MẸ LÊN TRỜI- Quan Thầy Gia đình LEGIO-MARIA

NOI GƯƠNG MẸ HĂNG SAY TRUYỀN GIÁO

(Lc 1, 39-56)

Hôm nay Giáo Hội mừng kính trọng thể Mẹ về Trời cả Xác- Hồn, một trong 4 đặc ân cao trọng Chúa tặng riêng cho Mẹ: Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội- Mẹ Thiên Chúa- Mẹ Đồng Trinh trọn đời và Mẹ về trời cả xác hồn. Mẹ lên trời chính là quan Thầy Giáo xứ cách riêng của Gia đình Legio.

Việc Chúa trọng thưởng đón Mẹ về trời cả Xác- Hồn, lần nữa càng xác quyết Mẹ đầy tròn Phúc ân của Thiên Chúa, luôn có Chúa ở cùng.

Bài giảng của Cha xứ lễ Chiều Chúa Nhật vừa qua (Mừng Quan Thầy Giáo xứ) đã làm sáng rõ tính hợp lý xét trên bình diện Nhân bản cũng như trên bình diện Giáo lý. Giờ đây, xin được chia sẻ dưới góc nhìn khác: sống Truyền giáo theo gương Mẹ.

Truyền giáo ở đây hiểu theo nghĩa đen- nghĩa của Kinh Thánh là đem Chúa Giêsu cho Lương dân những người chưa biết, chưa tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.

Trước hết ta hãy đến Giáo Hội Hàn Quốc đang là điểm son Truyền giáo của Giáo Hội, nhất là ở Châu á.

Hồi thập niên 1980 trong mười năm chuẩn bị lễ phong thánh cho các vị tử đạo Đại Hàn, Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn đã phát động phong trào mỗi một tín hữu phải làm sao để cho một người khác theo đạo, khiến cho số tín hữu đã gia tăng gấp đôi. Ngày nay Công Giáo Hàn quốc hơn 5 triệu người, chiếm hơn 10%. Hiện này, Giáo Hội Hàn quốc đang vận động phong trào “truyền giáo hai mươi hai mươi”, nghĩa là đến năm 2020 số tín hữu Công Giáo Nam Hàn có triển vọng sẽ đạt 20% tổng số dân, từ 5 triệu tăng lên 10 triệu.

Tại sao Truyền giáo ở Hàn quốc Phát triển mạnh mẽ? Phải công nhận không chỉ hàng Giáo phẩm rất quan tâm đến hoạt động Truyền giáo, bên cạnh ấy, phần chủ lực- những chiến sĩ Truyền giáo xung kích trên mặt trận Truyền giáo thuộc về người Giáo dân, trong đó góp phần không nhỏ là những hội viên Legio Maria.

Còn chúng ta, quê hương VN thì sao?

Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, trong Đại Hội Truyền Giáo Tổng Giáo phận Sài gòn, 22-10-2011 cho biết, vào năm 1960, tỷ lệ người Công Giáo chiếm 7,17% dân số cả nước, và cuối năm 2010, tỷ lệ này cũng chỉ là 7,18%. Và ngài đã đặt câu hỏi, “Chúng ta sống đạo như thế nào mà không làm tăng thêm (số người Công Giáo) được 1% dân số trong 50 năm qua?” (nguồn http://tinvuixuanloc.vn)

Trong bài giàng hôm lễ Mừng Quan Thầy Đaminh của Đức Cha Giáo Phận, Đức Cha Giuse, Giám mục Phụ tá Giáo Phận dùng hình ảnh rất sinh động, phần nào lý giải nguyên nhân tại sao: Một hồ nước tươi mát (tượng trưng nguồn suối Tin Mừng Cứu độ) đã bị các vách núi- là chúng ta ngăn chặn, trong khi ngay bên ngoài là cánh đồng (Lương dân) đang hoi hóp, chết héo vì thiếu nước. Dường như chúng ta sống Đạo chỉ biết co cụm trong Giáo xứ.

Nói như cha Pio Ngô Phúc Hậu- Nhà Truyền giáo nổi tiếng cuối vùng đất nước: “Tin Mừng của Chúa đã vón cục trong Giáo xứ, Giáo xứ là cái Ghetto quản thúc Tin Mừng. Nó là cái pháo đài ngạo nghễ để biến chúng con thành những người tự cao tự đại trước mặt lương dân” (x. Nhật Ký Truyền giáo, bài Gx Caphanaum).

Trở về bài Tin Mừng.

Tin Mừng hôm nay thuận lại cuộc Mẹ thăm viếng bà chị họ Isave; nghĩa là ngay sau khi nhận được Đấng Cứu độ là Chúa Giêsu ngự lòng, Mẹ không bo bo giữ cho riêng mình mà theo ý Chúa và trong sức mạnh Chúa Thánh Thần Mẹ tức tốc đem Chúa Giêsu chia sẻ cho người khác- đem ơn Cứu độ của Chúa Giêsu cho người khác, cụ thể là gia đình ông Giacaria.

Mẹ Maria, nhà Truyền giáo tiên khởi đã đem Đức Giêsu cho nhân loại qua tiếng “xin vâng” (x.Lc 1,38), người đầu tiên đem Tin Mừng Cứu độ cho gia đình Giacaria, biểu lộ qua việc hài nhi Gioan nhảy mừng trong bụng mẹ (x.Lc 1,39-45). Mẹ là mẫu mực cho mọi người về sống Truyền giáo- đem Chúa Giêsu cho người khác.

Nơi Mẹ Maria, Giáo dân Truyền giáo không chỉ tìm thấy mẫu gương sống động mà còn tìm được cái gì đó rất gần gũi, rất thân quen, rất đời thường. Thật vậy, Mẹ Maria chính là và luôn là tín hữu Giáo dân (cả Do Thái giáo và Kitô giáo). Mẹ đã sống cuộc đời như mọi người, đã vất vả lo lắng trong gia đình nhưng luôn kết hợp với Đức Kitô (x.TĐ 4); Mẹ luôn đồng hành và cầu nguyện - dẫu trong âm thầm- với Giáo Hội ngay từ đầu Giáo Hội khai sinh và trong thời đầu sơ khai nhiều nguy nan. Có thể nói, khi còn ở dương thế Mẹ là điểm tựa đáng tin cậy nhất cho Nhóm Mười Hai, mỗi khi cần bàn hỏi những vấn đề quan trọng liên quan đến Chúa Giêsu, liên quan đến Chân lý Cứu độ.

Mẹ Về trời hưởng trọn ơn Cứu độ của Chúa Giêsu và cũng như Chúa Giêsu, Mẹ mong mỏi chúng ta lên trời, và không chỉ chúng ta mà tất cả mọi người cũng được tin nhận Tin Mừng Cứu độ để cùng lên Trời với Mẹ, như Mẹ. Nghĩa là như Chúa Giêsu, Mẹ mong mỏi chúng ta sống Truyền giáo: Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Ba Ngôi, dạy họ tuân giữa mọi điều Chúa Giêsu truyền dạy (x. Mt 28, 19-20)

Chúng ta là con Mẹ, tự hào có Mẹ Lên Trời, song ta có sống đúng với phấm giá con người và con Chúa chưa? Có sống bản chất của Giáo Hội và cũng là của mỗi chúng ta là Truyền giáo?

Vậy chúng ta sống tinh thần Truyền giáo thế nào?

Hôm nọ về Giáo xứ Bắc Minh Thêm sức, Đức Cha Đaminh kính yêu của Giáo Phận chúng ta có minh họa giai thoại Thánh Phanxicô Khó nghèo rủ thầy Dòng ra phố Truyền giáo. Khi về lại nhà Dòng vị thầy thắc mắc khi chẳng thấy Truyền giáo, thì được Cha Thánh Phanxicô giải thích: Với cung cách sống của chúng ta có Chúa Giêsu hiện diện trong người, khi gặp gỡ tiếp xúc, giúp người khác thắc mắc rồi nhìn lại mình, xem lại đời sống Đạo của mình đã là Truyền giáo.

Đức Phaolô VI từng khuyến cáo: Ngày này người ta không cần những thầy giảng, chỉ cần những chưng nhân; Thầy giảng chỉ có giá trị khi đồng thời là chứng nhân Tin Mừng.

Hẳn nhiên sống Đạo- sống Đức tin với Tinh thần Truyền giáo, xin đặc biệt lưu ý đến Lương dân.

Về điểm nay, Giáo hạt Phước Lý- Giáo xứ ta đang có cơ hội vàng vì sống giữa, sống gần với Lương dân. Trong môi trường thuận lợi ấy, ta Truyền giáo bằng cách sống tốt- làm tỏa sáng Giới luật Yêu thương, tức đi vào cái cốt lõi của Tin Mừng Cứu độ là cách Truyền giáo hiệu nghiệm nhất.

Chúng ta sống tốt, sống yêu thương nếu chỉ giới hạn ở mình, tức chỉ thấy được tấm lòng thương yêu của mình thì chưa phải Truyền giáo; chỉ khi qua ta, Lương dân nhận ra Trái Tim của Chúa Giêsu, nhận ra ánh sáng Tin Mừng Cứu độ là Chúa Giêsu thì mới đúng là Truyền giáo.

Nói thế để trong những hoạt đọng Tông đồ Giáo dân, cách riêng của Gia đình Legio, kể cả ban ngành đoàn thể khác chú trọng đến đối tượng Lương dân, yêu thương tôn trọng và đừng ngại đối thoại với Lương dân.

Nói thế để tất cả chúng ta ý thức làm chứng cho Tin Mừng sự thật- yêu thương trước mặt Lương dân.

Tôi xin được kết hai mẩu truyện mini từ cuộc sống, có lẽ không được vui, song liều thuốc đắng này lại rất tốt để ta nhìn lại cách sống Đạo của mình.

1. Thỉnh thoảng Linh mục trẻ ra khu chợ vùng Đạo mua ít đồ linh tinh, vừa có thêm trải nghiệm đời sống thường ngày của Dân Chúa…

- Cha.. Cha… Cha…, bất ngờ có tiếng gọi giật lại, nghe có phần thảnh thốt, có âm điệu mừng vui.

Ngài dừng lại. Chị chủ vừa nói, vừa tay móc bóp, vừa đi nhanh lại

- Bữa trước tính dư của Cha bảy ngàn (7.000đ) , gọi mà Cha không nghe. Đây cho tui trả lại.

- Thôi, tặng Chị luôn.

- Không, cho tui gởi lại Cha… Ăn tiền không phải của mình trời phạt chết.

Chị là Lương dân, có lẽ hơi đơn điệu trong khu chợ ‘toàn Đạo’ này.

Sứ vụ có tính bản chất của người Môn đệ theo Chúa Giêsu là Rao giảng Tin Mừng Cứu độ bằng đời sống Chứng nhân Tin Mừng. Không biết ‘nhà ta’ nêu gương sáng gì cho Chị chưa, đã đem Tin Mừng gì cho Chị ?

Còn trước mắt, Chị đã nêu gương sáng của một con người có lương tâm ngay thẳng.

2. Bạn đang hậm hực vì món đồ mua biếu người quen gặp phải tên… cứa cổ.

Bạn kể, hôm nọ vì đột xuất, cần quà biếu người quen, liền tạt vào một tiệm tạp hóa chỗ nọ trông khá ‘sầm uất’, ai ngờ chủ tiệm… chém đẹp.

Bạn không quen trả giá, chỉ biết bấm bụng mà trả.

Bạn ấm ức: Cũng món đồ đó, mới mua ở chỗ kia chỉ có giá thế này, thế này.

‘Chỗ nọ’ là khu hầu như ‘toàn tòng’ Công Giáo. ‘Chỗ kia’ là khu chợ người miền Nam, chủ lực Lương dân.

Anh không phải người nhẹ dạ, vốn máu báo chí trong người anh đi kiểm chứng.

Khi đi kiểm chứng, chết chỗ lại đúng như Bạn Lương dân nói.

Điều đọng lại trong anh và trong tôi là niềm áy náy và nỗi buồn tê tái.

Mang danh Kitô hữu mà buôn bán kiểu thắt cổ- cứa cổ như thế, để lại hình ảnh rất xấu về gian tham, không những không làm chứng được cho Tin Mừng Sự thật – Yêu thương mà còn bóp méo- bóp chết đến Tin Mừng.

Thưa Mẹ Maria, hôm nay Giáo Hội mừng trọng thể Mẹ Về Trời, xin giúp chúng con- những người con của Mẹ đang còn lữ khách thế trần can đảm sống Đức tin, trở thành chứng nhân Truyền giáo ngay môi trường mình sống, nhất là trước anh chị em Lương dân. Amen

Lm. Đaminh Hương Quất