụ ấy bằng cách rút lại hành động duy trì của Người và để vũ trụ rơi trở lại hư vô. Tuy nhiên, mạc khiả dạy ta rằng trên thực tế, Thiên Chúa không có ý định tiêu hủy điều Người đã tạo dựng nên. Người ta tin rằng ngay vũ trụ vật chất cũng sẽ không bị tiêu hủy nhưng sẽ được thay đổi một cách đáng kể.

Annihilationism
Phái tiêu hủy. Một trường phái tư tưởng coi sự bất tử của linh hồn là một ơn huệ chứ không phải là một thuộc tính tự nhiên của tinh thần mỗi con người. Nó cũng tuyên tín rằng lúc chết những kẻ không hối cải sẽ không còn hiện hữu nữa.(Nguyên ngữ La-tinh annihilare = làm ra hư không).

Anno Domini
Năm của Chúa. Thường viết tắt theo tiếng La-tinh là A.D. Nó dựa vào năm được coi là năm sinh của Chúa Kitô, theo cách tính của Dionysius Exiguus (chết năm 550). Các học giả ngày nay nhất trí rằng năm sinh thực sự của Chúa Giêsu xẩy ra mấy năm trước đó, hoặc giữa năm 7 và năm 4 trước CN, căn cứ vào cái chết của Hê-rô-đê Đại Đế (Mátthêu 2:19) vào năm 4 trước CN, hay vào năm 6 CN, dựa vào thuế khóa lớn thời Quirinius (Luca 2:1-2).

Anno Hegirae (A.H.)
Năm Hegira. Nghĩa là kể từ ngày Mohammed bỏ Mecca tới Medina. Hegira xẩy ra năm 622 CN và được coi là khởi đầu thời đại Hồi Giáo.

Anno Ineunte
Đầu Năm (Đức Tin). Thư Đức Giáo Hoàng Phaolô VI gửi Thượng Phụ Athenagoras của Constantinople, về các cố gắng hiệp tác giữa Giáo Hội Công Giáo La Mã và Giáo Hội Chính Thống Đông Phương trong mưu ích hiệp nhất giáo hội (25 tháng Bẩy năm 1965).

Annual Confession
Xưng tội hàng năm. Nhiệm vụ lãnh nhận bí tích thống hối ít nhất mỗi năm một lần. Đầu tiên được Công Đồng Lateran Thứ Bốn năm 1215 quy định, từ đó nhiều lần được tái khẳng định, nhất là do Đức Giáo Hoàng Piô X năm 1910 và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI sau Công Đồng Vatican Thứ Hai. Nó có tính bắt buộc theo giáo luật đối với “mọi tín hữu thuộc cả hai phái, sau khi đã đến tuổi khôn” và do đó cả trẻ em và những ai chỉ phạm tội nhẹ. Nó cũng có tính bó buộc vì thiên luật đối với những ai phạm tội trọng kể từ lần xưng tội nên lần trước và được giải tội theo bí tích.