Moment Of Truth
Giây phút của sự thật, khoảnh khắc có tính quyết định, thời điểm quyết định. Hoàn cảnh mà trong đó một người phải đối diện với một thách đố, phải đưa ra quyết định và làm theo tiếng gọi của lương tâm bất kể phải hy sinh thế nào.

Monarchianism
Nhất vị thuyết, Độc thần nhất vị luận, lạc thuyết độc nhất thần vị. Học thuyết lạc giáo bắt đầu vào thế kỷ thứ II, nhấn mạnh đến bản tính đơn nhất của Thiên Chúa tới mức từ chối Ba Ngôi. Có ba hình thức khác nhau: Nhất vị thuyết sơ khai chối bỏ bất cứ sư phân biệt nào giữa các ngôi vị trong Thần Tính và chủ trương rằng Chúa Cha đã nhập thể. Phái duy hình thức chỉ chấp nhận sự phân biệt về các chức năng của Thiên Chúa, chẳng hạn Cha sáng tạo thể giới, Con cứu chuộc, và Thánh Thần thánh hóa. Các phái phụ thuộc thuyết chấp nhận có sự phân biệt giữa các ngôi vị nhưng lại cho rằng các ngôi vị phụ thuộc lẫn nhau. (Nguyên ngữ Hy Lạp: monarch, độc chế, đấng tối cao).

Monastery
Đan viện, Ẩn tu viện, tu viện, Đan sĩ. Nơi cư trú dành cho các tu sĩ ẩn cư. Hạn từ này áp dụng chủ yếu cho các tu sĩ nam nữ sống trong các đan viện kín, sống đời chiêm niệm và đọc chung toàn bộ Kinh Thần Vụ với nhau. (Nguyên ngữ Hy Lạp: monist_rion, bởi động từ monazein, sống một mình, đơn độc).

Monastic Congregation
Liên đan viện. Liên minh hoặc liên hiệp một số các đan viện tự trị.

Monasticism
Đời sống ẩn tu, lối sống đan viện, chế độ đan tu. Lối sống biểu đạt qua sự khổ chế và bỏ mình của các tu sĩ muốn ít nhiều xa cách thế gian, tuân theo các luật lệ ổn định và dưới hình thức các lời khấn, để ngợi ca Thiên Chúa qua việc chiêm niệm và bác ái tông đồ. Nhiệm vụ chính yếu của những ai sống đời chiêm niệm là dâng hiến sự phục vụ khiêm tốn lên Thiên Chúa trong khuôn khổ đan viện. Một số đan viện dành trọn thời gian cho việc chiêm niệm; những đan viện khác lại gắn bó với một số việc tông đồ hoặc bác ái Kitô giáo phù hợp với đặc tính của đời đan tu.

Monday
Thứ Hai. Ngày thứ hai trong tuần, được coi là ngày của mặt trăng, thường được dành để kính thờ Chúa Thánh Thần.

Monism
Nhất nguyên thuyết, nhất thể luận. Hệ thống triết học chủ trương thay thế duy nhất tính của bản thể bằng duy nhất tính trong trật tự vũ trụ. Thuyết này chối bỏ mọi hình thức đa nguyên tính của hiện hữu, vì cho rằng chỉ có Một thực thể và sự đa dạng chỉ là ảo giác. Nhiều triết học gia đã có quan niệm khác nhau về thực thể duy nhất này: đó có thể là tinh thần hoặc vật chất, có thể là tinh thần phát sinh ra vật chất, hoặc có thể là vật chất tiến hóa thành tinh thần. Nhất nguyên thuyết chính là phiếm thần thuyết xét theo quan điểm hiện hữu. (Nguyên ngữ Hy Lạp: monos, đơn nhất, đơn độc).

Monistic Evolution
Thuyết tiến hóa nhất nguyên. Học thuyết phiếm thần chủ trương rằng thực tại luôn luôn tiến triển, thậm chí mọi sự chỉ là đang hình thành, bao gồm cả điều mà các Kitô hữu gọi là Thiên Chúa. Thượng Đế cũng tham phần trong sự phát triển liên tục này của mọi hữu thể để tiến tới sự trọn hảo.

Monition
Lời cảnh cáo. Lời cảnh cáo chính thức, được dự liệu bởi Giáo Luật, cách trực tiếp hoặc qua một người trung gian. Mục đích của lời cảnh cáo là răn đe một người rằng nếu họ không sửa đổi, thì những biện pháp chính thức nào đó sẽ được đưa ra để trừng phạt họ, chẳng hạn, sự chế tài theo pháp luật, sự huyền chức một linh mục khỏi công việc mục vụ, bãi chức một giám mục khỏi nhiệm sở, trục xuất một tu sĩ khỏi tu hội. Những lời cảnh cáo có thể được thực hiện cách công khai hoặc bí mật. Nếu công khai, thì cần đưa ra lời cảnh cáo trước mặt một công chứng viên, hoặc hai nhân chứng, hoặc bằng một văn thư (Nguyên ngữ Latinh: monition, bởi động từ monere, cảnh cáo, răn đe).

Monk
Đan sĩ, Tu sĩ dòng chiêm niệm, ẩn sĩ, thầy tu. Lúc đầu chỉ là các nhà khổ tu hoặc ẩn sĩ, nhưng rồi ngay từ thời Giáo Hội sơ khai đã có tiếp nhận các thành viên sống đời sống cộng đoàn trong các đan viện, qua các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, theo những quy luật đặc biệt, như là bản luật của thánh Basil hoặc thánh Benedict (Nguyên ngữ Hy Lạp: monachos, sống đơn độc, cô độc).

Monogamy
Đơn hôn, thể chế một vợ một chồng. Định chế hôn nhân theo đó người vợ/chồng chỉ có thể có một người phối ngẫu cùng chung sống với mình. Đó chính là tính đơn nhất của hôn nhân, đối lại với tính đa hôn (Nguyên ngữ Hy Lạp monos: chỉ một, duy nhất + gamos: hôn nhân).

Monogenism
Thuyết đơn nguyên, thuyết độc tổ, Đơn ngẫu luận, thuyết nhất nguyên phát sinh. Giáo lý cho rằng nhân loại phát sinh từ một ông tổ duy nhất, đồng hóa với nhân vật Adam trong Kinh Thánh. Đây là giáo huấn truyền thống liên lỷ của Giáo Hội. Theo Kinh Tin Kính của giáo hoàng Pelagius I (triều chính từ năm 556-561) chúng ta đọc thấy rằng: “Tôi tuyên xưng rằng mọi nhân sinh qua mọi thời đại, đều sinh ra bởi Adam và cùng với Adam, hôn thê của ông, cải hai đều không được sinh ra bởi ai khác… sẽ sống lại và sẽ đứng trước ngai tòa thẩm phán của Chúa Kitô, để lãnh nhận sự phán xét mỗi người tùy theo việc họ làm” (Denzinger, 228a). Giáo hoàng Pius XII tuyến bố rằng:” Không người công giáo nào có thể chủ trương rằng sau Adam đã có hiện diện trên trái đất này những con người thực sự mà không bắt nguồn qua sự truyền sinh tự nhiên từ nguyên tổ của nhân loại là Adam”. (Humani Generis, 1950, para. 38). (Nguyên ngữ Latinh mono, đơn nhất + genus, chủng tộc, giòng giống).

Monograms
Chữ viết lồng lên nhau, kết chữ. Những chữ đơn lẻ xếp lồng lên nhau để làm thành một hình thức ký tự gắn kết, thường được sử dụng các biểu tượng Kitô giáo.

Monophysitism
Nhất tính thuyết, lạc thuyết nhất tính. Kitô nhất tính luận. Hệ thống có tính lịch sử nổi lên vào thế kỷ thứ năm, chủ trương rằng nơi Chúa Kitô chỉ có một bản tính. Đó là một cách phản ứng lại Cảnh Giáo (Giáo thuyết Nestorius), một chủ thuyết cho rằng Chúa Kitô có hai ngôi vị. Một trong những nhà Nhất Tính Thuyết sơ khởi là Eutyches (378-454), đan viện trưởng một đan viện gần Constantinople. Trong nỗ lực để bảo vệ duy nhất tính của Ngôi Lời Nhập Thể, ông đã chủ trương bác bỏ nhân tính của Chúa Kitô. Những nhà nhất tính thuyết khác đề cập đến một bản tính duy nhất kết hợp cả nhân tính và thần tính. Bị kết án bởi Công Đồng Chalcedon năm 451, nhất tính thuyết vẫn còn thịnh hành ở Đông phương, nhất là những người thuộc nghi lễ Copt và những người thuộc phái Jacobite ở Syria. (Nguyên ngữ Hy Lạp monos: đơn nhất, chỉ một + physis: bản tính).

Monotheism
Độc thần thuyết, độc thần giáo, Nhất thần luận. Niềm tin chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, là Đấng Sáng Tạo vũ trụ. Đây là niềm tin sơ khai của mọi Hữu Thần Thuyết, bởi vì nhận biết cách toàn tâm toàn ý sự hiện hữu của một Thiên Chúa có ngôi vị, là Đấng thực sự tách biệt với thế giới do chính Ngài đã sáng tạo nên. Điều này khác biệt với Nhất Nguyên Thuyết, đồng hóa Thiên Chúa với vũ trụ. Hơn nữa thuyết này còn quả quyết rằng Thiên Chúa siêu việt và hữu ngã là Đấng duy nhất chứ không có nhiều, do đó cũng đối lập với đa thần thuyết và nhị nguyên thuyết (Nguyên ngữ Hy Lạp monos, đơn nhất, chỉ một + theos, thần).

Monothelitism
Lạc thuyết nhất chí, Thuyết độc chí, đơn chí luận, Kitô nhất chí luận. Lạc giáo bắt đầu từ thế kỷ thứ VII với cố gắng thu phục Nhất Tính Thuyết. Thuyết này lẫn lộn ý tưởng nhân vị với hoạt động không bị phân chia của ý chí đơn nhất, nên chủ trương rằng có một loại hoạt động nhân-thần nơi Chúa Kitô. Đơn chí thuyết công nhận giáo lý chân chính về hai bản tính của Chúa Kitô nhưng lại truyền dạy rằng hai bản tính này có chung một ý chí và chung một hoạt động. Quan điểm này được cổ vũ bởi Sergius (+ 638), Thượng phụ Constantinople, người đã thuyết phục giáo hoàng Honorius ủng hộ lý lẽ của ông. Đông phương bị chia rẽ do cuộc tranh cãi dài hơn một nửa thế kỷ, mãi đến Công Đồng Chung thứ sáu được tổ chức Constantinople, mới đưa ra lời kết án Độc Chí Thuyết năm 681 (Nguyên ngữ Hy Lạp monos, đơn nhất + thelein, ý chí).

Monsignor
Đức ông, cũng có trường hợp hiểu là Đức Cha, Đức Tổng, Ngài. Tước hiệu danh dự được Đức Giáo Hoàng ban tặng cho một số giám chức. Tất các các chức sắc của Giáo Hội bao gồm cả các tổng giám mục và giám mục đều có quyền có tước hiệu này (Nguyên ngữ Ý monsignore, nguyên nghĩa, ông chủ của tôi).

Monstrance (Emblem)
(Biểu tượng) mặt nhật, hào quang. Là biểu tượng của Bí Tích Thánh Thể từ khi mặt nhật trở thành bình thánh để chứa Bánh thánh khi đặt Mình Thánh chầu hoặc Kiệu Mình Thánh. Đây là biểu tượng nổi tiếng của thánh Clare, người được truyền tụng là đã đẩy lui những người không tin khi họ tấn công tu viện của ngài bằng việc trưng bày Chúa Kitô trong mặt nhật hào quang cho họ chiêm ngắm. Thánh Peter Julian Eymard, sáng lập viên Dòng Các Cha Thánh Thể, với nét đặc trưng là Kiệu Mình Thánh và chúc phúc cho dân chúng. Thánh Thomas Aquinas đã tiếp nhận mặt nhật hào quang vào trong nhiều biểu hiệu của ngài như trong hai bài ca nổi tiếng được ngài viết để tôn kính Thánh Thể Chúa là Lauda Sion (ca tiếp liên lễ Mình và Máu thánh Chúa Kitô) và Pange Lingua (thánh thi giờ kinh lễ Mình Máu Thánh Chúa, phần trích đoạn chính là bài “Tantum Ergo” (Đây Nhiệm Tích) thường được sử dụng khi chầu Thánh Thể). Thánh John Neumann, người đầu tiên thiết lập việc chầu lượt 40 giờ ở Mỹ, và Thánh Paschal Baylon, bổn mạng của các Đại Hội Thánh Thể, cả hai đều được coi là nhân vật tiêu biểu trong nghệ thuật với mặt nhật hào quang (Nguyên ngữ Latinh monstrans, từ động từ monstrare, trưng bày, phô diễn, biểu thị).

Montanism
Phái Montanus, lạc giáo Montanus. Phong trào lạc giáo vào thế kỷ thứ hai, tuyên xưng niềm tin vào Tân Giáo Hội của Thánh Thần. Những thành viên của họ tự coi mình được đặc biệt ân ban bởi Thánh Thần với tư cách là những tiên tri của Chúa Kitô tái lâm. Thực chất giáo lý của họ là cho rằng Thánh Thần giờ đây bổ sung mạc khải của Chúa Kitô, và do đó thay thế các giám mục và thậm chí giáo hoàng. Sự “tuôn đổ Thánh Thần” mới này lan truyền khắp thế giới Công Giáo và thuyết phục cả giáo phụ Tertullian vĩ đại (160-220). Phái Montanus ban đầu bị kết án bởi hàng loạt công nghị Á châu và sau một vài lưỡng lự, cũng bị giáo hoàng Zephyrius kết án khoảng năm 202 SCN.

Months, Dedication Of The
Việc thánh hiến các tháng trong năm. Theo truyền thống, mỗi tháng của năm phụng vụ được dành riêng cho một mầu nhiệm đức tin hay một vị thánh đặc biệt như sau: tháng Giêng: Thánh Danh Chúa Giêsu; tháng Hai: Sự Thương Khó; tháng Ba: thánh Giuse; tháng Tư: sự Phục Sinh; tháng Năm: Đức Nữ Trinh; tháng Sáu: Thánh Tâm; tháng Bảy: Bửu Huyết (Máu Thánh Chúa Giêsu); tháng Tám: Sự Thăng Thiên; tháng Chín: Thánh Giá; tháng Mười: Mân Côi; tháng Mười Một: Các Linh Hồn; tháng Mười Hai: Mùa Vọng hay Mùa Chúa Đến.

Month'S Mind
Lễ giỗ 30 ngày. Thánh Lễ đặc biệt dành cho người đã qua đời vào ngày thứ 30 tính từ ngày mất hoặc từ lễ an táng.

Montserrat (Shrine)
Đền Montserrat. Vùng Núi Thánh, cách Barcelona (Tây Ban Nha) 20 dặm. Đặc điểm nổi bật ở đây là bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria và Người Con Chí Thánh của Ngài, cao 38 inches (khoảng 97 cm), làm bằng gỗ và hóa đen do thời gian. Bức tượng đặt trong một nhà thờ được xây cất trên đỉnh núi đá, nơi hiện đang có một Tu Viện Benedictine. Theo truyền thống trước năm 888 SCN, hình ảnh này về Chúa Kitô và Mẹ Người được tìm thấy một cách lạ lùng trong dãy núi đá Montserrat, có những tia sáng lạ lùng và tiếng nhạc thiên thần dẫn lối các nhà thám hiểm đến một hang đá nơi hình ảnh đó được cất giấu. Tất cả các vua Tây Ban Nha đều đến để hành hương tại đền thánh này và danh tánh của nhiều vị thánh như Ignatius Loyola, Vincent Ferrer và Joseph Clasanz cũng liên hệ đến đền thánh. Kể từ Chiến Tranh của Napoleon và Chiến Tranh Dân Sự Tây Ban Nha gần đây, mọi dinh thự đều đã được hiện đại hóa.

Moral
(Thuộc) luân lý, đạo đức, phẩm hạnh. Điều liên quan đến một hữu thể có lý trí trong việc sử dụng ý chí tự do; vì thế liên quan đến đạo đức con người hay là khoa học về đức hạnh của con người. (Nguyên ngữ Latinh moralis, liên quan đến đức hạnh, mos, cách thức, tập quán).

Moral Act
Một hành vi đạo đức, hành vi luân lý, hành vi nhân linh. Một hành vi được thực hiện với sự hiểu biết và ý chí tự do. Được gọi là hành vi luân lý vì hành vi này luôn mang tính cách luân lý, tốt hay xấu. Vì thế, mọi hành động có ý thức và tự do đều là hành vi luân lý.

Moral Argument
Tâm cứ đạo, luận chứng đạo đức, luận chức luân lý. Tranh biện để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa dựa vào lý chứng nơi bản tính luân lý có trong con người. Con người được ban cho một lương tri bẩm sinh để phân biệt đâu là hành động tốt, đâu là hành vi xấu, và có lương tâm yên ổn khi làm một việc được coi là tốt, có cảm thức tội lỗi khi làm một việc xấu.

Moral Cause
Nguyên nhân luân lý. Nguyên lý tự do phân biệt với nhu cầu thiết yếu và đối lại với nguyên nhân thể lý. Một hành động này như là động cơ cho việc thực hiện một hành vi tự do hoặc như là một cơ hội thuận lợi cho một hành động xuất phát từ nguyên lý tự do.

Moral Certitude
Xác tín luân lý, xác tín ức quyết, luân thường đạo lý. Sự đồng thuận chắc chắn liên quan đến nền luân lý của con người dựa trên những phản ứng thông thường khi dự liệu trước về những nhu cầu, khả năng và động cơ nào đó.

Moral Evil
Sự dữ luân lý, tội. Tội, phân biệt với sự dữ thể lý, tức là một hình thức đau khổ nào đó. Là sự dữ vì đi ngược lại thánh ý Thiên Chúa; là sự dữ luân lý bởi vì do một ý chí được tạo dựng có tự do gây ra và chống lại luật của Thiên Chúa, Đấng không hề muốn có sự dữ luân lý dù như là mục đích hay như là phương tiện. Công Đồng Trentô đã kết án giáo lý nào trái ngược (Denzinger 816). Thiên Chúa cho phép sự dữ luân lý xảy ra chỉ vì Ngài tôn trọng tự do con người, và bởi vì Ngài có quyền năng và sự khôn ngoan để có thể rút từ sự dữ ra sự lành. Sau hết, sự dữ luân lý cũng đưa đến mục tiêu tối hậu của vũ trụ là tôn vinh Thiên Chúa, vì chúng vén tỏ lòng thương xót tha thứ và sự thưởng phạt công thẳng của Ngài.

Moral Forces
Áp lực luân lý, vũ lực luân lý. Nhân sự, nơi chốn hoặc sự vật gây ảnh hưởng đến hành vi luân lý của một người. Những áp lực này có thể là công khai hoặc ẩn khuất, ảnh hưởng của chúng có thể là không có tự do hay không có chủ tâm, nhưng chúng là vũ lực luân lý bao lâu chúng tác động đến ý chí tự do của đương sự và góp phần vào việc thực thi các quyết định.

Moral Freedom
Miễn giải luân lý, quyền tự quyết luân lý. Sự miễn chuẩn khỏi các nghĩa vụ hoặc các điều răn và giới luật ràng buộc. Và theo đó đương sự được luật luân lý cho phép để hành động theo lựa chọn riêng. Sự miễn giải luân lý bao hàm ngụ ý rằng có nhiều hành vi nhân linh không nhất thiết là bó buộc hay bị cấm đoán và vì thế có thể được thực hiện mà không có nguy cơ rơi vào điều xấu luân lý; thậm chí việc thực hiện các hành vi này còn là tốt về luân lý, và ngay cả đáng khen ngợi nữa. Sữ miễn giải này có nghĩa trái ngược với bổn phận hay sự bó buộc luân lý.

Moral Good
Điều thiện, điều tốt luân lý. Một điều nâng cao phẩm giá của nhân tính bởi vì nó phù hợp với bản tính đáng có của một con người. Áp dụng vào những hành vi nhân linh, điều thiện chính là phẩm tính để dẫn đưa nhân loại tới mục đích tối hậu, mục đích mà vì đó họ đã được tạo dựng, và ngay trên mặt đất này, nó đã mang lại cho con người hạnh phúc chân thật mà mọi người hằng ao ước.

Morality In Media
Luân lý trong truyền thông, đạo đức truyền thông. Liên quan đến những công dân được dành riêng tại một quốc gia, chẳng hạn như Hoa Kỳ, để ngăn ngừa bằng những phương tiện hợp phát việc sử dụng truyền thông sao cho tránh khỏi những đồi trụy luân lý trong in ấn, điện ảnh, truyền thanh và truyền hình.

Morality Of Music
Luân lý trong âm nhạc, đạo đức âm nhạc. Một sự kiện đã được xác nhận là âm nhạc và bài ca, không kể những ngôn từ được sử dụng, cũng có thể gây lên những cảm giác và xúc động cao quý hoặc hèn hạ khi thính giả nghe phần giai điệu của nó. Đây chính là lý do khiến cho sự ảnh hưởng cảm xúc này dường như tác động sâu sắc hơn là sự liên kết quen thuộc các ý tưởng với một loại âm nhạc hay bài ca nào đó. Điều bao hàm gắn liền với mọi tiết điệu âm nhạc là khơi gợi sự hưởng ứng của con người và sự hưởng ứng đó sẽ nâng cao hoặc hạ thấp luân lý, tùy thuộc vào không chỉ phía người nghe mà cả những gì mà họ được nghe nữa.

Moral Law
Luật luân lý. Quy luật về đạo đức con người, được mặc khải hoặc nhận biết bởi lý trí. Hạn từ này được dùng để phân biệt luật bó buộc bởi lương tâm với những quy tắc và chỉ nam chỉ nhằm bảo đảm một trật tự ổn định.

Moral Miracle
Phép lạ luân lý. Sự bầu cử thần thiêng liêng giúp cho một người có khả năng thực hiện một hành vi nhân đức vốn vượt quá khả năng tự thân của con người.

Moral Order
Trật tự luân lý. Đường hướng thích hợp cho con người hành động để đạt tới mục đích tối hậu của đời người, tức là cuộc sống vĩnh cửu. Trong bậc thang vũ trụ, mối tương quan của tất cả các hành động của con người, dưới sự Quan phòng thần linh, đều hướng về mục đích tối hậu mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho nhân loại. Theo giáo luật và dân luật, đó là tổng thể những quyền lợi và nghĩa vụ đã được thiết lập cách hợp pháp giữa nhân loại nói chung hay là cho một tầng lớp xã hội nhất định.

Moral Positivism
Đạo đức thực chứng thuyết, Thuyết thực chứng luân lý. Học thuyết cho rằng không có luật tự nhiên, và vì thế không có quyền lợi tự nhiên. Mọi nhân quyền, theo đó, đều đến từ nhà nước, từ các khế ước, từ quyền tự do của mỗi nhân vị hoặc từ phong tục tập quán.

Moral Relativism
Thuyết luân lý tương đối. Học thuyết cho rằng mọi chuẩn mực luân lý đều khác biệt và biến thái khi từ chuyển đổi hình thức xã hội này sang hình thức xã hội khác, từ thời điểm lịch sử này chuyển sang thời điểm lịch sử khác. Cũng thế, những nguyên lý đạo đức nền tảng được coi là những sản phẩm của xã hội và không có tính ràng buộc phổ quát, cũng không đặt nền tảng trên một trật tự luân lý khách quan đặt để nơi bản tính con người.

Moral Subjectivism
Thuyết chủ quan luân lý. Học thuyết cho rằng những quy luật đạo đức nơi con người kết cục được xác định chủ yếu bởi mỗi nhân vị. Cách mặc nhiên, thuyết này mang một hình thức nào đó của triết thuyết duy tâm, theo đó, chân lý không có tính tuyệt đối nhưng là một sự sáng tạo của người nào lãnh hội được chân lý đó.

Moral System
Hệ thống luân lý. Theo tư tưởng Công Giáo đây là phương pháp xử lý những hoàn cảnh cụ thể nhằm giải quyết những nghi vấn thực tiễn trong thực hành luân lý. Đó là những vấn đề lấn cấn hoặc hoài nghi xảy đến khi mà một công bố quả quyết sự hợp luật của một hành vi hoặc là công bố bác bỏ hành vi đó, đều hơn kém xung khắc với những lập trường theo trật tự khách quan. Nhiều hệ thống như thế đã được biết đến trong khoa khoa đạo đức, và một số trong đó đã bị Giáo Hội kết án, một số khác lại được luân lý Công Giáo ủng hộ. Trong công việc mục vụ, các cha giải tội và các vị linh hướng được khuyên nên cố gắng để chính bản thân thực thi điều toàn hảo hơn và cũng thế, thúc đẩy tha nhân hãy làm như vậy. Nhưng họ không được áp đặt ý kiến riêng của mình lên những người mà họ đang hướng dẫn bao lâu một quan điểm trái ngược hầu chắc là có thể xảy ra.

Moral Virtue
Nhân đức luân lý. Thói quen tốt của ý chí mà đối tượng trực tiếp là một trong những phương tiện để đạt tới mục tiêu tối hậu hay cứu cánh.

Mordecai
Dưỡng phụ của bà Esther, nữ anh hùng Do Thái trong trình thuật Kinh Thánh, người đã bảo vệ dân tộc của mình chống lại mưu đồ của Haman, một cận thần tin cẩn của vua Ahasuerus. Sau cùng Haman được trao quyền để hủy diệt mọi người Do Thái trong vương quốc, bắt đầu từ ông Mordecai, người mà Haman đặc biệt căm ghét. Nhưng nhờ bà Esther khéo xoay xở đã khiến cho vua nổi xung tới mức treo cổ Haman. Mordecai được thay vào vị trí Haman và người Do Thái được cứu (Esther 1-10).

Mores
Phong tục tập quán. Tục lệ truyền thống hoặc được thiết lập trong một xã hội và đã thủ đắc hiệu lực pháp lý. Các tục lệ này không có giá trị luân lý tự nó mà bởi quy ước. (Nguyên ngữ Latinh mos = thói quen, tục lệ).

Morganatic Marriage
Hôn nhân dị đẳng, không môn đăng hộ đối. Theo sát chữ có nghĩa là của hồi môn được trao lại nhà vào sáng hôm sau ngày lễ cưới. Đó là một sự kết hôn bền vững và hợp thức của một hoàng tử, hoặc một công tử thuộc hoàng thân quốc thích, với một thiếu nữ thuộc tầng lớp thấp hơn, với khế ước thỏa thuận rằng con cái họ sẽ không có quyền thừa kế danh tước công hầu của cha chúng. Và điều này được đền bù bằng một món quà hoặc của hồi môn trả về cho mẹ chúng.

Moriscos
Người Moor. Là những người Hồi giáo Tây Ban Nha và hậu duệ của họ, được phép ở lại Tây Ban Nha qua việc giả vờ trở lại Kitô giáo. Căm thù những kẻ đánh chiếm họ nổi dậy vào thời Philip II và sau khi bị đánh bại (1567-1570), lúc đầu họ bị tống cổ khỏi đất liền và sau cùng bị trục xuất khỏi Tây Ban Nhan năm 1609 bởi vua Philip II (Nguyên ngữ Tây Ban Nha moro=người Moor.

Morning-After Pill
Viên thuốc ngày hôm sau. Viên thuốc ngừa thai có thể ngăn cản sự mang thai dù uống sau khi giao hợp một hoặc hai ngày. Thuốc này tác động đến trứng sau khi đã rụng khỏi buồng trứng. Dựa trên nền tảng luân lý, đó là một sự ngừa thai và là một ý định phá thai, vì người nữ có ý muốn hủy bỏ một tế bào trứng có thể đã thụ tinh.

Morning Offering
Dâng ngày. Lời nguyện để dâng toàn bộ ngày sống cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, được coi là do các thành viên của Hội Tông Đồ Cầu Nguyện (Liên minh Thánh Tâm) vì bản đầu tiên được Tòa Thánh phê chuẩn là vào năm 1879. Nội dung truyền thống của Kinh Dâng Ngày như sau:” Lạy Chúa Giêsu, con xin nhờ Trái Tim cực sạch Đức Bà Maria mà dâng cho Trái Tim Chúa mọi lời con cầu xin, mọi việc con làm, mọi niềm vui và mọi sự khốn khó con chịu trong ngày hôm nay, để làm theo ý Trái Tim Chúa, và hiệp với của lễ trên bàn thờ trên khắp thế giới, để đền thay mọi tội lỗi con, cầu cho mọi ý cầu xin của tất cả hiệp hội chúng con, đặc biệt là cầu xin theo ý Đức Giáo Hoàng”.

Morning Prayer
Kinh Sáng. Giờ kinh thứ hai trong Kinh Thần Vụ, cũng gọi là Kinh Ngợi Ca. Kinh Sáng bao gồm các phần chính: thánh thi mở đầu, ba thánh vịnh, thánh thi Benedictus của Zechariah và các lời nguyện.

Morose Pleasure
Khoái cảm u uất. Sự thỏa mãn cố ý trong việc tội, do trí tưởng tượng bày ra nhưng không kèm theo ước muốn phạm tội. Cũng được gọi là nhục cảm u sầu (morosa delectatio).

Mortification
Hãm mình, phạt xác, tiết dục, khổ chế. Một việc thực hành khổ chế Kitô giáo nhằm vượt thắng tội lỗi và làm chủ các khuynh hướng về đàng tội thông qua việc sám hối và khổ hạnh, để tăng cường ý chí trong việc thực hành các nhân đức và thăng tiến trong việc nên giống Chúa Kitô. Sự hãm mình tự nhiên là một phần thông thường của tự phạt xác; sự hãm mình siêu nhiên, dựa trên đức tin, là tìm cách thăng tiến trên đường thánh thiện nhờ vào công hiệu của việc cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa. (Nguyên ngữ Latinh mortification, sự giết chết, hành hình).