Vatican: Tên sát nhân người Thổ, kẻ đã bắn vào Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong một cuộc ám sát vào năm 1981 đã được thả tự do khỏi nhà tù tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày thứ Năm 12/1/2006.

Liền sau khi bước ra khỏi tù, Mehmet Ali Agca đã bị còng ngay lập tức và được điệu đến trung tâm tòng quân để đăng ký nhiệm vụ quân sự, một nhiệm vụ bắt buộc đối với tất cả công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Agca đã được khám sức khoẻ để xem có thể được miễn dịch hay không. Agca đã trốn nghĩa vụ quân sự khi có tên trong danh sách thi hành quân dịch vào thập niên 1970.

Từ khi bị dẫn độ từ Italia về Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2000. Agca đã ngồi tù 5 năm trong bản án 10 năm về tội giết một ký giả Thổ Nhĩ Kỳ và 2 tội đi ăn cướp trong cùng một năm 1979. Theo nguồn tin tường trình từ Thông Tấn Xa Anatolia cho biết tòa án Thổ đã ra quyết định rằng Agca đã thi hành trọn án tù và được thả ra.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, ông Joanquin Navarro-Valls bình luận trong một thông tin đưa ra vào ngày 8/1 dựa trên "những tin tức về sự quyết định của tòa án có thể trả tự do Ali Agca", nói rằng quyết định thả Agca tùy thuộc nơi thẩm quyền tòa án Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên quan đến vấn đề "một bản chất công lý", bản thông tin nói Tòa Thánh Vatican đã "đệ trình tới những quyết định của tòa án liên quan đến vấn đề này".

Đối với quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI rất có thể sẽ tông du tới quốc gia này vào mùa Thu năm nay.

Mehmet Ali Agca, vừa hết năm tuổi tức tuổi con gà 48 tuổi, đã ngồi tù 19 năm tại Italy trong bản án chung thân vì tội sát hại Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II tại Quảng Trường Thánh Phêrô trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư hàng tuần vào ngày 13/5/1981.

Những ngày vừa sau khi bị bắn, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công khai tuyên bố tha tội cho Agca và vào năm 1983 Đức Thánh Cha đã đến nhà tù Roma thăm và ôm lấy kẻ đã bắn vào mình. Tuy nhiên trong cuốn "Ký Ức và Căn Tính" (Memory & Identity do Nhà xuất bản Weidebfeld & Nicolson, UK) trang 180, Đức Giáo Hoàng kể lại rằng: "Đúng, tôi nhớ lại chặng đường tới bệnh viện. Trong một khoảng khắc ngắn ngủi, tôi đã bất tỉnh. Tôi có một cảm giác rằng tôi sẽ sống sót. Tôi bị đau và đây đã là một lý do để sợ sệt nhưng tôi có một sự tín thác lạ thường. Tôi nói với cha Stanislaw (vị thư ký riêng của Đức Thánh Cha nay là Tổng Giám Mục tại Krakow, Balan) rằng tôi đã tha thứ cho kẻ sát hạt tôi. Những gì đã xảy ra tại bệnh viện, tôi không còn nhớ." Tức là trên đường tới bệnh viện trước khi bị bất tỉnh Đức Thánh Cha đã tha thứ cho kẻ ám hại ngài.

Mặc dầu Agca phải ngồi tù thi hành bản án chung thân vì tội sát hại Đức Thánh Cha, thẩm quyền Italia đã khoan hồng thả tự do cho Agca vào năm Thánh 2000 và trả y lại cho Thổ Nhĩ Kỳ. Vào thời điểm ấy, Tòa Thánh cho biết chính đích thân Đức Gioan Phaolô II đã can thiệp để cho Agca được tự do.

Sau khi bị dẫn độ về quê hương mình, Agca đã bị chuyển thẳng vào nhà tù Thổ vì tội giết chủ bút của một nhật báo tự do Thổ Nhĩ Kỳ và 2 tội đánh cướp vào năm 1979.

Luật mới của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm bản án chung thân hay phải ngồi tù 36 năm theo luật Thổ, chỉ còn bản án 10 năm. Cộng thêm luật hình sự được cải cách đã khiến cho tòa án Thổ Nhĩ Kỳ phán quyết rằng Agca đã thi hành đủ bản án tức chỉ còn 5 năm.

Đức Hồng Y Renato Martino, người kế nhiệm Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận trong chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, nói rằng Hội Đồng của ngài không muốn xen vào quyết định của tòa án Thổ khi ra phán quyết rằng Agca "đã trả nợ của y cho công lý".

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Martino nói rằng những bài đọc Kinh Thánh trong Mùa Giáng Sinh vừa qua đã nói đến Đức Kitô được sai đến để "công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha" (x Lc 4:18).

Trong một thông tư Đức Hồng Y gởi đi vào ngày 9/1, Đức Hồng Y nói Đức Kitô, với lòng thương xót của Người, sẽ không bẻ gãy "cây lau bị giập", cũng không dập tắt "một tim đèn leo lét".

Đức Hồng Y Martinô cũng ghi chú rằng "Đức Gioan Phaolô II, người đã lập tức tha thứ cho kẻ tấn công ngài, đã đưa ra chủ đề trong thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới: "Ở đó sẽ không có hòa bình nếu không có công lý, không có công lý nêu không có sự tha thứ".

Vị cựu thư ký riêng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Dziwisz tại Krakow nói rằng Cố Giáo Hoàng "sẽ ca tụng" đến tin tức Agca được thả tự do khỏi tù.

Đức Tổng Giám Mục Stanislaw đã nói với tờ báo "Người Đưa Tin Chiều" (Corriere della Sera) số xuất bản ngày 9/1 rằng "Thành thật mà nói Đức Thánh Cha đã tha thứ cho anh ta ngay từ giây phút đầu, và rồi Ngài đã gặp anh ta trong tù, Ngài nói chuyện với anh ta như một người anh".

Theo tờ báo Cộng Hòa (Repubblica) tại Italia đưa tin sau khi được báo tin Agca sắp được thả tự do, Agca đã ký một lá thư ngắn gởi tới Tòa Thánh bày rỏ lòng biết ơn của hắn ta và gia đình vì sự nâng đỡ của Tòa Thánh".

Tờ báo đã trích dẫn đoạn thư "Trong quá khứ 25 năm qua, Tòa Thánh đã luôn luôn gần gũi đến chúng tôi, đã nâng đỡ chúng tôi, đã tỏ ra rất cởi mởi. Vì điều này tôi cám ơn đến Tòa Thánh Vatican rất nhiều".

Agca viết Tòa Thánh Vatican đã ứng xử với Agca và gia đình của anh ta, tỏ cho thấy tôn giáo là "một dấu chỉ của tình anh em và đối thoại".

"Những lời cám ơn vô bờ của tôi" và "nhân dịp được thả ra và đại diện cho toàn thể gia đình họ Agca, tôi gởi lời chào trân trọng tới vị tân giáo hoàng", Đức Giáo Hoàng Biển Đức.

Từ khi sát hại Đức Giáo Hoàng, vào nhiều thời điểm khác nhau Agca đã nhiều lần phát biểu linh tinh nay thế này mai thế khác cho những gì đã xảy ra và những ai mưu toan đứng đằng sau vụ đó. Đã một lần Agca nói là tình báo Bulgaria đã mướn hắn theo mệnh lệnh của cơ quan tình báo Sô Viết KGB, là cơ quan tình báo của chế độ cộng sản Sô Viết cũ. Vụ này đã đưa đến một phiên tòa và tuyến bố trắng án cho bên bị cáo là Bungary và Thổ Nhĩ Kỳ đã không dính líu tới Mehmet Ali Agca vào năm 1986.

Sau đó thì Agca lại nói rằng sự liên lụy với Bulgary là một trò bịa đặt của tình báo Italia đã hứa hẹn với Agca là sẽ được thả sớm nếu theo đúng kế hoạch của họ.

Vào những năm gần đây, Agca lại nói là y hành động một mình ên. Agca là một người Hồi Giáo, đã công khai nói vào năm 1979 là sẽ giết giáo hoàng khi Đức Giáo Hoàng viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ; trong một lá thư gởi cho nhiều tờ báo Thổ, hắn gán cho Đức Giáo Hoàng là "viên chỉ huy trong cuộc Thập Tự chinh" được các chủ nghĩa đế quốc Phương Tây gởi đi.

Trong cuốn "Ký Ức và Căn Tính" (Memory & Identity), lần rỡ lại chương "Có một ai nhất định đã lèo lái viên đạn đó", ở trang 184 Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bày tỏ rằng "Khoảng Giáng Sinh năm 1983, Tôi đã viếng thăm người tấn công tôi tại tù. Chúng tôi nói chuyện hồi lâu. Ali Agca như mọi người biết, là một tay ám sát chuyên nghiệp. Điều này có nghĩa là cuộc tấn công không phải do riêng ý định của anh ta, nó là tư tưởng của một ai đó, hay một người nào đó đã ủy thác cho anh ta thi hành. Trong cuộc nói chuyện của chúng tôi, thật rõ ràng là Ali Agca vẫn còn kinh ngạc là làm sao mà cuộc mưa sát lại có thể bị thất bại như thế. Anh ta đã đã hoạch định tỉ mỉ, chú trọng đến từng chi tiết nhỏ nhặt. Và rồi nạn nhân nhắm tới của anh ta lại có thể thoát chết. Làm thế nào điều này có thể xảy ra?.. ." Tuy nhiên Đức Thánh Cha đã không nêu lên ai đứng đàng sau vụ ám sát này, nhưng Đức Thánh Cha đã diễn tả nó như một tình tiết trong "những biến động cuối cùng của những ý thức hệ thế quyền của thế kỷ 20".

Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã luôn đặt lòng tin nơi Mẹ Maria đã cứu mạng sống Ngài khi bị bắn vào ngày Thứ Tư 13/5/1981, ngày kỷ niệm lần đầu tiên hiện ra ở Fatima Bồ Đào Nha. Đúng ba năm sau cũng vào ngày 13/5/1984, Đức Thánh Cha đã đặt viên đạn được lấy ra trong cơ thể Ngài để đặt lên vương miện tượng Mẹ Fatima tại Đền Thánh Fatima.

Theo một gia đình Việt Nam vừa viếng thăm Đền Thánh Fatima vào hồi tháng 10/2005 kể lại, "một chuyện lạ là vương miện và tượng Fatima đã được đúc từ lâu trước khi Đức Giáo Hoàng bị ám sát, thế nhưng nhìn kỹ vương miện mới thấy "chừa" một chỗ, và chỗ ấy vừa đúng khổ để lắp viên đạn bị bắn của Đức Cố Giáo Hoàng".