Chúa Nhật 3 quanh năm B (Jon 3, 1-5.10; 1 Cor 7, 29-31; Mc 1, 14-20).

Chúa gọi và sai tiên tri Giona đi rao giảng sự sám hối cho dân thành Ninivê, thủ đô của Assyria, khoảng từ trước năm 625 B.C.. Giona muốn trốn chạy nhưng Chúa đã quan phòng mọi sự cách diệu kỳ. Ông Giona đã được đưa đến thành Ninivê và bắt đầu kêu gọi mọi người ăn năn trở về cùng Chúa. Dân thành đã sám hối và Chúa đã tha phạt cho họ. Tiên tri Giona nhận ra rằng ông chỉ là dụng cụ Chúa dùng để rao giảng sự sám hối. Ông chu toàn sứ mệnh của mình. Việc thưởng phạt là do ý muốn của Chúa, chứ không phải do quyền quyết định của con người. Sám hối là điều kiện tiên quyết để rẽ sang một con đường mới và một lối sống mới. Sám hối đòi hỏi sự thay đổi từ nội tâm. Dứt bỏ con đường cũ, thói xấu cũ và chọn lựa cách sống mới. Sống theo đường lối của Thiên Chúa đã khai mở.

Khởi đầu sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã mời gọi: Thời gian đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến, anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào phúc âm. Vì mọi người đều là tội nhân, nên Chúa Giêsu mới mời gọi sám hối. Chúa biết được những yếu đuối và tội lỗi của con người. Chúa đã đến để rao truyền ơn cứu độ. Muốn lãnh nhận ơn cứu độ, mỗi người phải thành thật nhìn nhận thân phận tội lỗi, yếu hèn và ăn năn sám hối tội lỗi. Những nẻo đường chúng ta đang bước theo, có con đường hẹp dẫn đến sự trọn lành và cũng có con đường thênh thang xuôi dòng dẫn vào lối cùng. Chúa Giêsu khai mở một con đường mới, con đường của tình yêu Phúc Thật. Chúa mời gọi chúng ta: Hãy theo Thầy. Bước theo Thầy để vượt qua ngõ kỳ thị, so sánh phân biệt và loại trừ.

Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người để sống trong ân sủng. Chúa tác tạo mọi loài có âm có dương và con người có nam có nữ, để nâng đỡ dẫn dắt nhau nên hoàn thiện. Vạn vật trong vũ trụ có sự luân chuyển hài hòa. Mọi loài thụ tạo cũng dựa theo luật tự nhiên để sinh tồn. Tự thiên nhiên không có sự phân biệt tốt xấu, cao thấp hay lành dữ. Riêng con người có trí khôn, ý chí và tự do. Với sự tự do chọn lựa, qua hệ thống suy tư, con người đã tạo nên biết bao bức tường ngăn cách và phận biệt. Con người đã làm nên hố phân cách lành dữ, tốt xấu và thưởng phạt trong suy tưởng và ngôn ngữ. Cuộc sống con người bon chen đi từ sự so sánh, rồi đến thi đua và sau cùng là hy sinh, sát hại lẫn nhau.

Con người chúng ta có hoài bão lớn lao, lý tưởng cao đẹp và ước muốn vô hạn. Nhưng con người lại tự giới hạn chính mình trong những tương quan và phán quyết thiển cận hằng ngày. Hầu như trong tất cả mọi chon lựa, phán đoán và ứng xử nào, chúng ta đã bị giới hạn trong phân nửa theo quan niệm của mình. Mỗi người lớn lên và trưởng thành trong một môi trường văn hóa, chính trị, tôn giáo và triết thuyết khác nhau. Mỗi người được trau dồi và hấp thụ những tư tưởng theo những chủ thuyết, ý thức hệ, trào lưu tư tuởng nơi trường lớp và xã hội đặc thù. Sự hiểu biết hình thành nơi mỗi người đều bị giới hạn. Mỗi người bị giới hạn trong quan niệm sống khác biệt, như giữa văn hóa Đông và Tây, giữa Âu và Á, giữa các hệ thống triết thuyết, các tôn giáo với niềm tin hữu thần, vô thần và đa thần. Cái ‘tôi’ hiện hữu rất giới hạn. Đôi khi chúng ta dùng ‘cái tôi’ của mình để so sánh và loại trừ người khác. Khi chúng ta nói về cái tôi, gia đình tôi, nhóm tôi, cộng đoàn tôi, giáo xứ tôi, nước tôi, tôn giáo tôi, chủng tộc tôi và ngôn ngữ tôi… cái gì của tôi xem ra cũng tốt hơn của người khác. Và ngay khi đó, chúng ta đã tự giới hạn cái nhìn của mình và bỏ qua một phần bên kia mà chúng ta chưa tìm hiểu.

Chủ trương của tôi hay nhóm của tôi thì tốt, còn nhóm kia thì xấu. Đạo Công Giáo của chúng tôi thì tốt lành, còn anh em Tin Lành thì sai lạc, bè rối. Dòng tu này thì tốt hơn Dòng tu kia. Cho rằng tôn giáo của chúng tôi là chân thật, còn anh em Hồi Giáo là cực đoan và bạo lực. Văn hóa của chúng ta thì hợp thời, còn văn hóa của các nước bạn thì tha hóa. Dân tộc của tôi thì chăm chỉ và thông minh, còn dân tộc khác thì tầm thường. Hầu như tất cả mọi vấn đề khi nhận xét phán đoán, chúng ta tự giới hạn mình về một bên và loại trừ phía bên kia. Nếu chúng ta không biết rộng lòng mở trí để nhìn thấu đối phương, chúng ta sẽ đánh mất một phần của sự hiểu biết. Biết rằng một phần bên kia mà chúng ta loại trừ, có rất nhiều điểm tích cực và tốt đẹp mà chúng ta chưa học hiểu và nhận ra.

Suy tư vấn đề này giúp chúng ta mở rộng tâm trí để nhìn vượt lên trên những so sánh bình thường. Ví như khi nói về một người nào, chúng ta có thể đánh giá ngay rằng người đó tốt hoặc xấu theo quan điểm của chúng ta. Khi đặt người khác vào phạm trù xấu nào, là chúng ta đã loại trừ người đó. Có những đánh giá hoặc phán đoán bất công, khi chúng ta chưa hiểu thấu về cá nhân con người và vấn đề liên quan. Chúng ta vội vàng kết án người khác, khi chỉ được nghe hay đọc câu truyện một chiều hay một trích đoạn nào đó còn nhiều phiến diện. Chúng ta cũng có thể rơi vào những xét đoán bất cập, khi chúng ta phê bình một người và một cuộc đời dựa vào một vài chi tiết được cắt xén theo ý riêng. Biết rằng trong bất cứ một tổ chức hay sinh hoạt nào trong tôn giáo hay xã hội, chúng ta đều cần có những ý kiến thuận nghịch, nhờ đó sẽ giúp nhìn vấn đề được sáng tỏ. Tất cả các khuynh hướng hay chủ trương đều có những điểm tốt cần được đón nhận. Biết lắng nghe và tìm hiểu cặn kẽ vấn đề là điều rất quan trọng.

Khi Chúa Giêsu xuất hiện ra rao giảng tin mừng, Chúa đã đối diện với một quyền lực khống chế dựa trên những luật lệ pháp quyền. Các nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội có nhiều những phân định giữa con người. Những luật lệ khắt khe đối với những người phung cùi, những kẻ tội lỗi và những bất hạnh trong cuộc sống. Họ thường tránh xa những nhóm người khố rách áo ôm, phong cùi, thu thuế, gái điếm hay phường tội lỗi. Chúa Giêsu đã vượt qua biên giới của sự phân biệt bằng chính tình yêu, sự cảm thông và lòng thương xót của Ngài. Chúa gạt bỏ mọi ngăn cách, Chúa đã gặp gỡ những người bệnh hoạn tật nguyền, những kẻ bị khinh bỉ loại trừ và hòa mình vào đám dân lao động. Chúa đã chọn các tông đồ từ những người chài lưới thất học, tuy hơi cộc cằn nhưng đơn sơ, chân thành và nhiệt tình.

Chúa Giêsu không bị những thiên kiến hay khuynh hướng ràng buộc. Chúa hoàn toàn tự do trong việc giảng dạy và chọn lựa các tông đồ. Chúa đã gọi và chọn những người xem ra tầm thường để thi hành những sứ vụ ngoại thường. Tâm hồn của các ngư phủ không bị ảnh hưởng bởi các bè phái chính trị, tôn giáo hay xã hội. Chúa nhìn vào cuộc sống đơn thành và sự nhiệt tâm của họ. Anrê, Phêrô, Gioan và Giacôbê là những môn đệ đầu tiên được Chúa chọn lựa. Họ đang chu toàn bổn phận của một người cha, một người thợ và một người công dân chân thật. Mặc dầu các ngài đã có những lần yếu đuối sa ngã nhưng sau khi đã phục thiện, các ngài là những chứng nhân anh hùng dám hy sinh mạng sống cho Thầy và vì Thầy.

Lạy Chúa, tâm hồn chúng con đang bị ngụp lặn trong những thành kiến và loại trừ lẫn nhau. Chúng con an vui tự tại trong những cách suy nghĩ của chúng con. Chúng con cứ tưởng rằng chúng con đang sống ổn định trong sự hoàn hảo thánh thiện. Trong khi đó chúng con lại đang gây gỗ và chia rẽ trong chính thân thể mầu nhiệm của Chúa. Chúng con nhân danh Chúa Kitô để bách hại, phân biệt và loại trừ nhau. Xin Chúa thương tha thứ lỗi lầm. Xin cho chúng con có trái tim rộng mở biết chấp nhận, thông cảm và nhìn ra những điều tốt lành nơi anh chị em chúng con.